Chính sách BHYT đi vào cuộc sống
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, tham gia BHYT mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi không may đau ốm đau, bệnh tật.
Người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán số tiền KCB không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm. Qua đó, BHYT đã giúp nhiều người có thẻ BHYT vượt qua những khó khăn về kinh tế.
BHYT còn mang ý nghĩa nhân đạo cộng đồng sâu sắc vì khi mọi người cùng nhau tham gia BHYT, người khỏe sẽ hỗ trợ cho người bệnh, qua đó, góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Có thể thấy, vai trò, lợi ích, ý nghĩa của chính sách BHYT rất lớn.
15 năm qua (1/7/2009 – 1/7/2024), từ khi có Ngày BHYT Việt Nam, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong thực hiện chính sách BHYT từ T.Ư đến địa phương. Đến nay, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT.
Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động phối với các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời đưa ra những giải pháp đồng bộ, đúng hướng, quyết liệt.
Trên cơ sở nắm bắt rõ những vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, BHXH Việt Nam thường xuyên chủ động đánh giá tình hình thực hiện chính sách; tác động của các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi.
Từ đó, ngành kịp thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHYT phù hợp.
15 năm đạt nhiều kết quả quan trọng
Có thể thấy, 15 năm qua, diện bao phủ BHYT tăng nhanh và phát triển bền vững. Cụ thể, năm 2008 trước khi có Ngày BHYT Việt Nam, toàn quốc mới có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số.
Năm 2009, năm đầu tiên triển khai Ngày BHYT Việt Nam, toàn quốc đã có trên 50 triệu người tham gia BHYT (tăng trên 10 triệu người so với năm 2008), tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 58,2% dân số.
Tính đến hết năm 2023, toàn quốc đã có trên 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số.
Để có được kết quả đó, nhờ sự đóng góp quan trọng của công tác truyền thông của ngành, ngày càng sâu rộng, dễ hiểu, dễ nhớ, giúp người dân hiểu rõ lợi ích của chính sách BHYT từ đó chủ động, tích cực tham gia.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng cho biết, số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng nhanh qua từng năm, trong 15 năm đã có trên 2.120 triệu lượt người KCB BHYT, với tổng số tiền trên 993.000 tỷ đồng.
Năm 2009, toàn quốc có 88,6 triệu lượt KCB BHYT với tổng chi KCB BHYT là 15.396 tỷ đồng. Đến năm 2015, cả nước có 130,1 triệu lượt KCB BHYT (tăng 48% so với năm 2009) với tổng chi KCB BHYT là 47.855 tỷ đồng (tăng 211% so với năm 2009).
Năm 2020 có 167,3 triệu lượt KCB BHYT (tăng 28,6% so với năm 2015) với tổng chi KCB BHYT là 101.740 tỷ đồng (tăng 122,6% so với năm 2015).
Đến hết năm 2023, toàn quốc có 174 triệu lượt KCB BHYT (tăng 4% so với năm 2020) với tổng chi KCB BHYT là khoảng 121.799 tỷ đồng (tăng 19,7% so với năm 2020).
Hệ thống KCB BHYT được tổ chức tốt từ T.Ư đến địa phương. Các cơ sở KCB công lập và tư nhân đã tạo thuận lợi giúp người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ KCB BHYT.
Thời gian qua, công tác giám định, thanh tra, kiểm tra có những thay đổi tích cực, phát hiện nhanh chóng, kịp thời các trường hợp có dấu hiệu lạm dụng hoặc sử dụng quỹ BHYT không hợp lý, góp phần giảm chi quỹ BHYT hàng nghìn tỷ đồng, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý sử dụng quỹ BHYT.
Đặc biệt, toàn ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cắt giảm từ 115 thủ tục (năm 2015) xuống còn 25 thủ tục; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phối hợp KCB BHYT.
Đến nay, 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân. Hiện, BHXH Việt Nam đang thí điểm xác thực thông tin sinh trắc trên căn cước công dân gắn chip trong KCB BHYT giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác KCB BHYT, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia.
“Để việc triển khai thực hiện chính sách BHYT được bền vững, hiệu quả thì yếu tố kiểm soát chi phí KCB BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành BHXH Việt Nam.
Việc kiểm soát chi phí KCB BHYT nhằm tối ưu sử dụng quỹ BHYT, phòng tránh, hạn chế tối đa các chi phí bất hợp lý, lãng phí, từ đó có nguồn lực phục vụ người bệnh, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT, tối ưu sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, đúng quy định” – Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dien-bao-phu-bao-hiem-y-te-tang-nhanh-phat-trien-ben-vung.html