Theo các bác sĩ, trường hợp trẻ nhỏ không tiếp xúc nguồn lây mà vẫn mắc bệnh than là hiếm gặp.
Ngày 5/6, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Điện Biên cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận trường hợp thứ 14 mắc bệnh than , bệnh nhân chỉ mới hơn 1 tuổi.
Theo đó, trường hợp mắc bệnh than thứ 14 được xác định là cháu Thào Thị Đ (SN 2021) có địa chỉ tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Trước đó bệnh nhân được ghi nhận có tình trạng sốt, nôn mửa, trên cánh tay trái xuất hiện nốt tím đen và ngứa.
Sau 1-2 ngày, nốt tím đen to lên và có mủ, gia đình đã đưa bệnh nhân đến nhà người quen tại huyện Tủa Chùa để bó thuốc, sau đó vẫn không đỡ. Sáng ngày 4/6, bệnh nhân Thào Thị Đ đã được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa để khám. Chiều cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên và được chuẩn đoán viêm phổi, mắc bệnh than.
Theo lãnh đạo CDC tỉnh Điện Biên, trường hợp của bệnh nhân Thào Thị Đ là hiếm gặp vì bệnh nhân còn rất nhỏ. Trước đó, gia đình chỉ ăn thịt lợn và rau, không ăn thịt trâu bò, trong vùng không có trâu bò mắc bệnh nhiệt than và cũng không tiếp xúc với người có mầm bệnh than.
Người mắc bệnh than xuất hiện các mụn nước ở cổ tay.
Trước đó, bệnh than trên gia súc đã xảy ra tại bản Pàng Dề A, xã Xá Nhè làm 1 con trâu và 2 con bò bị chết.
Người dân không khai báo cho chính quyền địa phương mà tự giết mổ và bán sang các thôn, bản khác.
Sau khi tiếp xúc và sử dụng thịt gia súc bị nhiễm bệnh, trong các ngày từ 19 – 25/5, Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa đã ghi nhận 3 ổ dịch (tại 2 xã Xá Nhè và Mường Báng), với 13 người mắc bệnh than thể da.
Để khống chế, dập dịch, Sở Y tế Điện Biên đã gửi văn bản đề nghị Sở NN&PTNT kiểm soát tốt bệnh than trên gia súc. Khẩn trương rà soát công tác tiêm vaccine phòng bệnh than cho đàn gia súc trên địa bàn, nhất là vùng có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh cho gia súc theo quy định.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai kịp thời công tác phòng chống dịch; huy động nhân lực, phương tiện, vật tư, hóa chất, thuốc chống dịch đến các địa bàn ghi nhận có dịch để theo dõi và điều trị cho người mắc bệnh.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống