“Vì sao sở hữu kho tàng bối cảnh trời cho nhưng đến nay vẫn chỉ là… tiềm năng? Tôi không muốn gọi là tiềm năng nữa. Giờ chúng ta phải thay đổi”, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam, bày tỏ quan điểm một cách quyết liệt.
Nhiều cơ hội bị bỏ lỡ
Trong tham luận gửi đến hội thảo “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao: Kiến tạo tương lai – đường dài chung bước” tổ chức vào đầu tháng 9 tại Bình Định, TS Nguyễn Văn Tình, Nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), nhắc lại câu chuyện buồn: trường hợp bộ phim Tomorrow Never Die. Đối tác nước ngoài đã tiêu tốn đến 4 triệu USD để chuẩn bị bối cảnh ở vịnh Hạ Long, rồi bất ngờ nhận được thông báo từ chối cấp phép quay phim tại Việt Nam. “Việc này đã gây hậu quả không tốt cho uy tín của chúng ta trong việc hợp tác với điện ảnh quốc tế. Suốt một thời gian dài sau đó, các hãng phim Hollywood và nhiều nước khác đã không vào Việt Nam làm phim”, ông Nguyễn Văn Tình nhấn mạnh.
Theo TS Ngô Phương Lan, số dự án phim quốc tế quay tại Việt Nam hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi Thái Lan thu hút khoảng 100 đoàn làm phim mỗi năm. Nếu các đoàn phim không nhận được nhiều ưu đãi khi quay tại Việt Nam, họ sẽ chọn những nơi có cảnh quan tương tự như Thái Lan, Philippines hoặc các quốc gia khác chào đón họ. Như vậy, chúng ta sẽ mất nhiều khách hàng.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, đề nghị nên có sự kết nối đồng bộ giữa các bộ ngành, không chỉ riêng ngành văn hóa. Ông nhấn mạnh, các nước như Thái Lan, Malaysia hoàn thuế hoặc miễn thuế cho các đoàn phim đến và thuê nhân công tại nước họ. Chúng ta nên tham khảo những điều này để góp phần phát triển ngành điện ảnh Việt Nam, thu hút nhiều đoàn phim nước ngoài hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ”.
Trước khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) 2022 được ban hành, nhiều đạo diễn và nhà sản xuất phim cho biết, việc xin phép và sử dụng bối cảnh ở Việt Nam rất phức tạp và mất thời gian. Việt Nam chưa có chính sách ưu đãi cho các đoàn phim quốc tế, cũng như chính sách thuế cho họ. Dịch vụ làm phim tại Việt Nam cũng chưa đồng đều và chuyên nghiệp. Mặc dù luật đã có hiệu lực từ đầu năm 2023 và quy định ưu đãi về thuế cho tổ chức nước ngoài sản xuất phim tại Việt Nam, nhưng vẫn chưa có nghị định hướng dẫn cụ thể. Theo ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Oxalis Adventure, công ty du lịch thám hiểm hang động đầu tiên tại Việt Nam, so với các điểm đến trong khu vực, Việt Nam hiện được coi là điểm đến mới lạ, hấp dẫn dành cho các bộ phim nước ngoài. Các nhà làm phim nước ngoài mong muốn Việt Nam tạo điều kiện hơn trong khâu cấp phép dự án phim, hỗ trợ về an ninh trật tự, giữ bảo mật trong quá trình quay phim.
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc chia sẻ, quy trình hoàn vốn cho nhà đầu tư nước ngoài rất chậm, kéo dài từ 6 tháng đến nhiều năm. Có phim ra rạp từ năm 2019 đến nay vẫn chưa xong thủ tục hoàn vốn. Điều này tạo nên rủi ro lớn, khiến các nhà đầu tư nước ngoài dè dặt khi tham gia vào thị trường sản xuất phim tại Việt Nam. Khi điện ảnh hội nhập quốc tế, việc không thể tiếp nhận nguồn vốn nước ngoài đang làm hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp điện ảnh và dẫn đến hạn chế phát triển của cả ngành công nghiệp điện ảnh.
Trong khi đó, các nước như Pháp, Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan đã có chính sách ưu đãi rõ ràng cho đoàn phim nước ngoài, giúp họ giảm đáng kể chi phí sản xuất. Như tại Pháp, các chính sách miễn, giảm thuế và chế độ nhập khẩu dành riêng cho đạo cụ phim trường có thể giúp các đoàn làm phim quốc tế giảm tới 50% chi phí sản xuất tại quốc gia này. Hàn Quốc cũng luôn đi đầu trong việc thu hút và hỗ trợ đoàn làm phim nước ngoài, tài trợ khoảng 20% chi phí làm phim cho cảnh quay tại đây, chủ động cử đoàn khảo sát tới các nước để giới thiệu và tìm kiếm cơ hội thu hút đoàn làm phim. Malaysia hoàn tới 30% chi phí sản xuất thực hiện tại nước này cho đoàn làm phim nước ngoài. Thái Lan hoàn thuế 15% cho đoàn làm phim nước ngoài chi tiêu trên 50 triệu baht tại Thái, thêm 5% nữa nếu sử dụng nhân công địa phương và quảng bá hình ảnh tích cực về nước này.
Chuyện nhỏ mà không nhỏ!
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho rằng, nhiều địa phương đã nhận thức được việc các đoàn phim đến quay phim là cơ hội quảng bá hình ảnh, từ đó, hình thành nhu cầu tham quan và du lịch. Tuy nhiên, không ít địa phương hiện chưa được chủ động sử dụng nguồn ngân sách để hỗ trợ đoàn làm phim. Các hoạt động phối hợp dừng lại ở việc cấp giấy phép bối cảnh, quản lý trật tự đô thị và không gian đô thị. Phân tích kỹ hơn, nhà sản xuất Mai Thu Huyền cho biết, các đoàn phim rất chú trọng đến bối cảnh và chính sách ưu đãi từ các tỉnh thành, vì việc đưa đoàn phim lớn và thiết bị đi quay tốn kém nhiều chi phí. Nhà làm phim nào cũng muốn có bối cảnh đẹp, lạ, nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện đi xa trong khi ngân sách làm phim có hạn. Việc ghi hình ở Hà Nội, TPHCM dù không có lợi thế về khung cảnh hoang sơ, tự nhiên nhưng lại có ưu thế hơn hẳn về bài toán nhân sự, thiết bị. Với những tỉnh thành có nhiều địa danh, cảnh đẹp nhưng không thuận lợi cho di chuyển, việc sản xuất càng được cân nhắc kỹ càng hơn.
Ngoài bối cảnh, đoàn phim nào cũng mong muốn chọn địa điểm dễ dàng huy động nguồn nhân lực đáp ứng được các điều kiện cho quá trình sản xuất phim. Bởi, bất cứ đoàn phim nào cũng cần rất nhiều nhân sự kỹ thuật, diễn viên quần chúng tại địa điểm quay phim. Những địa phương có nguồn nhân lực tại chỗ, có hiểu biết, được đào tạo về phim ảnh sẽ là lợi thế lớn, dù hiện nay không phải tỉnh thành nào cũng đáp ứng được điều này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cản trở việc thu hút đoàn làm phim. Điều này còn đúng trong cả câu chuyện thu hút và hợp tác quốc tế. Việc bỏ lỡ cơ hội thu hút các đoàn phim đến ghi hình cũng đồng nghĩa chúng ta mất đi cơ hội học hỏi, cọ xát, nâng cao năng lực chuyên môn.
Liên quan việc tạo sức hút bằng chính sách, chuyên gia điện ảnh Pháp Franck Priot chia sẻ: “Khi xem chương trình biểu diễn võ thuật tại Bình Định, tôi thấy nó còn hấp dẫn hơn một show ca nhạc. Lẽ ra, chúng ta nên làm từ lâu việc kết hợp du lịch, điện ảnh và thể thao. Nhưng, trở lại vấn đề lãnh đạo có muốn đoàn làm phim thực hiện cảnh quay tại địa phương không? Nếu có, địa phương có những chính sách, ưu đãi gì để làm việc, thu hút đoàn làm phim đến quay?”. Theo chuyên gia này, sự cam kết của từng tỉnh thành đối với các nhà làm phim chưa đủ mà nên sớm triển khai việc đưa ra chính sách hoàn thuế cho các đoàn làm phim tại địa phương.
Tương tự, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD, dẫn chứng, nếu quay phim ở Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), phải có giấy phép của Sở VH-TT đến phường, công ty công viên cây xanh, có khi còn phải xin phép UBND TP Hà Nội. “Nếu 1 ngày đoàn phim quay 5 địa điểm, mỗi địa điểm cần 3 giấy phép con, sẽ rất khó. Do vậy, các đoàn phim mong mỏi có sự thống nhất về cơ quan quản lý để khi cần, chỉ phải liên hệ một cơ quan duy nhất”, bà Ngô Bích Hạnh đề xuất.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam: “Đến nay, hoạt động xúc tiến du lịch qua điện ảnh vẫn chưa có định hướng rõ ràng, chưa có sự nghiên cứu, đánh giá đầy đủ tiềm năng, ảnh hưởng của điện ảnh đối với công tác xúc tiến du lịch, để từ đó có sự đầu tư thích đáng cho hoạt động xúc tiến du lịch qua điện ảnh. Hoạt động này cần được xem là một kênh xúc tiến du lịch chính thức, đưa vào chương trình xúc tiến du lịch quốc gia để tạo động lực, dẫn dắt hoạt động xúc tiến du lịch điện ảnh các địa phương”.
MAI AN – VĂN TUẤN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dien-anh-du-lich-dung-de-tiem-nang-mai-tiem-an-bai-3-tiem-nang-thanh-loi-the-di-mai-chua-thanh-duong-post762006.html