6 tháng đầu năm, Điện Biên chịu ảnh hưởng của 13 đợt thiên tai, bao gồm các loại hình rét đậm, rét hại, giông lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất đã gây thiệt hại về người và tài sản của nhà nước, nhân dân trong tỉnh. Cụ thể: Mưa đá, gió lốc, sét trên địa bàn huyện Điện Biên (ngày 7/2 và ngày 19/3); mưa lớn, gió lốc trên địa bàn huyện Tủa Chùa (ngày 20/3); hạn hán từ đầu tháng 2 đến ngày 10/4 trên địa bàn huyện Tủa Chùa; gió lốc từ ngày 8-10/5 trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Mường Ảng, Tủa Chùa… làm 2 người chết, thiệt hại về tài sản ước khoảng 11 tỷ đồng. Công tác PCTT và TKCN được các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hệ thống văn bản về công tác PCTT của tỉnh được tăng cường. Tuy nhiên, công tác cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét còn hạn chế; phạm vi cảnh báo còn rộng, chưa cụ thể. Nhiều hộ dân trong tỉnh chịu ảnh hưởng, tác động lớn của lũ quét, sạt lở đất do thiếu quỹ đất ở lâu dài. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, đặc biệt là sức chống chịu của nhà ở chưa đáp ứng được trước sự tàn phá của thiên tai, dễ bị ảnh hưởng, thiệt hại khi xảy ra các loại hình thiên tai nhanh, mạnh.
Tỉnh Điện Biên đề xuất đoàn công tác mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực trong công tác PCTT đối với cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và đào tạo nghiệp vụ cho lực lượng xung kích cấp xã. Đầu tư thêm mạng lưới, bản đồ, thiết bị dự báo, cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm dễ bị ảnh hưởng. Xây dựng quy định về cơ cấu tổ chức của cơ quan tham mưu công tác PCTT đồng bộ theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách. Quan tâm hỗ trợ kinh phí khoảng 10 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại 6 tháng đầu năm. Đầu tư trang bị bổ sung cho tỉnh phương tiện phục vụ ứng phó sự cố, PCTT và TKCN trên địa bàn để bảo đảm cơ động lực lượng và một số trang thiết bị bảo đảm cho thông tin liên lạc, trinh sát và chỉ huy trong thực hành ứng phó sự cố thiên tai và TKCN.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình nhấn mạnh công tác diễn tập PCTT và TKCN rất quan trọng, thời gian tới tỉnh cần quan tâm diễn tập thường xuyên, xây dựng kịch bản phù hợp, sát thực tế với điều kiện từng địa phương; nâng cao năng lực trang thiết bị, ứng dụng công nghệ, xây dựng công cụ hỗ trợ; tăng cường tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân có biện pháp ứng phó thiên tai xảy ra trên địa bàn nhằm triển khai PCTT và TKCN hiệu quả hơn.
Trước đó, đoàn công tác đã kiểm tra thực địa tại hồ Pe Luông (xã Thanh Luông) và hồ Hồng Khếnh (xã Thanh Hưng), huyện Điện Biên.