Các nhà tuyển dụng ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn chỉ ra những điểm yếu sinh viên cần khắc phục và chia sẻ bí quyết giúp các bạn tạo ấn tượng, dễ dàng nhận được cái gật đầu khi phỏng vấn.
ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Ngày hội “Hành trình nghề nghiệp và Kết nối việc làm” năm 2024 với sự góp mặt của gần 8.000 sinh viên và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Sự kiện nhằm giúp sinh viên định hướng, chuẩn bị kỹ năng cần thiết về nghề nghiệp, nâng cao lợi thế cạnh tranh khi tham gia thị trường lao động; bắt kịp xu thế việc làm và yêu cầu tuyển dụng nhân lực của tổ chức, doanh nghiệp. Đây là dịp để sinh viên mới hoặc chuẩn bị tốt nghiệp hay có nhu cầu tìm việc làm tìm hiểu, trao đổi thông tin về cơ hội nghề nghiệp, quy trình, điều kiện tuyển dụng của các tổ chức, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc tuyển dụng Tập đoàn Sun Group cho hay, trong quá trình phỏng vấn tuyển nhân sự, ông nhận thấy điểm yếu sinh viên hiện nay thường có là tự tin thái quá, dẫn tới dễ “chém”; chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng…
Bên cạnh đó, một số em thể hiện có phần bốc đồng, bất cần. “Có bạn vào phỏng vấn, thấy một số khó khăn hoặc không thích là đứng lên luôn. Không chịu được áp lực là điều tôi nhận thấy ở một số bạn trẻ”, ông Thành nói.
Với kinh nghiệm 24 năm “săn đầu người” cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, ông Thành chia sẻ một số bí kíp để sinh viên có cuộc phỏng vấn tuyển dụng thành công. Đầu tiên là chuẩn bị trước khi buổi phỏng vấn diễn ra. “Cần tìm hiểu kỹ về công ty, doanh nghiệp bạn quan tâm, thậm chí tìm hiểu về người phỏng vấn. Các bạn có thể tìm kiếm theo tên hoặc lên các trang mạng nổi tiếng về tuyển dụng hay Facebook về người phỏng vấn”, ông Thành nói.
Sau đó cần tìm hiểu về mô tả công việc, vị trí mình ứng tuyển.
Ngoài ra, theo ông Thành, các bạn trẻ đừng quên chuẩn bị câu hỏi cho nhà tuyển dụng. “Cuộc phỏng vấn tuyển dụng mang tính chất 2 chiều. Chúng tôi sẽ hỏi các bạn để tìm hiểu xem có phù hợp với doanh nghiệp, công ty hay không. Các bạn cũng có thể đặt câu hỏi để tìm hiểu về chúng tôi. Bản chất đây là việc 2 bên tìm hiểu lẫn nhau, xem có phù hợp mới đi đến thỏa thuận, hợp đồng”, ông nói.
Các bạn trẻ cũng có thể tham khảo kinh nghiệm từ những người đang làm công việc tương tự, liên quan để hiểu hơn về những thách thức, thú vị của vị trí nào đó.
Điều quan trọng không kém, theo ông Thành, sinh viên cần luyện tập nhiều cho việc trả lời phỏng vấn.
Trong ngày phỏng vấn, các bạn trẻ cần mặc trang phục thể hiện sự lịch sự, chuyên nghiệp. Nên đến đúng giờ và giữ tinh thần thoải mái. “Việc thiếu tự tin hay lo sợ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng buổi phỏng vấn, thậm chí đến khả năng thành bại. Nên đúng giờ, thậm chí đến trước 15 phút để chỉnh đốn, kiểm tra trang phục, hình ảnh của mình. Nhà tuyển dụng rất để ý việc quản lý hình ảnh của ứng viên”, ông Thành nói.
Trong buổi phỏng vấn, ngoài việc giữ nụ cười và sự thân thiện, ông Thành nhấn mạnh, cần chia sẻ thông tin trung thực về bản thân: “Khi các bạn đưa sai thông tin về kinh nghiệm, nhà tuyển dụng ở từng lĩnh vực sẽ biết ngay”.
Ngoài ra, ứng viên cần thể hiện niềm đam mê, sự quan tâm đến công việc/vị trí mình ứng tuyển. “Với nhiều bạn, chúng tôi cảm nhận như không muốn đạt vị trí mình đang đi phỏng vấn, trong khi động lực là một trong những tiêu chí rất quan trọng để đánh giá ứng viên”.
Hơn cả, cần thể hiện năng lực, kinh nghiệm phù hợp đối với công việc mình ứng tuyển.
Ông Thành khuyên, sau buổi phỏng vấn, sinh viên nên gửi lời cảm ơn hoặc qua tin nhắn, email hay gọi điện trực tiếp tới nhà tuyển dụng. “Đó là một hình thức để bạn thể hiện sự quan tâm, đam mê của mình với vị trí ứng tuyển”.
Nếu cuộc phỏng vấn trực tiếp, theo ông Thành, sinh viên có thể tạo ấn tượng tốt thông qua việc bắt tay chào hỏi; sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp, trình bày…
Nếu phỏng vấn online, cần kiểm tra trước link phỏng vấn, camera, vị trí ngồi và chọn địa điểm phù hợp tránh sao nhãng. “Nên sử dụng hình nền khi phỏng vấn online. Tôi gặp nhiều trường hợp, đang phỏng vấn thì thấy người nhà đi lại phía sau,… điều này cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp. Có nhiều bạn khi tôi gọi phỏng vấn thì đang đi ngoài đường. Chắc chắn tôi đánh trượt những trường hợp này vì nó chứng tỏ các bạn không thực sự quan tâm và không chuẩn bị sắp xếp thời gian”.
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển dụng và thu hút nhân tài, Ngân hàng SHB cũng chỉ ra “mẹo” cho ứng viên để chinh phục nhà tuyển dụng: trang phục chỉn chu chuyên nghiệp; biết lắng nghe, ghi nhớ thông tin từ nhà tuyển dụng; chỉ nói khi cần thiết và nói vừa đủ; phong thái điềm tĩnh, tự tin; điều khiển thái độ ứng xử trong buổi phỏng vấn.
Theo bà Hiền, ngay từ khi trên giảng đường, sinh viên có thể định vị, xây dựng thương hiệu cá nhân, qua đó tạo cơ hội phát triển bản thân. “Cần xác định được điểm đặc biệt của mình và phát triển những đặc điểm độc đáo đó”, bà Hiền nói.
Hoa khôi khoa Kinh tế giành giải Nhất sinh viên nghiên cứu khoa học
Nguồn: https://vietnamnet.vn/bi-kip-giup-sinh-vien-chinh-phuc-nha-tuyen-dung-qua-phong-van-2347268.html