Anh Nguyễn Đình Thắng – Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Lực lượng TNXP Nghệ An nêu ra một số vấn đề mà thanh niên xung phong tỉnh quan tâm
Tại điểm cầu trực tiếp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, anh Nguyễn Đình Thắng – Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Lực lượng TNXP Nghệ An nêu ra một số vấn đề mà thanh niên xung phong tỉnh quan tâm.
Anh Thắng đặt câu hỏi: “Trong bối cảnh chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ như hiện nay, Trung ương Đoàn, Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam có giải pháp như thế nào để hoàn thiện hệ thống lưu trữ hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục chứng minh, tăng cường công tác tuyên truyền, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giải quyết hồ sơ cho TNXP? “Mong các tổ chức, đơn vị ban hành các quy định về mẫu Giấy chứng nhận, hướng dẫn cụ thể về hình thức khen thưởng đối với người tham gia tổ chức thanh niên xung phong hiện nay”, anh Thắng bày tỏ nguyện vọng.
Chủ trì Diễn đàn tiếp tục mời các bạn đoàn viên thanh niên đặt câu hỏi.
Bạn Tống Đình Sơn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trái tim Nhật Thiện, tỉnh Thái Nguyên, Phó Ban thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực miền Bắc Mạng lưới tình nguyện quốc gia cho rằng, thời gian qua, Trung ương Đoàn thông qua Trung tâm Thông tin Nguồn lực Tình nguyện Việt Nam đã thành lập và duy trì rất tốt Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia ở các khu vực, thường xuyên định hướng, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho các thành viên Mạng lưới. Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều Câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện vì cộng đồng ở các tỉnh, thành phố chưa biết đến Mạng lưới hoặc chưa tham gia vào hoạt động tình nguyện của tổ chức Đoàn, Hội. “Vậy trong thời gian tới, Trung ương Đoàn có định hướng, giải pháp nào để tăng cường kết nối, tập hợp và phát huy hiệu quả hoạt động tình nguyện của các câu lạc bộ, hội, đội, nhóm, nhất là tập hợp thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện trên mạng mạng xã hội và trong các cộng đồng trực tuyến? Trung ương Đoàn có thể chia sẻ, giới thiệu một số mô hình cụ thể để các cấp bộ Đoàn học tập, nhân rộng?”, bạn Tống Đình Sơn đặt câu hỏi.
Đại diện Ban Thanh niên xung phong Trung ương Đoàn, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Trung tâm tình nguyện Quốc gia trao đổi, trả lời các câu hỏi trên.
Anh Lê Thanh Tú – Trưởng Ban Thanh niên xung phong Trung ương Đoàn trao đổi về giải pháp để hoàn thiện hệ thống lưu trữ hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục chứng minh, tăng cường công tác tuyên truyền, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giải quyết hồ sơ cho TNXP; việc ban hành các quy định về mẫu Giấy chứng nhận, hướng dẫn cụ thể về hình thức khen thưởng đối với người tham gia tổ chức thanh niên xung phong. Theo anh Tú, thời gian qua Ban Thanh niên xung phong Trung ương Đoàn phối hợp chặt chẽ Trung ương Hội TNXP và các bộ, ngành xử lý các chính sách đối với thanh niên xung phong. Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống theo dõi các thông tin thanh niên xung phong liên quan đến khen thưởng, cấp giấy chứng nhận, kỷ niệm chương với thanh niên xung phong.
Anh Lê Thanh Tú – Trưởng ban Thanh niên xung phong T.Ư Đoàn. |
Anh Tú cho biết, hiện Trung ương Đoàn đã hoàn thiện hệ thống lưu trữ hồ sơ của thanh niên xung phong đã được Trung ương Đoàn hoàn thiện. Những hồ sơ từ năm 1999 trở lại đây đã được cập nhật lưu trữ đầy đủ; còn giai đoạn từ năm 1998 trở về trước còn gặp những khó khăn nhất định. Hiện Trung ương Đoàn đang phối hợp chặt chẽ với Hội cựu thanh niên xung phong tiếp tục xử lý vấn đề này.
Anh Tú cho biết thêm, thời gian qua, Trung ương Đoàn tích cực phối hợp với các đơn vị xây dựng Nghị định, chính sách cho thanh niên xung phong, trong đó có Nghị định 28.
Trao đổi thêm về nội dung này, ông Vũ Trọng Kim – Chủ tịch T.Ư Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho rằng, dữ liệu hồ sơ rất cần thiết nhưng cần thiết nhất hiện nay là Trung ương Đoàn cần có mối liên hệ với các cấp chính quyền địa phương để thông tin các chương trình dự án từ cấp xã, huyện, tỉnh, quốc gia. Chương trình dự án gồm chương trình, trung hạn (5 năm) và dài hạn. Ông Kim đề nghị, Trung ương Đoàn cần có sự liên kết, kết nối để sớm công khai các loại công trình, dự án để lực lượng Thanh niên xung phong tham gia thực hiện.
Ông Vũ Trọng Kim – Chủ tịch T.Ư Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam trao đổi tại Diễn đàn. Ảnh: Dương Triều |
Ông Kim cho rằng, tất cả những văn bản hiện này chúng ta đang thiếu nơi đến. Đọc câu thơ: “Đi đi dự án chờ anh đó/Tổ quốc cần đâu gọi thanh niên xong phong”, ông Kim nhấn mạnh, cần có nơi đến cụ thể, nơi Tổ quốc cần để thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện lên đường.
Theo ông Kim, các dự án, công trình phải cấp xã đến trung ương phải được công khai cụ thể, rõ ràng để những nơi thực sự khó khăn, đặc thù cần sức vóc thanh niên xung phong cống hiến.
Ảnh: Dương Triều |
“Chính sách phải đúng, trúng mới quan trọng chứ không phải là chính sách nhiều hay ít. Chính sách về động lực là một phần nhưng chính sách về vật chất, tiền lương, tiền thưởng của người lao động bây giờ rất quan trọng, chứ không chỉ mỗi xung kích và xung phong”, ông Kim nhấn mạnh. Ông Kim đề nghị, với những địa bàn khó khăn, gian khổ mà thanh niên xung phong tham gia cần có chính sách tiền lương, thưởng tăng lên từ 30 -50%.
Chị Đỗ Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia trao đổi về định hướng, giải pháp để tăng cường kết nối, tập hợp và phát huy hiệu quả hoạt động tình nguyện của các câu lạc bộ, hội, đội, nhóm; tổng hợp các mô hình.
Chị Đỗ Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia |
Chị Hoa cho biết, hiện Trung tâm Tình nguyện Quốc gia mở rộng mạng lưới ra 4 khu vực: Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên. Tại đây, đều có các Ban thường trực có 10-15 trưởng đội, nhóm tình nguyện nhằm điều hành, trở thành cánh tay nối dài của trung tâm để kết nối với các lực lượng tình nguyện, đội, nhóm, Câu lạc bộ nhằm triển khai các hoạt động tình nguyện.
Hiện nay, mạng lưới đã phát triển hàng ngàn câu lạc bộ, đội, nhóm. Riêng năm 2023 mạng lưới đã phát huy hơn 4900 hoạt động, làm lợi hơn 220 tỷ đồng.
Chị Hoa cho biết, khi tập hợp các Câu lạc bộ, đội, nhóm, Trung tâm luôn xác định tạo điều kiện tốt nhất cho các đội nhóm, thông qua việc: đảm bảo tư cách pháp nhân; có công văn của Trung tâm gửi về địa phương, tỉnh thành Đoàn; tổ chức các hoạt động tôn vinh khen thưởng kịp thời. Thực tế, nhiều thủ lĩnh đội nhóm, câu lạc bộ tình nguyện sau khi tham gia vào mạng lưới Trung tâm tình nguyện quốc gia đã có sự trưởng thành trở thành hạt nhân lan toả phong trào thanh niên tình nguyện, có người đạt giải thưởng Tình nguyện quốc gia; mới đây bạn Lê Văn Phúc, Chủ nhiệm CLB Fly to Sky trở thành Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023.
Chị Hoa cho biết thêm, 100% các bạn tham gia tình nguyện trong mạng lưới tình nguyện quốc gia đều được cấp giấy chứng nhận tình nguyện của Trung tâm.
Với mục tiêu năm 2030 tổ chức Đoàn, Hội định hướng, hỗ trợ đồng hành phát huy 3000 đội, nhóm, câu lạc bộ tình nguyện, Trung ương Đoàn xác định triển khai các nhiệm vụ: tập huấn ban chủ nhiệm; thường xuyên chủ động tìm kiếm đồng hành Câu lạc bộ, đội, nhóm trên địa bàn; tổ chức diễn đàn trao đổi kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành Đoàn với đội nhóm; tuyên dương khen thưởng; xây dựng cổng thông tin kết nối với các Câu lạc bộ, đội, nhóm.
Bên cạnh đó, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII xác định chủ trương mới – chủ trương “3 liên kết” trong phong trào thanh niên tình nguyện rất quan trọng để mở rộng kết nối các lực lượng tình nguyện.
Trao đổi thêm về những vấn đề này, anh Nguyễn Văn Bính – Phó Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Hải Phòng chia sẻ một số kinh nghiệm, chính sách đối với thanh niên xung phong trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Anh Bính cho biết, đối với lực lượng thanh niên xung phong tại huyện đào Bạch Long Vĩ, là huyện đảo đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, có vị trí biệt lập, cách đất liền khoảng 110 km; đây cũng là 1 trong sổ ít các đảo được Trung ương Đoàn lựa chọn là “Đào thanh niên”, do vậy thành phố cũng có các chế độ, chính sách riêng.
Theo đó, các chức danh lãnh đạo Liên đội thanh niên xung phong đang công tác tại huyện Bạch Long Vĩ (Liên đội trưởng, liên đội phó) được hưởng chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách tương tự như cán bộ, công chức, viên chức công tác tại huyện đảo. Thành phố có chính sách bố trí, sử dụng lực lượng thanh niên sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Văn Bính – Phó Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Hải Phòng chia sẻ một số kinh nghiệm, chính sách đối với thanh niên xung phong trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Ảnh: Dương Triều |
Anh Bính cho biết, từ khi thành lập đến nay, thanh niên xung phong Bạch Long Vĩ đã bổ sung lực lượng dân cư trẻ cho huyện đảo trên 250 người, có 58 đồng chí được tuyển dụng vào các phòng, ban, ngành của huyện, trong đó có: 1 đồng chí đảm nhiệm chức vụ là Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện; 2 đồng chí là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; 1 đồng chí là Chủ tịch ủy ban Mật trận Tổ quốc Việt Nam huyện; 25 đồng chí là trưởng, phó và 26 cán bộ thuộc các phòng, ban chuyên môn của huyện và các đơn vị trên đào; 4 đồng chí là đội viên thanh niên xung phong đã trưởng thành và giữ chức vụ Liên đội trưởng, Liên đội phó.