Học vấn dù theo bất cứ phương cách nào vẫn là điều cốt yếu vun đắp nền tảng một công dân hữu ích kiến tạo đất nước.
Nhiều người đã từng hỏi có nhất thiết phải mài mòn thanh xuân trên ghế giảng đường đại học? Điều này lại càng trăn trở hơn với những bạn trẻ tuổi 18 trước bao lối rẽ vào đời. Nên mới có thực tế rằng dù đã an yên trên ghế giảng đường nhưng đôi lúc vẫn quay quắt nên chăng bỏ học theo đuổi đam mê!
Tấm bằng đại học trong suy nghĩ của nhiều gia đình từ lâu đã như tấm vé vào đời tương đối vững chắc. Nên mới có nhiều câu chuyện đầy áp lực với bao nhiêu bạn trong cuộc vượt vũ môn tuổi 18.
Nhưng theo thời gian, tấm bằng ấy có phần nào dần trượt giá khi trường mở nhiều hơn và cử nhân ra trường thất nghiệp cũng kha khá. Thậm chí có người phải cất tấm bằng cử nhân lao vào bôn ba với cuộc mưu sinh của gánh nặng cơm áo gạo tiền và cả định hướng mơ hồ về bản thân.
Những mảnh ghép buồn ấy buộc nhiều bạn và cả gia đình phải lựa chọn vào đại học hay học nghề? Học tiếp hay vào đời kiếm sống ngay?
Đại học ở một góc nào đó đã không còn là tấm vé vạn năng vào đời, cũng chẳng phải cánh cửa duy nhất dẫn người trẻ đến với sự nghiệp ổn định hay lương bổng dồi dào.
Tuy vậy, điều đó không đồng nghĩa rằng tốt nghiệp phổ thông là đủ rồi. Và càng không thể phủ nhận giá trị của thời gian đã học và hoàn thành đại học. Kiến thức chuyên sâu, năng lực chuyên biệt cho nghề nghiệp cùng bao kỹ năng phục vụ đắc lực cho công việc tương lai chỉ có thể được trui rèn một cách bài bản, khoa học với thái độ học tập nghiêm túc trên giảng đường.
Khi có niềm đam mê mãnh liệt cho ngành học và công việc đã chọn, hẳn bạn sẽ biết cách phấn đấu làm bạn cùng tri thức cũng như chuẩn bị chỉn chu Ngayon từ những tháng ngày còn được học.
Hành trang đó đủ giúp bạn có thể tự tin hơn khi rời trường học bước vào thực nghiệp. Hà cớ gì không chọn một cánh cổng đại học đúng sở thích, hợp năng lực và điều kiện của bản thân.
Nếu chưa đủ năng lực và điều kiện vào đại học, chúng ta vẫn có nhiều hướng đi khác mà học nghề cũng là một chọn lựa. Ngay khi không thể tiếp tục làm bạn với con chữ mà buộc phải bôn ba vào đời cũng chẳng sao cả. Hãy tận dụng cơ hội ấy để mài giũa chính mình, tích lũy cho mình cơ hội theo đuổi công việc yêu thích ở thời điểm thích hợp hơn.
Cuộc đời có trăm lối rẽ, mọi công việc đều đáng trân quý. Việc cần làm là biết hun đúc niềm say mê sáng tạo, miệt mài cống hiến và góp phần làm đẹp cho đời, lan tỏa cảm hứng tích cực. Và phải tự nhắc chính mình rằng dù trường học hay trường đời đều cần học nhiệt tâm, nỗ lực hết sức cho mục tiêu cần phấn đấu.
Tùy khả năng mỗi người
Phản hồi với diễn đàn, bạn đọc Tùng cho rằng tùy khả năng, hoàn cảnh và nghị lực mỗi người vì học đòi hỏi phải kiên trì và đầu tư. Nên nếu có khả năng kiếm tiền và… học không nổi, chắc chắn sẽ nghĩ đến bỏ học.
Trong khi bạn đọc có email hung…@gmail.com viết: “Học đại học không chỉ là kiến thức, chuyên môn mà qua đó đào tạo được con người có văn hóa ứng xử đúng mực, chững chạc, tư duy cấp tiến. Thực tế nhiều bạn bỏ học sớm có thể kiếm nhiều tiền nhưng hành xử và các hành vi ngoài xã hội nhiều khi lệch chuẩn”.
Một bạn đọc khác nói Bill Gates là thiên tài về máy tính với kiến thức đủ để ông không cần học đại học nhưng không có nghĩa ông ngừng học hỏi. Bạn đọc này đặt câu hỏi: “Nếu Bill Gates ngừng học hỏi và cải tiến công nghệ liệu ông có đứng vững đến bây giờ?” rồi nói “Ngay cả hiện tại ông ấy vẫn không ngừng học hỏi, cải tiến sản phẩm của mình”.
Thẳng thắn như bạn đọc 5 Mì Lát là “Có thể bỏ học nhưng đừng sống lệ thuộc người khác vì đam mê của mình. Ngoài ra còn phải đùm bọc được thế hệ sau này do mình tạo ra”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dien-dan-co-nen-bo-hoc-theo-duoi-dam-me-truong-hoc-truong-doi-deu-can-nhiet-tam-20241006225958353.htm