gười đưa năng lượng tích cực, lạc quan đến với họ cùng các ca sĩ trình diễn hôm đó, cũng hết sức ngạc nhiên với chính mình: Vì sao anh không còn lo lắng trước bệnh tật và “cháy” hết mình với những bản nhạc quen thuộc mà khóe mắt cay cay?
“Một buổi biểu diễn hiếm có trong đời tôi”, anh nói với PV báo Dân Việt. Rất có thể, những bản nhạc không lời như một khoảng lặng sau những nhịp điệu sôi động, để họ – những khán giả đặc biệt – được đánh thức từ trong tim một giai điệu bí ẩn của sinh học với niềm tin vượt qua đại dịch.
Saxophone Trần Mạnh Tuấn nổi tiếng với các bản hòa tấu “Hạ trắng”, “Một cõi đi về”, “Lời ru mắt em”, “Biển khát” cùng các album “Như cánh vạc bay”, “Bèo dạt mây trôi”, “Body & Soul”, “Angel Eyes”.
Bên cạnh đó, 2 album tự sáng tác của anh – “Ru rừng” và “Chú Cuội” – cũng từng đạt kỷ lục CD bán chạy một thời, không thua các ca sĩ thời thượng. Nhưng bài hát hay nhất mà anh từng chơi, khúc nhạc lưu luyến mà anh từng thổi, có lẽ là “Cát bụi”- nơi anh từng gửi gắm nhiều tâm sự khi đưa tiễn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời khỏi cõi tạm.
Mặc dù anh không nói thêm về ca ghép thận cùng những lần bệnh nặng trong đời, nhưng nhiều khán giả khâm phục tinh thần vì cộng đồng của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, cùng những đóng góp âm thầm của anh cho bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh trong mùa dịch. Hàng loạt bức tranh, hình ghép được cộng đồng mạng gửi tặng cho nghệ sĩ, với hình ảnh người đàn ông thổi những điệu kèn mê hoặc trong màn đêm trước những quầng sáng rực rỡ.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã có buổi trò chuyện với phóng viên Dân Việt sau buổi biểu diễn đáng nhớ trên.
Đêm 24/7, khi các bản nhạc “Quê hương”, “Về quê” vừa cất lên, không riêng gì người nghe ở BV dã chiến mà ngay cả người xem clip cũng muốn khóc trong một bối cảnh Sài Gòn đang phải trải qua những ngày tháng khó quên. Ở đó, có một chút tình sâu lắng cho người ta bấu víu…
– Khi nhận lời mời của các tình nguyện viên Sài Gòn, thoạt tiên tôi hơi ái ngại vì bản thân có bệnh nền rất nặng và đang phải uống thuốc chống thải ghép. Nhưng tôi nghĩ, đây là một phần trách nhiệm của nghệ sĩ, nhất là người đã nhận rất nhiều yêu thương của khán thính giả như mình nên quyết định tham gia. Rất may là tôi được cô con gái và bà xã thiết kế cho một khẩu trang đặc biệt để hạn chế phần nào rủi ro mà vẫn có thể biểu diễn được.
Thực sự, mọi người đến khu đó sẽ có cảm nhận kiểu như… chỉ có trong phim ảnh. Khung cảnh vừa tối, vừa âu lo với từng đoàn người mặc áo bảo hộ đi xét nghiệm quanh khu nhà, rồi những ánh đèn xe cấp cứu nhấp nháy liên tục… Đến khi tôi đem kèn ra thử, không ngờ lại nhận được sự cổ vũ của những vị khách mời quá đặc biệt mà có mơ cũng chẳng bao giờ tin nổi! Tôi có cảm giác mình được truyền một nguồn năng lượng ấm áp, xua đi chút lạnh lẽo.
Đến khi biểu diễn, tôi rất xúc động vì mình có cơ hội đứng trên một sân khấu đặc biệt, với các khán giả đặc biệt, trong không gian đặc biệt và trong một sự trầm mặc như vậy. Tiếng kèn phá vỡ không gian trĩu nặng đầy tâm trạng của các bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân.
Họ cảm thấy như được chia sẻ, cảm giác như được dịu lại trước những ưu phiền, lo lắng trĩu nặng về dịch bệnh. Và dẫu là người đàn ông từng trải nhưng mắt tôi vẫn hơi cay. Với kinh nghiệm 40 năm biểu diễn của mình, tôi phải hít thật sâu để chơi cho trọn vẹn.
Vì sao anh chọn những bản nhạc đúng thời điểm và đúng tâm lý như vậy?
– Cũng đơn giản thôi, vì tôi nghĩ rằng các y bác sĩ, bệnh nhân ở trong đó cũng có rất nhiều người đều không sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nhưng làm việc và sinh sống tại đây. Trong khoảnh khắc đó, ở những nơi buồn bã như vậy, chắc chắn mọi người rất nhớ nhà, nhớ người thân. Cho nên, những tác phẩm có tính chia sẻ cao đưa được mọi người lại gần nhau trong một khối cảm xúc chung của cả nghệ sĩ và khán thính giả.
Khi biết anh nhận lời trình diễn, bà xã và các con có lo cho sức khỏe của anh?
– Đầu tiên mọi người cũng lo, nhưng không ai cản vì biết công việc của tôi. Bà xã là người sống với tôi 30 năm nay, nên hiểu rõ suy nghĩ, đóng góp của tôi cho cộng đồng và ủng hộ hết mình. Chính bà xã là người đưa tôi đi diễn, vì buổi tối mắt kém tôi không thể lái xe.
Buổi trình diễn đã để lại ấn tượng vang dội. Đến lúc này, phản hồi của khán giả đối với anh ra sao?
– Tôi không có thời gian ngủ luôn. Hết người này đến người kia gọi. Đương nhiên, cảm giác của tôi vẫn còn lâng lâng chính vì sự đón nhận của mọi người, sự đồng cảm lớn quá!
Nhiều người cùng trình diễn trong đêm đó, nhưng vì sao tiếng kèn của Trần Mạnh Tuấn lại có thể khiến người ta vỡ òa như thế?
– Có lẽ vì tác phẩm đó, tiếng kèn đó lạ lẫm so với các tiết mục khác trong khung cảnh cũng rất khác, nên ai cũng cảm được, ai cũng thuộc lời.
Tôi cũng như mọi người, làm sao lại không sợ? Nhưng nếu không nghĩ đến cộng đồng, không nghĩ đến trách nhiệm của mình thì tôi sẽ không dám đi. Bởi nói đến thể trạng thì tôi dễ bị lây bệnh hơn nhiều người khác vì bệnh nền và sức đề kháng yếu. Nhưng từ trước tới nay tôi “chịu chơi” lắm, không ngán đâu. Sau đó, bác sĩ điều trị của tôi đọc báo mới mắng tôi: “Tôi lạy ông, ông liều quá mức!”.
Điều gì làm cho nỗi sợ của con người đang đông đặc như vậy mà nghe nhạc thì bỗng đổi khác?
– Những lúc bình thường, âm nhạc chỉ mang tính giải trí. Nhưng trong những hoàn cảnh như vậy, âm nhạc lại là liệu pháp. Trong khung cảnh tương đối u uất mà có tiếng nhạc thì tất cả như vỡ òa ra. Khi đó như có phong trào, người ta hết thấy sợ, cảm giác ồn ào phá vỡ màn không khí nặng nề. Một buổi biểu diễn chắc không có lần thứ hai!
Nghĩ cho cùng, cuộc sống rất vô thường. Là một người đi qua nhiều thăng trầm, bệnh tật, đôi khi tôi tự hỏi còn gì trên đời để tôi phải sợ nữa? Chính vì thế, tôi không bao giờ thích chia sẻ những điều tiêu cực cho bạn bè và những người xung quanh, mà nghĩ nên chia sẻ những điều tích cực, những giá trị tốt cho mình và họ. Nói ra chẳng để làm gì, không giải quyết được gì mà khiến họ phải buồn phiền. Tốt nhất, ta cứ cười, cứ vui và cứ sống hết mình.
Bản nhạc “Diễm xưa” hình như gắn bó với anh nhiều năm qua, không chỉ trong đêm diễn vừa rồi?
– “Diễm xưa” là tình ca, cách viết của Trịnh Công Sơn tưởng là viết cho cô Diễm, nhưng chính là viết cho cái đẹp trên đời này. Ông Sơn nhìn gì cũng đẹp, đặc biệt nhìn phụ nữ. Bởi lẽ, đôi khi có điều chúng ta chưa nghĩ ra, mà Trịnh Công Sơn đã tưởng tượng được nhiều lắm.
Thực ra “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” nếu không hiểu về ca từ nhạc Trịnh thì có thể sẽ nghĩ về Tháp Chàm. Nhưng không phải. Đó là cái đẹp vô cùng, cái cổ cao của nữ sinh Đồng Khánh mà chỉ những người cao đạo như Trịnh Công Sơn mới nhìn ra được thôi.
Từ ngữ đối với Trịnh Công Sơn như ông nói, “móc từ trong túi ra”. Tôi đến chơi với ông bao nhiêu năm mà chưa bao giờ thấy ông ngồi vào bàn sáng tác. Đôi khi ngồi trong quán cà phê với một phút tĩnh lặng, là lúc ông viết trong đầu. Về nhà, ông vào buồng riêng ghi ra thôi.
Trong những ngày giãn cách anh làm gì?
– Trong những ngày dịch bệnh, các nghệ sĩ như chúng tôi rất nhớ tiếng vỗ tay, tiếng hò reo cổ vũ của khán giả.
Nhưng kể ra cũng không có nhiều thời gian rảnh vì tôi phải dạy online mấy lớp gần trăm học viên nên lịch dày đặc, rảnh rỗi thì chơi live tặng mọi người. Cho nên tôi cũng không cảm thấy trống trải. Tôi luôn lao động hết mình.
Những ngày dịch giã này, nghe nhạc không lời, nhất là những bản nhạc của anh rất thấm thía, âm nhạc không cần giãi bày mà đủ sức khiến người ta rung cảm. Nhất là khi xem cả phần trình diễn của anh và một học trò người Hàn Quốc. Nói thật, nhạc Trịnh có nhiều người trình diễn rồi mà vì sao anh chơi vẫn khác?
-Trong 20 năm Trịnh Công Sơn rời bỏ cõi tạm, mỗi một năm có nhiều chương trình tôi phải hòa âm với biết bao nhiêu bài. Có lẽ nhờ đó mà tôi hiểu phần nào âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Nhạc Trịnh, như ông Sơn thường nói, thường gắn kết mọi người với nhau. Và nhạc Trịnh Công Sơn rất mộc mạc, đơn giản, dường như ai cũng chơi được. Ai cũng có thể nghêu ngao nhạc Trịnh. Nhưng để chơi một cách trọn vẹn và thấu hiểu thì phải có cảm nhận cũng như sự am tường riêng.
Sự mộc mạc của âm nhạc Trịnh Công Sơn đã tạo không gian cho các nghệ sĩ có thể tung tăng trong đó. Giống như bức tranh tối giản để người ta có thể cảm được trước khi chúng ta sử dụng kỹ thuật quá mức.
Là người chơi nhạc Trịnh tinh tế và có nét riêng, pha trộn cả Jazz, mối thâm sâu giữa anh và nhạc sĩ ra sao?
– Có thể nói, Trịnh Công Sơn đối với tôi như một nhân duyên. Và khi nhỏ, chưa biết gì, mọi người cảm nhận nhạc Trịnh bằng ca từ thì tôi cảm nhận bằng giai điệu. Lúc đó, tôi chơi nhạc chứ không biết Trịnh Công Sơn là ai, đó là bài gì, chỉ biết âm thanh trầm bổng. Cũng không biết sau này mình có cơ hội gặp được nhạc sĩ.
Đầu năm 1992, lần đầu tiên tôi gặp được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sau lần gặp ấy, tôi được ông coi như người bạn trẻ, đồng nghiệp trẻ, người em nhỏ trong gia đình.
Trịnh Công Sơn từng nói rằng ông rất quý tôi, hiếm có nhạc sĩ nào có được 5 bức tranh sơn dầu do ông vẽ tặng. Tình cảm đó rất ý nghĩa. Những năm tháng gần ông, được nghe ông chia sẻ không chỉ về âm nhạc mà còn về đời thường, giữa sự tối giản và mộc mạc tôi học rất nhiều.
Cả hai đều gặp nhau ở sự tối giản. Nãy giờ anh cũng thích hai chữ ấy. Vậy đỉnh cao của âm nhạc phải chăng là sự tối giản?
– Âm nhạc chỉ có hai từ hay và dở thôi. Có những tác phẩm phức tạp mang tính kỹ thuật cao, truyền cảm rất sâu, tác động tới tâm hồn rất lớn. Chúng ta chỉ có thể nói hay hay dở, không có khó hay dễ. Nếu như anh tối giản, chỉ cần chơi 2-3 nốt làm người ta rung động thì đấy cũng là cái hay. Trường phái nào cũng đều phải chạm tới trái tim khán giả.
Có dịp hòa tấu cùng nghệ sĩ Nguyên Lê, anh có nhận xét gì về âm nhạc của ông, hai người có sự đối kháng về chất nhạc hay là một thể thống nhất?
– Tôi có nhiều dịp chơi với nghệ sĩ Nguyên Lê, và đặc biệt chương trình Cảm xúc phương Đông mà tôi đứng ra tổ chức mời ông về trình diễn cùng mình. Đêm nhạc trình làng 9 tác phẩm của tôi và 4 tác phẩm của nghệ sĩ Nguyên Lê. Với hình thức âm nhạc đó, khán giả VN cũng còn tiếp nhận lâu dài, chưa bằng các tác phẩm pop khác, nhưng tôi nghĩ đấy là những gì có thể ra được thế giới. Cũng là những gì mà nhiều năm nay, khi biểu diễn ở nước ngoài và các cuộc liên hoan quốc tế, tôi thường nghĩ đến bởi vì chính cái đó mang tính bản sắc rất cao.
Khi trình diễn trong một liên hoan, người ta nói đến bản sắc. Vì anh là người Á đông, người Việt, dĩ nhiên nên sử dụng những gì của mình, nói bằng ngôn ngữ của mình. Mỗi người nói bằng bản sắc của chúng ta và ngôn ngữ chung là âm nhạc. Mọi người có thể cảm nhận cái hay hay dở, và cả xúc cảm bên trong từng nốt nhạc mà không cần diễn đạt bằng từ.
Sự phức tạp của âm nhạc Nguyên Lê và sự tối giản ở Trần Mạnh Tuấn mang lại sự phản chiếu khiến cả hai phong cách đều có thể tôn nhau lên. Người ta nghe sự phức tạp, khi một giây phút nào đó tìm thấy sự tối giản thì họ thấy quý. Và trong những giây phút tối giản đó, họ nghe thấy những gì dữ dội của sự phức tạp thì lại càng quý hơn. Cả hai là sự hòa quyện chứ không phải lắp ghép. Những dịp biểu diễn cùng nghệ sĩ Nguyên Lê là dịp rất quý và tôi học hỏi được rất nhiều.
Hai người ra thế giới, tạo những bản world music hay nhưng luôn trở về với tâm hồn Việt, những giai điệu ăn sâu trong máu. Ngoài bản sắc, còn có gì để làm người ta nhận ra ngay phong cách mỗi người?
– Nhạc sĩ Nguyên Lê là một người yêu cội nguồn. Từ nhiều năm anh đã ra đĩa về VN (năm 1996, khi đó tôi là sinh viên trường Berklee). Chính anh là người ảnh hưởng đến cách tư duy của tôi rất nhiều, ở VN không ai dạy cho tôi con đường để phát triển. Các thầy giáo dạy các kỹ thuật và những gì mang tính vĩ mô, còn từng con đường, từng kẽ ngách phát triển thế nào thì phải nghiên cứu và nếu may mắn để ảnh hưởng một người nào đó (dĩ nhiên không dẫm lên để thành bản copy) thì có thể tìm ra lối riêng.
Tôi may mắn sinh ra trong gia đình có truyền thống sân khấu cải lương. Cho nên bản thân nhiều năm từ thuở nhỏ đã thấm đẫm nét dân ca và giai điệu cổ truyền, phần nào giúp hình thành tư duy, thể hiện những nhấn nhá dân gian đó bằng nhạc cụ saxophone. Thời gian 1996, tôi nghe nhạc Nguyên Lê rất nhiều, tôi chơi bằng cách của mình, phát triển phong cách Á đông hơn, nhẹ nhàng hơn.
Những nghệ sĩ kèn gốc Phi hay Mỹ Latin thường chơi rất hay. Còn ở châu Á, có lẽ nét diễn tinh tế và có sắc thái được chú ý hơn là làn hơi và kỹ thuật. Khi anh trình diễn, có cảm giác nghe rất khác, từ điều phối hơi thở đến cách cảm nhận, không hề phô phang kỹ thuật, mà như cái tình trào lên từ bên trong. Theo anh, đó là kinh nghiệm hay tư duy âm nhạc?
– Năng khiếu và cảm nhận của những người làm nghệ thuật nói chung và làm âm nhạc nói riêng, phải chiếm đến 70%. Còn tất cả kiến thức là tóm tắt, hệ thống lại tư duy của mình cũng như bổ sung nhiều cách bài bản hơn để ngoài việc chơi được, chúng ta có thể giảng giải, thấu hiểu và có thể dạy lại cho người khác. Đối với tôi, bản năng, cảm nhận âm nhạc và năng khiếu âm nhạc vẫn nhiều hơn việc học hành.
Còn cô con gái An Trần theo nghiệp bố thì sao?
– Trong tương lai, có thể nói, An Trần may mắn hơn bố vì từ nhỏ đã học hành bài bản trong môi trường top. Ngày xưa, tôi hay nói với các con, “có hai điều bố sợ nhất là ngôn ngữ và tài chính. Ngôn ngữ thì bập bõm, kinh tế thì không có, cả hai điều đó làm cho con người ta nhút nhát nhất trong cuộc đời này. Trong khi các con có thể đi hiên ngang bằng hai thứ đó, nên có thể tiếp nhận những gì hiện đại”.
Cháu An Trần là người mạnh mẽ, cứng cáp, sắp quay trở lại Mỹ học tiếp mặc dù đang trong lúc dịch bệnh. Thật hạnh phúc khi nhìn thấy An Trần tiến bộ từng ngày!
Luôn ra mắt cùng lúc 2 album: một nhạc Việt, một nhạc nước ngoài, như một sự bù trừ mà vẫn có nét riêng, Tây ra Tây, ta ra ta không trộn lẫn. Tinh thần âm nhạc và triết lý nghệ thuật của anh là gì, ngoài sự đơn giản, nhẹ nhàng mà sâu sắc và tưởng như một hơi thở tự nhiên nhưng chính là do dụng công rất nhiều?
– Thực ra, nói đến người nghệ sĩ, người ta nghĩ đến cái tôi. Và mỗi một nghệ sĩ có cách trình tấu, biểu cảm khác nhau. Có lẽ, từng trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, nên tôi nhìn cuộc sống nhẹ nhõm hơn. Cách xử lý khi thể hiện âm nhạc cũng vậy.
Triết lý của tôi là luôn mang nét đẹp đến trước với khán thính giả. Vì người Á đông cần đến với sự nhẹ nhàng, kín đáo nên tôi luôn muốn đặt những giai điệu đẹp trước cho họ thưởng thức, còn cảm nhận được là do tính chia sẻ của mình trong đó.
Anh có thể nói rõ hơn về những cảm xúc khi “song tấu” cùng các giọng ca như Tuyết Loan, Cẩm Vân, Thanh Lam, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Tùng Dương?
– Tôi từng biểu diễn với nhiều nghệ sĩ. Mỗi một nghệ sĩ có một màu sắc riêng. Tôi cũng có chút kinh nghiệm khi chơi cùng các nghệ sĩ nên biết họ mạnh ở đâu để hòa quyện với họ.
Thanh Lam thì bốc lửa hừng hực, Hồng Nhung bao giờ cũng nhẹ nhõm, bay bổng một cách rất thư thái. Tùng Dương cũng “cháy” ngùn ngụt lửa. Gặp ông “ngùn ngụt” thì mình phải dịu lại, chứ mình cũng “ngùn ngụt” như vậy thì làm sao hòa quyện được với họ.
Chị Tuyết Loan là nghệ sĩ gạo cội nên có thể hát nhạc jazz rất chuẩn. Người Mỹ nghe chị hát không tin đấy là người Việt Nam. Chị hát bằng trực giác, từ ngữ điệu, cách phiêu của tác phẩm, có lẽ ít ca sĩ Việt nào hát nhạc Jazz được như chị ấy.
Hiện nay anh có bao nhiêu tác phẩm sáng tác?
– Hơn 40 tác phẩm. Tôi nghĩ, từng thời điểm một mình có nhiều dự án. Nhưng đến bây giờ tôi chẳng gọi là dự án nữa mà chỉ là sáng tác của mình thôi, nếu có thì là dự án cho An Trần.
Thế còn bộ sưu tập kèn cổ?
– Tôi có 76 cây kèn cổ quý. Có những cây khoảng 116 năm chơi vẫn rất tốt. Xin phép cho tôi không nói giá ở đây, vì bộ sưu tập đó là vô giá.
Dù không muốn nói nhiều về bệnh tật, nhưng trải qua những lần bệnh nặng, anh nghĩ gì về giá trị của cuộc sống?
– Hai quãng thời gian mà tôi phải nghỉ chơi kèn độ mươi ngày là lúc ghép thận và điều trị máu ở Singapore. Nghệ sĩ sợ nhất là không được chơi trên sân khấu, không được cầm kèn. Nhiều năm nay tôi nhìn mọi việc cũng khác, những cái thật lớn chợt nhỏ lại, những cái thật thì lại chẳng có gì cả. Có gì thật vui thì mình cũng không xúc động mạnh, hoặc chuyện không vui cũng cảm thấy bình thường.
Tôi là người thích Phật pháp nên quan niệm sống cũng nhẹ nhõm, yêu thương mọi người xung quanh. Và dường như tôi không bao giờ nghĩ có người không tốt quanh mình, kể cả những gì người ta nói không tốt về mình thì cũng coi như không đọc, không nghe.
Cũng chưa đến mức độ thiền, nhưng cách suy nghĩ của nhà Phật đã giúp cho tôi đi qua mọi việc nhẹ nhàng hơn.
Ngoài sự tinh tế, tiếng kèn của anh còn cho người ta cảm giác anh là người rất hạnh phúc và bình yên, cả khi chơi nhạc lẫn khi đang hít thở…
– Người ta nói “tâm sinh khí”. Sự đau khổ cũng có thể mang lại tính đột biến cho các tác phẩm hay. Và những điều hạnh phúc cũng mang lại những tác phẩm đẹp, những điều đẹp cho đời. Cũng không thể nói là những người hay đau khổ không cho ra tác phẩm hay. Cũng có những người trong lúc tận cùng lại lóe lên tác phẩm rất hay và đẹp.
Tôi thấy mình luôn là người hạnh phúc, luôn được yêu thương, từ khán thính giả đến gia đình đầm ấm…
Với tôi, sống là chia sẻ yêu thương vì lúc này không còn phải lo cơm áo gạo tiền, không còn băn khoăn nhiều về đời sống, không những riêng cho mình và gia đình, mà tôi vẫn làm những việc nhỏ để cùng chia sẻ với các bạn đồng nghiệp trong đợt dịch.
Chính ở cuộc sống này, mình đã đón nhận quá nhiều sự chia sẻ hạnh phúc thì lúc có điều kiện, nên chia sẻ điều đó với người khác, để cảm thấy an nhiên, đẹp đẽ hơn và để cho con cái nhìn nhận bản chất của cuộc sống này là sự sẻ chia. Tôi vẫn nói với các con rằng nếu không có sự sẻ chia và yêu thương thì bố mẹ không được như ngày hôm nay.
Xin cảm ơn nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn!