Theo tìm hiểu của Lao Động ngày 16.2, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc xử lý tồn tại của Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 theo hình thức Hợp đồng BOT.
Theo văn bản này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) tiếp tục thực hiện xử lý kiến nghị của nhà đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ và hợp đồng đã ký kết. Bộ GTVT báo cáo kết quả xử lý theo thẩm quyền.
Ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà được đưa ra sau khi xem xét báo cáo của Bộ GTVT cuối năm 2023 về việc xử lý kiến nghị của nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51, đoạn Km0+900 – Km73+600 đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT (BOT Quốc lộ 51).
Liên quan đến dự án BOT Quốc lộ 51, cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây thông tin, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) không chịu bàn giao tài sản để thiết lập sở hữu nhà nước đối với tài sản dự án BOT Quốc lộ 51.
Do đó, tuyến Quốc lộ 51 hiện xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vết nứt, lồi lõm trên mặt đường xuất hiện trên toàn tuyến. Cử tri kiến nghị Bộ GTVT tổ chức kiểm tra, sớm có phương án cụ thể để duy tu sửa chữa, nâng cấp thảm nhựa và khắc phục ngập nước trên Quốc lộ 51. Đồng thời, sớm có giải pháp quyết liệt yêu cầu Công ty BVEC thanh lý hợp đồng, kịp thời bàn giao tài sản dự án để thiết lập sở hữu toàn dân.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT vào mới đây cho hay, Dự án BOT Quốc lộ 51 không thu phí từ ngày 13.1.2023. Đến ngày 31.1.2023, Công ty BVEC có văn bản thông báo: “BVEC sẽ dừng thực hiện và không chịu trách nhiệm đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông, duy tu bảo dưỡng thường xuyên và bảo trì đối với tất cả hạng mục thuộc dự án”.
Sau nhiều lần không thống nhất việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thông qua đàm phán, ngày 17.11.2023, Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản gửi BVEC chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với công tác quản lý, bảo trì dự án. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý, bảo quản, sửa chữa Quốc lộ 51 theo quy định.
“Hiện tại, Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch bảo trì hệ thống đường bộ năm 2024, trong đó có bố trí kinh phí bảo dưỡng thường xuyên Quốc lộ 51; xử lý điểm đen và sửa chữa đột xuất những vị trí hư hỏng nặng để đảm bảo an toàn giao thông với kinh phí 8,3 tỉ đồng; Cục Đường bộ Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công” – Bộ GTVT cho hay.
Đáng chú ý, cũng theo Bộ GTVT, vào cuối tháng 11.2023, Bộ GTVT quyết định thành lập Tổ rà soát một số nội dung tồn tại của dự án BOT Quốc lộ 51 để phối hợp với Bộ Tài chính hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản theo quy định pháp luật về tài sản công.
Trước đó, như Lao Động phản ánh, sau gần 20 lần đàm phán hợp đồng, nhà đầu tư BOT Quốc lộ 51 là Công ty BVEC đã bàn giao hạng mục công trình cho Khu Quản lý đường bộ IV tiếp nhận nhưng chưa thống nhất với cơ quan có thẩm quyền về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn để triển khai các bước tiếp theo cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Hợp đồng BOT.
Việc này dẫn đến công tác bảo trì công trình không kịp thời, phát sinh hư hỏng, “ổ gà”, có nguy cơ mất an toàn giao thông.