Chấp nhận giảm nửa lương vẫn không có việc
“Giữa tháng 6, tôi đã gửi CV đến gần 40 công ty để đăng ký dự tuyển. Nửa tháng chờ đợi trôi qua, những doanh nghiệp mà tôi đã nộp hồ sơ đều “bặt vô âm tín”. Đầu tháng 7 mới có một đơn vị gọi điện cho tôi thông báo lịch phỏng vấn”, chị Vũ Thị Thương (27 tuổi, ở Hà Nội) than thở.
Do giải quyết việc cá nhân, chị đã nghỉ công việc ở vị trí quản lý kho vận từng 4 năm gắn bó. Thời điểm đó, chị đã sở hữu mức lương 16 triệu đồng/tháng.
Lúc quay trở lại thị trường lao động, chị Thương không ngờ xin việc lại khó khăn đến vậy. Nhiều doanh nghiệp đã hạn chế tuyển dụng hoặc có tuyển dụng cũng đưa ra mức lương rất eo hẹp.
Giữa cái nắng nóng oi nồng của Hà Nội tháng 7, chị Thương lao ra đường, đến công ty phỏng vấn với tinh thần sẵn sàng nhận việc.
Nhưng đến nay, dù “bở hơi tai” phỏng vấn đến công ty thứ 10, chị vẫn chưa thấy hài lòng.
“Biết tình hình kinh tế khó khăn, nên trước đây thu nhập được 16 triệu đồng/tháng, thì nay mức lương tôi kỳ vọng chỉ tối thiểu 8 triệu. Song, vị trí quản lý kho vận mà tôi ứng tuyển lúc này chỉ đưa ra lương 6-7 triệu đồng/tháng”, chị Thương cho biết.
Theo người lao động này, trên thị trường hiện nay, các công ty lớn trả mức lương khá thấp. Các hộ kinh doanh, văn phòng nhỏ trả lương cao hơn nhưng thỏa thuận “ngầm” với lao động không đóng bảo hiểm xã hội.
Dù có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh với tấm bằng Toeic 500 và trình độ tiếng Trung đạt mức HSK 3, song bạn trẻ này cho biết nhà tuyển dụng còn yêu cầu người lao động thành thạo tất cả các kỹ năng khác.
“Doanh nghiệp yêu cầu cao, nhưng lại trả mức lương thấp. Vì vậy, lần xin việc này tôi thấy ngợp. Dù đã chấp nhận hạ mức lương mong muốn xuống nhưng tôi vẫn không tìm được việc làm”, chị Thương cho biết.
Nhân sự có cũng được, không có không sao!
Dù sao, chị Thương vẫn còn có thể lựa chọn công việc vì có tiền tích cóp để trang trải cuộc sống khi thất nghiệp. Với chị N.T.P.T. (28 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội), tình hình còn khó khăn hơn. Gia đình có hai con nhỏ, lại thuê nhà ở thủ đô, mọi chi phí đang đè nặng lên vai chồng chị, với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng.
Hết thời gian nghỉ thai sản, chị T. phải tăng tốc tìm việc. Trước khi nghỉ việc ở công ty sản xuất trong Khu công nghiệp Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội), chị đã dự tính quá trình xin việc trở lại không dễ dàng.
Sau khi chính thức gửi đến 30 hồ sơ xin việc từ tháng 5, chị mới thấy thấm những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay. Doanh nghiệp tuyển dụng ít ỏi mà khắt khe hơn nhất nhiều, nhất là về chuyện lương, thưởng.
Chị T. cho biết: “Khi gửi một hồ sơ xin việc đi, không nhận được cuộc hẹn phỏng vấn nào tôi đã rất căng thẳng, sốt ruột. Nhưng không còn cách nào khác phải kiên trì, miệt mài đi tìm việc”.
Hai tháng trôi qua, chị đã đến hơn 10 công ty dịch vụ, sản xuất, thương mại phỏng vấn với vị trí nhân viên hành chính nhân sự.
Đến phỏng vấn ở một công ty đào tạo kỹ thuật viên spa (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), chị T. chưa có thông tin rõ ràng sau cuộc trao đổi vì không gặp được chủ doanh nghiệp.
Sau khi được gọi đến thử việc, chị quyết định gật đầu. Ngay buổi đầu tiên, chị nhận được câu nói từ phía chủ sử dụng về vị trí của mình, “có cũng được, không có kinh doanh vẫn tốt”.
Chị chững lại, hiểu rằng vị trí mình đảm nhiệm ở đây không quan trọng, thậm chí có thể không cần thiết. Lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của người lao động, nhất là tiền lương. Chị quyết định “quay xe” ngay ngày đầu thử việc.
Hiện chị đang chờ một đơn vị khác gọi đi làm, với mức lương kì vọng hơn 10 triệu đồng/tháng. Bởi đơn vị này chuẩn bị mở chi nhánh mới và đang trống vị trí chị ứng tuyển.
Chị T. chia sẻ: “2 tháng qua, tôi trải qua nhiều cuộc phỏng vấn, bấm gửi CV mỏi tay. Tuy vậy, tôi vẫn không nản lòng. Trong bối cảnh khó khăn, người lao động tìm việc phải cố gắng”.
Những người cần việc như chị T. cũng đã tiết giảm yêu cầu của bản thân để phù hợp tình hình doanh nghiệp hiện nay nhưng hành trình tìm việc vẫn thật sự gian nan.