Bảo trì lưới điện. Ảnh: Dương Đức Kiên
Theo báo cáo của Điện lực Tây Ninh, hiện nay, nguồn điện chính cung cấp cho tỉnh từ trạm biến áp 500/220kV Cầu Bông và một phần từ trạm biến áp 500/220kV Tân Định, qua 3 trạm 220/110kV gồm Tây Ninh 2, Trảng Bàng 2, Bàu Đồn và 16 trạm biến áp 110/22kV (trong đó 12 trạm ngành điện và 4 trạm của khách hàng).
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có các nguồn điện năng lượng tái tạo đấu nối lưới 220-110kV từ nhà máy điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 1; Dầu Tiếng 2 (công suất 150+200MVA); HTG Tây Ninh của Công ty TNHH Đầu tư Tin Thác Hoàng Thái Gia Tây Ninh (công suất 50MVA); HCG Tây Ninh của Công ty cổ phần Điện mặt trời HCG Tây Ninh (công suất 50MVA); KCN Thành Thành Công số 1 và số 2 (công suất 48+50MVA); Bách khoa Á Châu 1 (công suất 30MVA); Trí Việt 1 (công suất 30MVA); Tân Châu 1 (công suất 50MVA); 4.260 hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà, tổng công suất lắp đặt 245,05MW và 2 nhà máy thuỷ điện Dầu Tiếng DO1 (có 3 tổ máy phát, công suất 1,5MW) và Dầu Tiếng CS2 (có 3 tổ máy phát, công suất là 1,5MW) tận dụng nguồn nước xả từ hồ Dầu Tiếng.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Tân Châu có nhà máy đường Công ty CP Mía đường Bourbon – Tây Ninh (31,5MVA) sử dụng quy trình vừa sản xuất đường vừa sử dụng bã mía thải ra làm nhiên liệu cho nhà máy phát nhiệt – điện cung cấp điện và hơi nước cho nhà máy. Vào cao điểm mùa vụ, điện năng dư thừa của nhà máy sẽ được phát lên lưới điện 110kV hỗ trợ việc cung cấp điện cho lưới điện khu vực.
4 tháng đầu năm, công suất sử dụng điện trên địa bàn tỉnh tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt trong đợt nắng nóng vừa qua, phụ tải tăng lên mức kỷ lục mới 17,079 triệu kWh (ngày 5.5.2023), tăng 17,02% so với cùng kỳ năm 2022. Trong những ngày qua, nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng làm tiêu thụ điện tăng rất cao. Nhiều đường dây, trạm biến áp phải vận hành thường xuyên đầy tải, quá tải đã dẫn tới xảy ra một số sự cố cục bộ trên lưới điện, có nguy cơ xảy ra sự cố trên diện rộng. Trong tình trạng mất cân đối cung – cầu của hệ thống điện, ngành Điện buộc phải tiết giảm chủ động để bảo đảm hệ thống điện vận hành an toàn, tránh xảy ra sự cố mất điện trên diện rộng. Do đó, một số nơi trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng mất điện đột xuất, Điện lực không thể thông báo kịp thời theo quy định.
Công ty Điện lực Tây Ninh đề nghị các khách hàng thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện chủ động.
Ông Nguyễn Hồ Hữu Ngọc- Trưởng Phòng điều độ Công ty Điện lực Tây Ninh cho biết, từ ngày 15.5 đến nay, tình hình thời tiết đã có chuyển biến tích cực, nhiều nơi có mưa, nên nguồn cung cấp điện được bảo đảm, Điện lực không thực hiện việc tiết giảm điện chủ động, không có trường hợp ngắt điện luân phiên.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các khách hàng sử dụng điện tại hội nghị, ông Đỗ Anh Dũng- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh cho biết, trong quá trình vận hành lưới điện, Điện lực luôn cố gắng bảo đảm cung cấp điện liên tục, thông suốt cho khách hàng, hạn chế tối đa tình trạng phải ngắt điện, việc tiết giảm điện chủ động theo quy định được ngành Điện thông báo trước với khách hàng.
Bên cạnh đó, để công tác tiết giảm điện chủ động được thực hiện an toàn, hạn chế ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, Điện lực Tây Ninh đề nghị những khách hàng có công suất sử dụng điện trên 1 triệu kWh/tháng cần có kế hoạch sản xuất cụ thể để phía Điện lực tỉnh phục vụ việc cung cấp điện tốt hơn.
Minh Dương