Pháp với sự hậu thuẫn của Mỹ đã biến Điện Biên Phủ từ không có trong kế hoạch tác chiến thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, “bàn đạp tiêu diệt đầu não kháng chiến” của Việt Minh.
Sau thắng lợi tại chiến dịch Biên giới năm 1950, chiến dịch Hòa Bình 1951-1952, Quân đội nhân dân Việt Nam (Việt Minh) giải phóng cơ bản vùng Tây Bắc, nối thông căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc sang Thượng Lào và Liên khu 4 gồm 6 tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.
Trong khi đó Pháp đã kéo dài cuộc chiến tại Đông Dương 8 năm, tính tới 1953, bị dư luận quốc tế, người dân trong nước phản đối. Nội bộ chia rẽ, đấu tranh gay gắt trong Quốc hội và nội các thay đổi. Kéo dài cuộc chiến đồng nghĩa khó khăn về kinh tế, bất ổn về chính trị và buộc Pháp càng phải dựa vào Mỹ.
Nhằm xoay chuyển tình thế, ngày 7/5/1953, Chính phủ Pháp cử tướng Henri Navarre, người từng chiến đấu trong Thế chiến I, Thế chiến II, làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh ở Đông Dương. Sau một tháng khảo sát, Navarre cho ra đời kế hoạch tác chiến mang tên mình.
Navarre đặt mục tiêu thu đông 1953 và xuân 1954, lực lượng viễn chinh giữ thế phòng ngự trên chiến trường miền Bắc, bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ nếu bị tấn công; bình định miền Nam và chỉ phát động chiến dịch quy mô lớn để xóa vùng tự do Trung Trung Bộ. Navarre cũng cố gắng chuyển giao các vùng an toàn cho Quân đội quốc gia Việt Nam thân Pháp và xây dựng đội quân cơ động lớn đủ sức đánh bại các đại đoàn chủ lực của Việt Minh.
Từ thu đông 1954, quân Pháp chuyển ra Bắc, tiến công chiến lược, giành thắng lợi quân sự. “Navarre kỳ vọng giành thắng lợi quyết định về quân sự làm cơ sở cho một giải pháp rút lui trong danh dự cho nước Pháp”, thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Lịch sử quân sự, viết trong bài phân tích tại tọa đàm tổ chức vào tháng 3/2024.
Đoán biết ý định đối phương, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch tác chiến đông xuân 1953-1954. Bộ đội chủ lực dự kiến hoạt động trên ba hướng chính gồm: Tây Bắc; Thượng Lào và Trung – Hạ Lào, Tây Nguyên. Hướng phối hợp là trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh… Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Người nêu rõ nguyên tắc tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào hướng quân Pháp tương đối yếu, buộc chúng bị động phân tán lực lượng.
Trên chiến trường miền Bắc, Việt Minh tiêu diệt lượng lớn quân Pháp ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn 5 tỉnh Tây Bắc gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái. Ở hướng đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và Nam Trung Bộ, bộ đội đẩy mạnh chiến tranh du kích. Tháng 11/1953, Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc, Trung đoàn 66 của Đại đoàn 304 và Trung đoàn 101 của Đại đoàn 325 hành quân sang Trung Lào.
Từ không có trong kế hoạch thành tâm điểm chiến dịch
Trước chuyển động của chiến trường Tây Bắc, tháng 11/1953, tướng Navarre lệnh cho 6 tiểu đoàn quân Âu Phi tinh nhuệ xuất phát từ sân bay Gia Lâm, Hà Nội nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu (nay thuộc tỉnh Điện Biên) – mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 12/1953, Navarre điều quân từ Lai Châu về Điện Biên Phủ, nâng tổng số lên 9 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo. Tất cả được chuyển thành Binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO).
Ban đầu Điện Biên Phủ không có trong kế hoạch thu đông 1953-1954, nhưng sau đó trở thành địa điểm thứ hai ở Tây Bắc, cùng với Lai Châu, có quân Pháp chiếm giữ. Mục tiêu của Navarre là giữ vững Lai Châu, tạo thế tiến công chiếm lại Tây Bắc, ngăn chặn quân Việt Minh tiến sang Thượng Lào và thủ đô Luang Prabang. Đây chính là cách bảo vệ Lào, đồng minh của Pháp và là thành viên Liên hiệp Pháp.
Điện Biên Phủ là thung lũng dài chừng 18 km, rộng 6-8 km, cách Hà Nội hơn 300 km, cách Luang Prabang 190 km. Xung quanh là núi non, rừng rậm, điểm xuyết những ruộng bậc thang. Trên thung lũng có những chỏm núi cao từ 500 đến 1.200 m, ở giữa là dòng Nậm Rốn chảy qua cánh đồng Mường Thanh của người Thái. Ở đó có sân bay dã chiến bị bỏ hoang từ khi phát xít Nhật rời Đông Dương năm 1945.
“Bất kỳ ai có ý định chiếm Lào đều phải kiểm soát được thung lũng Điện Biên Phủ. Khu vực này dẫn trực tiếp đến Lào, cung cấp căn cứ xuất phát và lui quân lý tưởng cho các đơn vị khi tác chiến”, tác giả người Pháp Ivan Cadeau viết trong cuốn Điện Biên Phủ: 13/3-7/5/1975.
Chuyển từ phòng ngự sang giao chiến với quân Việt Minh ở miền Bắc, Navarre nhanh chóng biến Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh. Trong khu vực dài hơn 10 km, rộng 5 km, quân Pháp tổ chức hệ thống liên hoàn 49 cứ điểm, mỗi cứ điểm có hệ thống công sự, hàng rào vật cản, hỏa lực có thể chiến đấu độc lập. Cứ điểm gần nhau hợp thành trung tâm đề kháng, đặt theo tên phụ nữ Pháp, và chia thành 3 phân khu.
Phân khu trung tâm nằm ở giữa Mường Thanh, gồm 5 trung tâm đề kháng: Dominique (đồi E) phòng ngự ở hướng đông bắc; Eliane (đồi C1) phòng ngự hướng đông và đông nam; Claudine – trung tâm đề kháng nam sân bay Mường Thanh – phòng ngự hướng tây nam; Huguette – trung tâm đề kháng tây sân bay – trực tiếp bảo vệ sân bay; Béatrice – trung tâm đề kháng Him Lam – phòng ngự đột xuất ở đông bắc. Phân khu này quan trọng nhất bởi tiếp nhận tất cả trung tâm chỉ huy, bộ phận hỗ trợ, trong đó có quân y.
Phân khu Bắc gồm 2 trung tâm đề kháng Gabriel (đồi Độc lập) và Anne-Marie (Bản Kéo). Hai nơi này cùng với trung tâm đề kháng Him Lam tạo thành trận địa phòng ngự tiền duyên án ngữ phía Bắc, ngăn chặn sự tiến công của Việt Minh từ hướng Bắc và Đông Bắc.
Phân khu Nam chỉ có một cứ điểm Isabelle (Hồng Cúm) nằm cách trung tâm chỉ huy của GONO khoảng 6 km, có nhiệm vụ ngăn chặn Việt Minh tiến công từ phía Nam lên.
Tướng Navarre và thiếu tướng René Cogny, Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở miền Bắc, thống nhất trao vị trí chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cho đại tá Christian de Castries, Chỉ huy pháo binh là trung tá Charles Piroth.
Ngày 30/1/1954, Ủy ban đặc biệt của Văn phòng Tổng thống Mỹ nhóm họp, thông qua quyết định tăng cường thêm nhân, vật lực cho Điện Biên Phủ. Ngoài 285 tỷ Franc Pháp cung cấp vào năm 1953, riêng kế hoạch của tướng Navarre được Mỹ viện trợ thêm 385 triệu USD.
Đội quân tham chiến ở Điện Biên Phủ gồm 12 tiểu đoàn, 7 đại đội bộ binh, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105 mm (24 khẩu), 2 tiểu đoàn súng cối 120 mm (20 khẩu), một đại đội trọng pháo 155 mm (4 khẩu), một tiểu đoàn công binh, một đại đội xe tăng (10 chiếc), một đại đội xe vận tải (khoảng 200 xe), một phi đội máy bay thường trực (14 chiếc). Tổng số quân lúc đầu hơn 11.800, sau được bổ sung lên 16.200, chủ yếu là lính dù và Âu – Phi.
Các phương tiện trang bị cho quân viễn chinh ở Điện Biên Phủ đều thuộc loại hiện đại nhất lúc bấy giờ. Như pháo binh cỡ nòng 155 mm là loại lớn nhất của lực lượng pháo binh tại Đông Dương, có thể bắn đầu đạn 43 kg ở tầm xa tối đa 15 km. Tập đoàn được trang bị không quân riêng với máy bay Morane 500 cỡ nhỏ làm nhiệm vụ thám thính, tiêm kích F8F Bearcat, máy bay ném bom B26.
Sau chuyến thăm Điện Biên Phủ, phóng viên Robert Guillain viết trên tờ LeMonde của Pháp tháng 2/1954: “Đó là loại bẫy khổng lồ và phức tạp, đầy rẫy cao điểm, chi chít công sự, được gài mìn, đào hào, chia ô, cày nát trên hàng kilomet vuông và có lượng người ở đông hơn tổ kiến… Không gì có thể mọc lên trên bề mặt, ngoại trừ tiêu bản kim loại: dây thép gai”.
Về phía Việt Nam, Bộ Chính trị họp, đánh giá Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng bị cô lập, mọi tiếp tế phải dựa vào hàng không. Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bộ Tư lệnh chiến dịch được thành lập, do đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng, ông Lê Liêm là Chủ nhiệm Chính trị. Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị bộ đội chủ lực mở 5 đòn tiến công trên các mặt trận Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào – Đông Bắc Campuchia, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào.
“Những quả đấm buộc địch phân tán khối chủ lực cơ động chiến lược ra khắp các hướng chiến trường”, tướng Nhiên giải thích.
Việt Minh đã huy động các đại đoàn 308, 312, 316, 304, trung đoàn 57. Về pháo, Đại đoàn Công pháo 351 có hai tiểu đoàn pháo 105 mm với 24 khẩu; Trung đoàn Sơn pháo 675 có 5 đại đội sơn pháo 75 mm với 15 khẩu; Trung đoàn Pháo phòng không 367 có 24 khẩu 37 mm và 2 đại đội súng máy phòng không với 24 khẩu, cỡ nòng 12,7 mm.
Tổng số quân chủ lực của Việt Minh khoảng 40.000, nếu tính cả tuyến hai là 55.000. Lực lượng phục vụ chiến dịch gồm 628 ôtô vận tải, 21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng nhiều tàu, thuyền, lừa, ngựa.
Đánh giá về tương quan lực lượng, thiếu tướng Lưu Quang Vụ, Phó cục trưởng Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, nhìn nhận quân Pháp chiếm ưu thế tuyệt đối về phương tiện chiến đấu, đặc biệt là xe tăng và máy bay. Bộ đội Việt Nam có ưu thế về bộ binh. Lực lượng pháo binh hai bên tương đương.
Pháp tự tin “bắt tướng Giáp bại trận”
Quân đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự hiện đại và tận dụng lợi thế địa hình, Bộ Chỉ huy Pháp coi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là hệ thống phòng ngự mạnh nhất Đông Dương, “pháo đài không thể công phá”, “con nhím khổng lồ” giữa núi rừng Tây Bắc. Pháp tự tin chặn mọi sự tiếp tế của bên ngoài cho Việt Minh, cuối cùng đánh bại quân chủ lực, làm bàn đạp tiêu diệt đầu não kháng chiến của Việt Minh ở Điện Biên Phủ.
Tướng Navarre dự đoán Việt Minh không thể mở đường lên Điện Biên Phủ bằng sức lao động thủ công, không thể đưa pháo vào trận địa do đường sá xa xôi, thiếu phương tiện cơ giới. Bộ đội chủ lực Việt Nam không thể nào tiếp cận được các trung tâm đề kháng của tập đoàn cứ điểm mà không bị thương vong và không thể nào đánh liên tục cả ngày lẫn đêm kéo dài hàng tháng.
“Họ sẽ không thể duy trì được sức chiến đấu. Mùa mưa tới vận tải khó, đời sống chiến hào sẽ thiếu thốn, sẽ xảy ra nạn dịch, lúc đó không đánh cũng thua”, tướng Navarre viết trong hồi ký.
Charles Piroth, Chỉ huy pháo binh trong trận Điện Biên Phủ, bày tỏ tự tin về số trọng pháo: “Nếu tôi được biết trước 30 phút, tôi sẽ phản pháo rất kết quả. Việt Minh không thể nào đưa pháo đến tận đây. Nếu họ đến, chúng tôi sẽ đè bẹp ngay… và ngay cả khi họ tìm được cách đến, tiếp tục bắn, họ cũng không có khả năng tiếp tế đầy đủ đạn dược để gây khó khăn thật sự cho chúng tôi”.
Ngày 2/1/1954, trả lời phỏng vấn hãng tin AP của Mỹ, tướng René Cogny, Chỉ huy quân Pháp ở miền Bắc, cũng khẳng định: “Chúng tôi đã có một hỏa lực mạnh đủ sức quét sạch đối phương đông gấp 4-6 lần. Tôi sẽ làm tất cả để bắt tướng Giáp phải bại trận”.
Sơn Hà
*Bài viết có sử dụng tư liệu từ Kỷ yếu hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ – Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại” ngày 20/3/2024; Kỷ yếu tọa đàm “Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ – Bài học thực tiễn trong huấn luyện chiến đấu hiện nay” ngày 25/3/2024; Sách Đường tới Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Sách Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ của Jean Pouget và sách Điện Biên Phủ: 13/3-7/5/1975 của Ivan Cadeau.
Bài tiếp: Hậu cần – bài toán ‘cân não’ trong chiến dịch Điện Biên Phủ