Sáng 9/10, ông Hà Huy Đồng – Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Diễn Châu, Nghệ An – cho biết, 100% công nhân Công ty TNHH Viet Glory đã vào xưởng làm việc, kết thúc cuộc ngừng việc tập thể kéo dài 6 ngày.
Ngày 8/10, 3 thông báo của công ty đã được chuyển đến toàn thể người lao động. Trong các thông báo này, công ty cho biết sẽ tăng tiền ăn, tiền trợ cấp xăng xe và tiền thưởng sản lượng, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/10.
Cụ thể, mức trợ cấp xăng xe được điều chỉnh từ 260.000 đồng/tháng lên 390.000 đồng/người/26 ngày công trong tháng.
Tiền ăn được điều chỉnh từ 20.000 đồng lên 24.000 đồng/người/ngày, tính cho 26 ngày mỗi tháng.
Tiền thưởng sản lượng được điều chỉnh cho từng cấp số, lần lượt từ 20.000 đồng lên 50.000 đồng (cấp số 1), 25.000 đồng lên 55.000 đồng (cấp số 2) và 30.000 đồng lên 60.000 đồng (cấp số 3).
Như Dân trí đã thông tin, sau bữa cơm trưa ngày 2/10, hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Viet Glory đồng loạt ra về, không vào làm việc ca chiều. Các kiến nghị của người lao động sau đó được tổ chức công đoàn ghi nhận và chuyển lãnh đạo công ty xem xét, giải quyết.
Theo phản ánh của người lao động, thái độ ứng xử của cán bộ quản lý chưa đúng mực; chế độ thai sản cho nữ lao động mang thai từ tháng thứ 7 trở lên chưa được đảm bảo, đối tượng xác định lao động độc hại và mức phụ cấp độc hại chưa phù hợp, định mức sản lượng quá cao, các chế độ phúc lợi thấp…
Công ty TNHH Viet Glory sau đó đã có 2 thông báo, trong đó khẳng định mức lương cơ bản trả cho người lao động đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng, trong điều kiện hiện tại không tăng lương cơ bản cho người lao động.
Công ty này cũng có giải thích cụ thể về quy trình xây dựng định mức lao động và sản lượng hiện áp dụng cho người lao động của công ty đang thấp hơn so với định mức áp dụng tại các công ty khác trong cùng tập đoàn.
Ngày 7/10, kết thúc 5 ngày ngừng việc tập thể, công nhân vẫn không đồng ý vào làm việc. Họ cho rằng, mức hỗ trợ tiền ăn trưa, tiền xăng xe, phụ cấp thâm niên… hiện quá thấp.
Công ty TNHH Viet Glory đóng trên địa bàn xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu (Nghệ An), chuyên sản xuất giày da xuất khẩu với hơn 6.000 công nhân. Đây là lần ngừng việc tập thể thứ 3 của công nhân, kể từ khi công ty đi vào hoạt động từ năm 2019.