Hai cái tên Võ Nguyên Giáp và Điện Biên Phủ có lẽ trong lịch sử Việt Nam cận – hiện đại là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất, dù rằng chưa có sự thống kê cụ thể.

Điện Biên Phủ – tiếng sấm chấn động địa cầu

Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với sự toàn thắng thuộc về quân và dân Việt Nam. Có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneva chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã dẫn đến sự thất bại hoàn toàn của Kế hoạch quân sự Nava, đập tan âm mưu và ý chí xâm lược của Pháp, dưới sự giúp đỡ của Mỹ.

Điện Biên Phủ vốn không có trong kế hoạch quân sự của Tướng Nava và cũng không có trong kế hoạch tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 của quân và dân Việt Nam được đề ra trong Hội nghị Bộ chính trị Trung ương Đảng (9/1953). Nhưng Điện Biên Phủ đã trở thành điểm hẹn lịch sử, trở thành nơi tiến công chiến lược của quân đội nhân dân Việt Nam, nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược để kết thúc cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam kéo dài từ tháng 12/1946 trên phạm vi cả nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 12/1953. Ảnh tư liệu

Điện Biên Phủ đã trở thành nơi gặp gỡ, đối đầu trực tiếp giữa lực lượng quân đội viễn chinh Pháp (được tập trung đến mức cao nhất chưa từng thấy trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai) và lực lượng quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Hay nói khác đi, Điện Biên Phủ đã trở thành nơi đối đầu giữa trí tuệ, văn hóa quân sự Pháp với ý chí quyết tâm và nghệ thuật quân sự tài tình của quân đội và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam cùng với học thuyết quân sự Hồ Chí Minh.

Cuối cùng, “điểm hẹn lịch sử” Điện Biên Phủ đã ghi dấu ấn sâu đậm với sự toàn thắng của quân dân Việt Nam – một nước thuộc địa được cho là lạc hậu, thấp kém – trước một tập đoàn quân đội hùng mạnh, thiện chiến, hiện đại của Pháp.

Và để có được tiếng sấm Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, không thể không nhắc đến vai trò của vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.

Quyết định khó khăn của vị tướng huyền thoại

Đương nhiên là, chiến thắng của quân và dân ta ở lòng chảo Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954, không phải là chiến thắng được làm nên bởi một mình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và sinh thời, ông cũng chưa bao giờ nhận đó là chiến thắng của riêng ông.

Nhưng thực tiễn lịch sử đã cho thấy, chiến thắng này đã ghi dấu ấn tài năng của ông trong danh mục 1/10 vị danh tướng nổi tiếng nhất trên thế giới.

Tài năng của ông ở chiến dịch này được thể hiện ở nhiều khía cạnh như: Lên kế hoạch và tổ chức các cuộc tiến công phá chủ trương tập trung quân của H. Nava để dọn đường đến Điện Biên Phủ; chỉ đạo chuẩn bị hậu cần cho trận quyết chiến chiến lược; xác định cách đánh, phương pháp tấn công địch…

Nhưng dấu ấn quan trọng của ông chính là việc quyết định phương châm tác chiến ở chiến dịch Điện Biên Phủ để đảm bảo cho chiến dịch này được toàn thắng.

Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến dịch lịch sử. Ảnh tư liệu

Hồi ký của ông nêu rất rõ về quyết định khó khăn này, ông viết: “Đêm 25 tháng 1, tôi thao thức. Đầu đau nhức. Đồng chí bác sĩ buộc trên trán tôi một nắm ngải cứu.

Khi nghe anh Thái nói lần đầu ở Tuần Giáo về khả năng đánh nhanh thắng nhanh, tôi đã thấy nếu ta làm như vậy là mạo hiểm. Từ đó tới nay đã nửa tháng qua. Tình hình địch đã thay đổi rất nhiều. Quân số của chúng không còn là mười tiểu đoàn, mà theo tin của quân báo đã lên tới hơn mười ba tiểu đoàn. Chúng đã củng cố công sự phòng ngự, không còn là trận địa dã chiến. Bộ đội sẽ phải tiến hành một trận công kiên lớn tiêu diệt tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc rất mạnh, được sự yểm trợ của lực lượng không quân, pháo binh, thiết giáp tại chỗ, và chắc chắn còn được ưu tiên yểm trợ số 1 của lực lượng không quân địch ở miền Bắc Đông Dương…

Ba khó khăn hiện lên rất rõ.

Thứ nhất, bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ mới tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc, ở Nghĩa Lộ. Khi đánh vào tập đoàn cứ điểm Nà Sản, chúng ta mới đánh từng tiểu đoàn địch trong công sự dã chiến, mà còn đánh rất dở!

Thứ hai, trận này ta không có xe tăng, máy bay nhưng hợp đồng bộ binh, pháo binh quy mô cũng là lần đầu, bộ đội lại chưa qua diễn tập. Vừa qua, đã có trung đoàn trưởng xin trả bớt súng, vì không biết phối hợp như thế nào!

Thứ ba, bộ đội từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm tác chiến ban ngày trên địa hình bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Trận đánh sẽ diễn ra trên một cánh đồng dài 13km và rộng 6km… Tất cả những khó khăn này ta đều chưa bàn cách giải quyết…”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cán bộ chỉ huy họp bàn kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Sau đó, vị tướng huyền thoại gọi cho pháo binh: “Tình hình địch đã thay đổi. Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ trong chiến dịch) vẫn giữ vững. Nay thay đổi cách đánh. Vì vậy, ra lệnh cho các đồng chí từ 17 giờ hôm nay, kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại. Triệt để chấp hành mệnh lệnh! Không giải thích”.

Chính quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” của Đại tướng đã giúp cho trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta giành được thắng lợi trọn vẹn.

Và Điện Biên Phủ từ một địa phương, một lòng chảo “vô danh” ở vùng rừng núi Tây Bắc đã trở thành một địa danh nổi tiếng trên bàn đàm phán ở Geneva (Thụy Sĩ), trên bản đồ Việt Nam và thế giới.

Cần nhớ rằng, quyết định thay đổi cách đánh, phương châm tác chiến không chỉ được Đại tướng tiến hành một lần ở chiến dịch Điện Biên Phủ, mà trước đó, ông đã từng ít nhất một lần đưa ra quyết định này, đó là chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950.

Hồi ký của ông viết: “Qua chuyến đi nghiên cứu thực địa Cao Bằng, tôi càng nhận thấy không thể chọn thị xã này làm điểm đột phá cho chiến dịch”.

Ông phân tích: “Đánh Cao Bằng sẽ khó bảo đảm nguyên tắc “trận đầu phải thắng của quân đội ta. Và nếu đánh thắng, cũng khó tránh khỏi tổn thất lớn trong khi ta chỉ tiêu diệt được một bộ phận nhỏ quân địch: 2 tiểu đoàn!

Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch và giải phóng Cao Bằng. Làm cách nào để đạt được mục tiêu này? Tôi nghĩ cách mở đầu chiến dịch tốt nhất vẫn là đánh Đông Khê. Đông Khê là cứ điểm quan trọng nối liền Thất Khê với Cao Bằng.

Cứ điểm Đông Khê mặc dù được củng cố, vẫn nằm trong khả năng tiêu diệt của bộ đội ta. Mất Đông Khê, địch hoặc sẽ phải chiếm lại, hoặc sẽ phải rút khỏi Cao Bằng. Ta sẽ có điều kiện tiêu diệt sinh lực địch ngoài công sự. Nếu địch không chiếm lại Đông Khê, ta sẽ đánh tiếp Thất Khê”.

Điều này cho thấy, ông là người đã nắm rất sát và chắc thực tiễn chiến trường và khả năng của quân và dân ta, để lựa chọn mục tiêu sao cho vừa sức, đảm bảo thắng lợi. Và thắng lợi của quân và dân ta ở chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950 đã làm thay đổi cục diện của cuộc kháng chiến, và phần nào đó là dọn đường để đưa đến điểm hẹn Điện Biên Phủ.

Nền tảng để đưa đến những quyết định “táo bạo”, quyết đoán đó của ông, ngoài trí tuệ của cá nhân thì còn là nhờ ở chỉ dẫn, dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhất là quyết định thay đổi phương châm kế hoạch tác chiến ở Điện Biên Phủ.

Như vậy, có thể nói, Điện Biên Phủ là nơi đã ghi lại dấu ấn tài năng của một vị tướng huyền thoại trong lịch sử Việt Nam cận – hiện đại. Và ngược lại, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã ghi tên địa danh Điện Biên Phủ trên bản đồ thế giới, nhất là “bản đồ” về những trận quyết chiến chiến lược.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/dien-bien-phu-vo-nguyen-giap-hai-cai-ten-trong-chieu-dai-lich-su-2277879.html