Trung du, miền núi phía Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhờ sự phong phú về tài nguyên như đất, nước, khí hậu; các chính sách hỗ trợ; người dân trong vùng ngày càng có nhiều kinh nghiệm, nhận thức và nhu cầu được chuyển đổi sang sản xuất NNHC, nông nghiệp tuần hoàn; các địa phương trong vùng đều có định hướng phát triển một nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị và thân thiện môi trường nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, mô hình tận dụng nguyên liệu từ phụ phẩm rơm rạ trong trồng lúa (trồng lúa – trồng nấm – phân hữu cơ – trồng cây trồng khác) giúp nâng cao giá trị sản xuất lúa, đa dạng hóa sản phẩm, giảm phân bón hóa học, cải tạo đất… Tận dụng nguyên liệu từ phụ phẩm rơm rạ trong trồng lúa để trồng nấm, bã sau khi thu hoạch nấm được tận dụng để bón cho cây trồng (cây ăn quả, rau màu).
Tại Bắc Kạn, mô hình sản xuất rau, quả an toàn thực phẩm, hữu cơ trong nhà lưới, nhà màng đơn giản. Liên kết sản xuất rau an toàn thực phẩm, hữu cơ tập trung góp phần mở rộng vùng chuyên canh rau an toàn trên địa bàn. Nhà lưới được khai thác hiệu quả giúp giảm sâu bệnh, hạn chế tác động của mưa lớn đến chất lượng và mẫu mã rau trồng, giảm công chăm sóc, các loại hóa chất đầu vào, góp phần giảm chi phí đầu tư và an toàn thực phẩm.
Nhận thức được vai trò của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng một số mô hình tiêu biểu, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững như Dự án “Xây dựng mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Lào Cai”, giai đoạn 2020 – 2022, quy mô 20 ha, năng suất bình quân đạt 4,6 tấn búp tươi/năm/ha, cao hơn mục tiêu dự án 1,1 tấn/ha (tương ứng mức tăng 31,7%), sản phẩm chè đạt chứng nhận hữu cơ; Mô hình chăn nuôi bò tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm được triển khai tại Phú Thọ và Hà Nội, quy mô 800 bò được vỗ béo trên nền đệm lót sinh học. Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học để làm đệm lót sinh học và sản xuất phân bón hữu cơ, nhờ dùng chế phẩm sinh học nên đã hạn chế rất nhiều chất thải độc hại ra môi trường, hạn chế mùi hôi thối, ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ sinh vật có hại, bảo vệ sức khỏe đàn bò; tiết kiệm khoảng 80% nước trong chăn nuôi. Lượng phân bón tạo ra được sử dụng cho cây trồng, tạo ra vòng tuần hoàn khép kín. Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng bình quân 17,05% so với chăn nuôi truyền thống.
Theo Cục Chăn nuôi, để phát triển nông nghiệp hữu cơ và kinh tế tuần hoàn, giải pháp phát triển trong thời gian tới, cần phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn bền vững, giảm thiểu phát thải ảnh hưởng đến môi trường; Hệ thống văn bản, chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp bền vững và đề án kinh tế tuần hoàn đã được Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành. Trong đó, thể hiện rõ kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động. Một số mô hình nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn đã cải thiện rõ rệt hiệu quả kinh tế, tạo động lực để lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng người làm nông nghiệp./
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/dien-dan-khuyen-nong-@-nong-nghiep-giai-phap-thuc-day-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-huu-co-nong–.aspx