“Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tác động sâu sắc đến chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ. Nó đẩy các nước Phương Tây vào một tình thế hoàn toàn bất lợi, buộc các nhà chiến lược của các nước đế quốc, trước hết là Mỹ, phải điều chỉnh chiến lược”. Đó là đánh giá của Trung tướng Nguyễn Ngọc Văn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng.
Phóng viên (PV): Các nhà chiến lược phương Tây đánh giá như thế nào về vị trí của Đông Dương trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, thưa đồng chí?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Văn: Đầu tháng 4-1954, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã gửi thư cho Thủ tướng Anh Churchill, trong đó có đoạn: “… (Nếu) Đông Dương rơi vào tay cộng sản, tác động chủ yếu đối với thế chiến lược toàn cầu của chúng tôi và các ngài cùng với châu Á và Thái Bình Dương có lẽ sẽ thảm khốc…”.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Văn.
Các quan chức Mỹ nhất trí rằng, Đông Dương và đặc biệt là Việt Nam, là then chốt trong việc bảo vệ Đông Nam Á. Họ khẳng định, nếu Đông Dương thất thủ thì các nước còn lại ở Đông Nam Á sẽ bị đe dọa. Thậm chí, mất Đông Dương tạo ra nguy cơ gây nên một phản ứng dây chuyền có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn khu vực, cùng những hậu quả chính trị, kinh tế và chiến lược bất lợi đối với Mỹ. Tướng Lattre de Tassigny, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh kiêm Cao ủy Pháp ở Đông Dương tuyên bố: “Nếu để mất Đông Dương thì chủ nghĩa cộng sản sẽ thẳng tiến đến tận kênh Suez, không thể nào ngăn chặn nổi”. Vì thế, cả Pháp và Mỹ bằng mọi giá quyết chiếm giữ bằng được các nước trên bán đảo Đông Dương.
Sau khi Kế hoạch Navarre sớm gặp phải bế tắc, Pháp và Mỹ tìm lối thoát trong “ván bài thứ hai”. Đó chính là Điện Biên Phủ-trung tâm của Kế hoạch Navarre, nơi mà tướng Navarre hy vọng sẽ trở thành điểm quyết chiến chiến lược tiêu diệt LLVT cách mạng của nhân dân Việt Nam. Song, đó lại là nơi chôn vùi dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ.
PV: Theo đồng chí, trước thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ, Mỹ đã nhận ra điều gì?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Văn: Chiến thắng Điện Biên Phủ không những làm thất bại kế hoạch quân sự của Pháp mà còn là một đòn giáng vào đế quốc Mỹ, góp phần dẫn tới cuộc khủng hoảng trong chiến lược quân sự và cũng là một đòn gián tiếp đánh vào chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Phó tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Việt Nam kiểm tra và động viên quân đội viễn chinh Pháp, tháng 10-1953. Ảnh tư liệu
Dưới thời Tổng thống Harry S. Truman và Eisenhower, Mỹ đã thực hiện chiến lược quân sự “ngăn chặn-kiềm chế” và “trả đũa ồ ạt” nhằm ngăn chặn, tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản trên thế giới, dựa trên ưu thế về vũ khí hạt nhân. Mỹ chú trọng phát triển bộ 3 vũ khí hạt nhân chiến lược: Tên lửa vượt đại châu, máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược. Từ giữa thập niên 1940 đến giữa thập niên 1950, Mỹ xác định đối tượng chiến lược là Liên Xô và Trung Quốc. Còn việc đối phó với phong trào giải phóng dân tộc là nhiệm vụ của các đế quốc đồng minh khác. Mỹ thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, đứng đằng sau giúp các nước đế quốc khác bằng viện trợ và từng bước thay thế dần các đồng minh của mình ở khu vực này.
Nhưng thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ đã làm cho Mỹ nhận thấy những lỗ hổng trong chiến lược quân sự và chiến lược toàn cầu của họ. Trong khi chiến lược “ngăn chặn-kiềm chế” của Tổng thống Truman và chiến lược “trả đũa ồ ạt” của Tổng thống Eisenhower nhằm ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản, thì “quả đấm” mạnh giáng vào chiến lược quân sự và chiến lược toàn cầu của Mỹ lại bất ngờ đến từ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, mà trước hết là Điện Biên Phủ! Vũ khí hạt nhân không phù hợp với một chiến trường như Điện Biên Phủ. Trong khi cái cần thiết là lực lượng phản ứng nhanh để cứu nguy khẩn cấp thì lại chưa được chuẩn bị sẵn sàng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva về Đông Dương được ký kết tháng 7-1954 đã làm cho những tính toán chiến lược của Mỹ bị đảo lộn hoàn toàn. Mỹ đã không thể ngăn được chủ nghĩa cộng sản thắng lợi ở Đông Dương. Trong khi Mỹ đang ra sức ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu, thì ở châu Á, một nhà nước mới-nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa-nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội ra đời từ phong trào giải phóng dân tộc.
Có thể nói, “tiếng sấm Điện Biên Phủ” đã làm rung động Nhà trắng. Đó là một đòn hiểm hóc và bất ngờ giáng vào chiến lược quân sự và chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ. Thất bại của Mỹ ở Triều Tiên cùng với thất bại của Pháp và Mỹ ở Đông Dương, ở Điện Biên Phủ đã đẩy chiến lược quân sự toàn cầu “ngăn chặn” của Mỹ ở châu Á vào thế lúng túng, buộc giới cầm quyền Mỹ phải xem xét lại để tìm ra một sự chuyển hướng chiến lược mới. Đây cũng chính là thời kỳ chiến lược quân sự toàn cầu “ngăn chặn” của Mỹ bị phá sản.
PV: Thưa đồng chí, sau “tiếng sấm Điện Biên Phủ”, Mỹ đã đề ra chiến lược mới như thế nào?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Văn: Từ thất bại của Pháp và sự can thiệp của Mỹ ở Điện Biên Phủ cùng tác động của nó, cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc cuồn cuộn dâng cao trên toàn thế giới. Giới hoạch định chiến lược quân sự và chiến lược toàn cầu của Mỹ thấy cần phải điều chỉnh, khắc phục những lỗ hổng và khiếm khuyết. Nếu như trước đây, Mỹ chỉ chú trọng phát triển bộ 3 vũ khí hạt nhân chiến lược và quan tâm đến hai lực lượng hải quân và không quân thì sau “tiếng sấm Điện Biên Phủ”, một mặt, Mỹ tiếp tục đổ tiền của vào việc phát triển vũ khí hạt nhân, hướng đòn tiến công vào Liên Xô và Trung Quốc; mặt khác, Mỹ tập trung quan tâm phát triển lực lượng lục quân cùng những vũ khí, trang bị của lực lượng này; quan tâm nghiên cứu chiến lược, lý luận và thực tiễn nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật, tổ chức xây dựng lực lượng; phát triển các loại vũ khí thông thường thích hợp để đối phó thắng lợi với các “đối thủ nhỏ” và các cuộc “chiến tranh nhỏ”…
Tàu sân bay Arromanches đậu trên Vịnh Bắc Bộ là một trong hai tàu sân bay Mỹ chi viện cho quân Pháp tiến công Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
PV: Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn việc triển khai chiến lược mới của Mỹ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam năm 1954?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Văn: Điện Biên Phủ đã dạy cho giới hoạch định chiến lược Mỹ một bài học. Đó là mối nguy cơ đe dọa trực tiếp trước mắt đến sự sống còn, danh dự và lợi ích của Mỹ chưa phải là Liên Xô, Trung Quốc, chiến tranh hạt nhân, mà là chiến tranh giải phóng dân tộc, Mỹ gọi là “chiến tranh nổi dậy”. Sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, một mặt, John Fitzgerald Kennedy ra lệnh ồ ạt xây dựng lực lượng hạt nhân và tên lửa tầm xa để tạo nên một khả năng ngăn đe thực sự đối với sức mạnh hạt nhân của Liên Xô; mặt khác, vị tân Tổng thống này cũng ra lệnh phát triển và hiện đại hóa các lực lượng quân sự Mỹ để có thể phản ứng linh hoạt trước nhiều loại hình và mức độ tấn công mà John Fitzgerald Kennedy và các cố vấn của ông ta biết chắc rằng “các nước đang trỗi dậy” sẽ là trận địa chính, trong đó lực lượng quân sự Mỹ sẽ đọ sức với LLVT của các nước trong phong trào giải phóng dân tộc. Chính quyền Mỹ đã chú ý nhiều đến việc phát triển khả năng phản ứng có hiệu quả với chiến tranh du kích. Chiến lược quân sự toàn cầu mới ra đời mang tên “phản ứng linh hoạt” của học thuyết Kennedy có nhiệm vụ dập tắt các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đối phó với các loại hình và mức độ tiến công của đối phương.
Sau khi Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ, Mỹ nhanh chóng nhảy vào Đông Dương, hất cẳng Pháp, giành lấy địa vị chỉ đạo cuộc chiến tranh ở Đông Dương, trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh chống nhân dân Việt Nam, nhằm “ngăn chặn làn thủy triều đỏ của chủ nghĩa cộng sản” lan tràn xuống Đông Nam Á. Nhưng chúng đã thất bại thảm hại sau trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
SƠN BÌNH (thực hiện) – qdnd.vn