Lĩnh vực thể thao ở nhiều nước trên thế giới đã thực sự trở thành một ngành nghề trong hệ thống kinh tế. Kinh tế thể thao là một cỗ máy đồ sộ, liên kết với nhiều ngành nghề sản xuất dịch vụ khác, tạo công ăn việc làm, lợi nhuận, thu nhập cho cá nhân; đóng góp khoản thuế đáng kể cho ngân sách quốc gia và tạo ra các giá trị xã hội tích cực.
Trong những năm gần đây, Thể thao Việt Nam ngày càng khởi sắc, đã có nhiều thay đổi và cách làm hay để thúc đẩy xã hội hóa thể thao. Sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội đã giúp thể thao phát triển và giành nhiều thành tích từ cấp độ khu vực, châu lục cho đến Olympic.
Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam 2024 (Vietnam Sport Economic Forum 2024) với chủ đề “Phát huy tiềm năng của Kinh tế thể thao trong thời kỳ mới” sẽ chính thức iễn ra vào sáng ngày 17/10 tại Khách sạn Melia, Hà Nội. Diễn đàn 2024 với sự tham gia của 200 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện cho các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, đơn vị tổ chức giải thể thao chuyên nghiệp và phong trào; các đơn vị đài truyền hình và công ty hoạt động trong lĩnh vực bản quyền thể thao, kinh doanh trong lĩnh vực thể thao. Diễn đàn kinh tế Thể thao Việt Nam chính là nơi sẽ chia sẻ về vấn đề đầu tư cho lĩnh vực thể thao hướng đến bắt kịp được xu thế phát triển của thế giới.
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Internet.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2023, sự kiện do Cục Thể dục thể thao, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Olympic Việt Nam và Công ty Vietcontent phối hợp tổ chức đã diễn ra thành công thu hút được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của các Bộ, Ngành liên quan. Nhiều quan điểm, ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ các cơ quan tổ chức, cá nhân về các vấn đề liên quan đến quản lý và phát triển kinh tế thể thao Việt Nam đã được đưa ra tại diễn đàn.
Tiếp nối thành công đó, Diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2024 (Vietnam Sport Economic Forum 2024) sẽ là nơi để các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung thảo luận, chia sẻ các quan điểm chuyên sâu và toàn diện về các vấn đề liên quan đến quản lý và phát triển nền kinh tế thể thao tại Việt Nam.
Theo đó, Diễn đàn kinh tế thể thao 2024 gồm có 3 phiên thảo luận tập trung vào các nội dung: Tạo lập môi trường pháp lý để phát triển kinh tế thể thao; Tác động kinh tế của việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn đối với địa phương, đơn vị đăng cai; Khai thác giá trị thương mại và lợi ích xung quanh một giải thi đấu thể thao.
Mục tiêu hướng tới của các phiên thảo luận là giúp đánh giá môi trường pháp lý hiện nay; những thuận lợi, khó khăn của các cơ quan, tổ chức trong triển khai các hoạt động TDTT tiến tới đề xuất kiến tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động kinh tế thể thao; phát huy tối đa nguồn lực của khu vực ngoài công lập trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của TDTT theo tinh thần Kết luận số 70-KL/TW của Bộ chính trị ngày 31/01/2024. Cùng với đó là làm thế nào để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro từ các sự kiện thể thao quy mô lớn.
Bên cạnh đó, phiên thảo luận cũng giúp các địa phương, đơn vị đăng cai mỗi sự kiện thể thao có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lên kế hoạch chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như thế nào để tìm ra những hướng đi phù hợp, hiệu quả cho địa phương, đơn vị mình.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Thanh Liêm – Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ về môi trường pháp lý để triển khai các hoạt động thể dục thể thao hiện nay; khẳng định hệ thống pháp luật về TDTT được chi thành hai nhóm: Nhóm điều chỉnh trực tiếp các hoạt động TDTT; nhóm các văn bản có liên quan, đặc biệt làm các quy định liên quan đến khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực, chính sách thuế đối với hoạt động TDTT.
Các diễn giả chia sẻ quan điểm tại Diễn đàn. Ảnh: Internet.
“Hệ thống pháp luật về TDTT đã tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tác dụng của TDTT trong việc bảo vệ, nâng cao sức khoẻ, thể lực, tầm vóc và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hoá lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế. Tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và phát triển sự nghiệp TDTT.
Từ chỗ TDTT hoàn toàn được bao cấp bởi Nhà nước, đến nay đã từng bước được xã hội hoá, một số môn thể thao chuyển dần sang cơ chế thể thao chuyên nghiệp, vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp về TDTT ngày càng được nâng cao; các hoạt động TDTT được tổ chức thường xuyên trong các đối tượng và ở các vùng miền của đất nước, đã và đang thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân; hoạt động kinh doanh dịch vụ TDTT ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Góp phần luật hóa các quy định của điều ước quốc tế trong lĩnh vực TDTT mà Việt Nam là thành viên, thúc đẩy giao lưu, hợp tác TDTT giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức thể thao quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế. Thúc đẩy sự phát triển của thể thao Việt Nam trong những năm qua: tỷ lệ người tập thể dục thể thao thường xuyên tăng đạt 29,53% tổng số dân, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 21,2% tổng số hộ gia đình trên toàn quốc, số lượng huy chương giành được tại các giải thể thao quốc tế chính thức tăng thành tích của đoàn thể thao Việt Nam luôn nằm trong 3 nước đứng đầu các nước Đông Nam Á, một số vận động viên đạt trình độ hàng đầu Châu Á và thế giới./.
Lê Quang