Báo cáo “Xu hướng Du lịch 2023 của Expedia” cho thấy 2/3 du khách toàn cầu đã xem xét việc du lịch dựa trên nguồn cảm hứng từ điện ảnh, và 39% đã đặt chuyến đi dựa trên những câu chuyện từ màn ảnh. Điều này cho thấy, các bộ phim không chỉ giúp quảng bá phong cảnh thiên nhiên, mà còn là cầu nối giúp khán giả hiểu về văn hóa, truyền thống và lối sống của một quốc gia nhanh, hiệu quả.
Có thể kể đến một vài thành tựu mà điện ảnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch trên thế giới và Việt Nam như: “Trò chơi vương quyền” (Game of Thrones) được quay tại Du-brov-nik, Ireland mang lại gần nửa triệu lượt khách du lịch tới thăm thành phố. Gần một triệu vé vào cửa đã được bán tại các di tích/ địa điểm xuất hiện trong phim với lượng khách du lịch tăng 37,9%, khách lưu trú qua đêm tăng 28,5% trong năm 2015. Phim “Cô gái có hình xăm rồng” (Girl with Dragon Tattoo), quay tại Stockholm, ước tính mang lại khoảng 100 triệu Euro cho ngành du lịch Thụy Điển. Phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” (Lord of the Rings) ước tính đã tạo ra 42 triệu đô la cho ngành du lịch New Zealand. Còn tại Việt Nam, có thể kể đến lượng khách ồ ạt đổ về “Nhà của Pao” ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang sau thành công của bộ phim “Chuyện của Pao”; hay việc gia tăng đột biến số lượng du khách đến với quần thể Di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình) ngay khi phim “Kong Skull Island” ra mắt. Gần đây nhất 2 bộ phim Việt Nam là: “Tết ở làng Địa Ngục” và “Kẻ ăn hồn” mà các bối cảnh ở làng Sảo Há, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã trở thành địa chỉ thu hút đông đảo du khách tìm đến.
Theo Đạo diễn Đào Thanh Hưng – Giám đốc Công ty Miền đất Điện ảnh, việc dùng điện ảnh để quảng bá, phát triển du lịch đã được áp dụng từ lâu trên thế giới, cũng như được đặc biệt coi trọng ở Việt Nam trong một số năm trở lại đây. Thực tế đã chứng minh việc quảng bá một địa danh thông qua điện ảnh mang lại hiệu quả bất ngờ. Các tác phẩm nổi tiếng như: Người tình (1991), Đông Dương (1992), Người Mỹ trầm lặng (2002)… được coi là những đại diện tiêu biểu góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới ở giai đoạn trước. Hiệu ứng tích cực từ bộ phim “bom tấn” của Hollywood “Kong: Skull Island” chọn phần lớn bối cảnh núi rừng hoang sơ, hùng vĩ tại các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Ninh của Việt Nam. Khán giả quốc tế ngỡ ngàng và biết đến Việt Nam.
Mới nhất là phim “A Tourist’s Guide to Love” (Hành trình tình yêu của một du khách), bộ phim của Netflix được quay hầu hết tại Việt Nam (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn và Hà Giang) cũng đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới rộng rãi hơn. Sau khi trình chiếu (tháng 4/2023), phim đã liên tiếp đứng trong top bảng xếp hạng phim xem nhiều nhất tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là những tín hiệu vui, mở ra hướng mới cho ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa thông qua kênh điện ảnh nhờ đưa hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt đến với khán giả trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, là một quốc gia có tài nguyên di sản thiên nhiên và văn hoá đa dạng, nhưng chúng ta chưa tận dụng và khai thác hiệu quả thế mạnh này của điện ảnh để góp phần bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam tới thế giới. Đến nay, số lượng phim Việt truyền tải được nền văn hóa nước nhà vẫn còn khiêm tốn do đang vướng mắc một số điều để tạo động lực cho các nhà làm phim.
“Cơ chế cởi mở cho điện ảnh là một trong những điều rất quan trọng, những nhà làm luật, làm cơ chế phải thu hút được nhiều nhà làm phim của Hollywood đến Việt Nam. Thứ hai là tránh yếu tố độc quyền trong phát hành rạp. Chúng ta có những bộ phim quảng bá rất tốt về văn hóa, du lịch nhưng khi ra rạp thì các nhà phát hành lại ưu tiên những bộ phim doanh thu lớn, xếp những bộ phim kia vào khung giờ ít người xem nên không thể cạnh tranh được. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính rườm rà, mất quá nhiều thời gian… trong khi bộ phim đã được cấp phép sản xuất rồi thì nên giảm bớt những loại giấy phép để tạo điều kiện cho đoàn làm phim, đừng để đoàn làm phim bị gắn mác “đoàn làm phiền” – Đạo diễn Đào Thanh Hưng nêu thực tế.
Có thể thấy, di sản văn hóa là một mảnh đất màu mỡ mà nếu các nhà làm phim khai thác một cách hiệu quả thì sẽ tạo ra những sản phẩm thành công không chỉ về mặt nghệ thuật điện ảnh mà còn góp phần bảo tồn và quảng bá di sản một cách bền vững. Nhưng để làm tốt điều này, cần nhận diện và gỡ bỏ những vướng mắc cũng như có những cơ chế khuyến khích, động viên các nhà làm phim trong và ngoài nước đẩy mạnh sáng tạo trong lĩnh vực này.
Nhà nghiên cứu Hoàng Thị Thu Thủy – Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa và nghệ thuật đương đại: “Muốn thu hút đầu tư các nhà làm phim quốc tế, chúng ta cần quảng bá hình ảnh Việt Nam bằng nhiều hình thức, trong đó có việc làm các phim quảng cáo ngắn, quảng bá hình ảnh để thu hút họ tới Việt Nam để làm phim, đồng thời giảm gánh nặng tài chính cho các dự án làm phim nước ngoài, giảm thuế cho nhập khẩu các thiết bị, giảm thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; hỗ trợ về quy trình, giấy phép, phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính để giảm rủi ro cho các nhà làm phim, ví dụ hỗ trợ về thị thực, giấy phép quay phim”.
TS Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam: “Từ phía nhà nước, địa phương, các nhà làm phim dường như sự gặp nhau chưa đến mức để tạo sự đột phá. Nếu tính bài toán các địa phương dành sự ủng hộ các đoàn phim trong quá trình quay không quá 80 ngày, sự thành công bộ phim mang lại là phát triển du lịch, thu hút đầu tư, phát triển các ngành dịch vụ liên quan… sẽ lên đến hàng chục năm. Các nhà làm phim cũng rất muốn có sự ưu đãi từ địa phương nhưng họ rất loay hoay. Các nhà làm phim quốc tế lo ngại khi đến Việt Nam vì cho rằng thủ tục chưa minh bạch mặc dù Luật Điện ảnh đã có từ năm 2006, và luật mới từ 2022”.
Với tư cách người trong cuộc, đạo diễn Đào Thanh Hưng cho rằng, nhu cầu khẳng định bản sắc, sự cổ vũ của các cơ quan quản lý, người xem, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn chính là “bệ đỡ” vững chắc cho xu hướng sáng tạo tập trung khai thác tối đa cảnh sắc Việt trên màn ảnh rộng hiện nay. Tuy nhiên, việc phim trường “Kong: Skull Island” tại khu du lịch và quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình (từng là điểm check-in yêu thích của giới trẻ) bị tháo dỡ do không phù hợp với giá trị chung của di sản, hay bối cảnh phim “Đào, Phở và Piano” cũng bị phá dỡ sau khi quay xong để trả lại mặt bằng… là vô cùng lãng phí và cũng là bài học đáng nhớ về cách sáng tạo nghệ thuật trong mối quan hệ với quảng bá di sản, phục vụ phát triển du lịch.
Có thể thấy rằng Điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc quảng bá xúc tiến hình ảnh quốc gia, văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó thúc đẩy du khách cả trong nước và quốc tế đến để trải nghiệm, khám phá đất nước và con người Việt Nam. Do đó, nếu có sự bắt tay chặt chẽ và hiệu quả giữa Điện ảnh và văn hóa, chúng ta không chỉ có thêm những tác phẩm điện ảnh đặc sắc mà còn thúc đẩy du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè quốc tế.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dien-anh-chia-khoa-quang-ba-van-hoa-du-lich-viet-nam.html