Bóng tối bao trùm Israel vào đầu năm nay đã cho thấy hệ thống năng lượng của quốc gia này dễ bị tổn thương như thế nào. Trong nhiều giờ liền, các khu phố ở Tel Aviv, Petah Tikva gần đó và thành phố Beersheba ở phía Nam đã bị mất điện trong khi các chuyến tàu dừng lại và chính phủ lập danh sách các thiết bị thiết yếu cần thiết trong trường hợp mất điện kéo dài.
Sự gián đoạn này được cho là do một loạt nguyên nhân. Mặc dù một nhóm tin tặc quốc tế đang cố gắng nhận trách nhiệm cho vụ việc, nhưng bất kể nguyên nhân là gì, nó đã nhấn mạnh đến sự mong manh khiến các giám đốc an ninh quốc gia của đất nước này phải thức trắng đêm trong nhiều thập kỷ.
Cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia Israel Chuck Freilich nói với Politico rằng căng thẳng leo thang ở biên giới với Lebanon có thể gây thiệt hại cho lưới điện của quốc gia Do Thái.
Tuần này, các lực lượng Israel đã tấn công hơn 270 mục tiêu của nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở phía Nam Lebanon.
“Nếu Hezbollah quyết định tấn công các nhà máy điện và các địa điểm khác, thì đó là một vấn đề lớn”, ông Freilich nói. “Họ có tên lửa chính xác có thể nhắm vào các cơ sở hạ tầng như vậy, và thật khó để điều hành một quốc gia hiện đại mà không có điện và không có máy tính”.
Khí đốt
Là quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, Israel từ lâu đã lo lắng về năng lượng. Phần lớn các nhà máy điện của họ chạy bằng khí đốt. Nhưng một trong những câu chuyện thành công chính của Israel trong những năm gần đây là thành công thoát phụ thuộc nhập khẩu nước ngoài sau khi phát hiện ra khoảng 1.000 tỷ m3 khí đốt ngoài khơi bờ biển của mình – tương đương với khoảng 70 năm tiêu thụ hiện tại của nước này.
Theo ông Elai Rettig, Phó giáo sư về địa chính trị năng lượng tại Đại học Bar-Ilan ở Tel Aviv, dòng khí đốt đó cũng là một công cụ ngoại giao trong cuộc chiến chống lại các nỗ lực cô lập, với việc các nước láng giềng đang mua khối lượng lớn khí đốt từ Israel.
“Đối với Jordan và Ai Cập, họ sẽ không thể tẩy chay Israel vào thời điểm này vì Israel là quốc gia duy trì ánh sáng ở Amman và Cairo, và một số người cho rằng điều đó đã làm giảm phản ứng của họ và hạn chế mức độ họ có thể chỉ trích Israel”, ông Rettig nói. “Ai Cập đã trải qua 3-4 lần mất điện mỗi ngày và khoảng 70% năng lượng của Jordan được sản xuất bằng khí đốt từ Israel”.
Cuộc xung đột leo thang với Hezbollah ở miền Nam Lebanon hiện đang đe dọa đến nguyên trạng khu vực đó. Mỏ Tamar – một trong 3 trữ lượng khí đốt tự nhiên chính – đã tạm thời đóng cửa vì lo ngại về an toàn do nằm gần Dải Gaza.
Trong khi đó, mỏ Leviathan lớn hơn nằm gần biên giới phía Bắc có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng tên lửa.
“Một trong những lý do khiến Israel cố gắng tránh một cuộc chiến trên hai mặt trận, chống lại Hezbollah và Hamas cùng một lúc, là vì họ không thể để cả Tamar và Leviathan đóng cửa cùng một lúc”, ông Rettig nói.
“Họ không có giải pháp thay thế cho khí đốt. Nhưng nếu đối phương tấn công những mỏ khí đốt đó, họ đang làm tổn thương cả bằng hữu của họ. Vì vậy, quan hệ hợp tác như vậy trong lĩnh vực khí đốt cũng là một nguồn răn đe”.
Dầu mỏ
Việc tiếp cận dầu thô, xăng và dầu diesel từ lâu đã là một vấn đề đau đầu đối với các nhà hoạch định chính sách của Israel, và các lệnh cấm vận do người Ả Rập đứng đầu sau các cuộc chiến khu vực vào năm 1967 và 1973 đã gây ra các cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Để ứng phó, các cơ quan an ninh của Israel đã bắt đầu một chương trình bí mật trao đổi vũ khí lấy dầu từ châu Phi.
Trong khi số liệu thống kê nhập khẩu dầu chính xác của Israel là bí mật quốc gia, nhưng theo ước tính, Azerbaijan hiện đã nổi lên trở thành đối tác hàng đầu của Israel sau khi bán cho Israel 300 triệu USD dầu thô chỉ riêng trong tháng 1. Azerbaijan là nước sản xuất dầu thô lớn và thành viên của OPEC+.
“Israel coi trọng Azerbaijan như một đồng minh quan trọng trong thế giới Hồi giáo chiếm đa số, không chỉ cung cấp chiều sâu chiến lược mà còn cả an ninh năng lượng thiết yếu”.
Ông Ayaz Rzayev – Trung tâm Topchubashov ở Baku.
“Israel coi trọng Azerbaijan như một đồng minh quan trọng trong thế giới Hồi giáo chiếm đa số, không chỉ cung cấp chiều sâu chiến lược mà còn cả an ninh năng lượng thiết yếu”, ông Ayaz Rzayev, một nghiên cứu viên tại Trung tâm Topchubashov có trụ sở tại Baku, cho biết. “Đối với Azerbaijan, mối quan hệ với Israel đã cung cấp quyền tiếp cận công nghệ quân sự tiên tiến, giúp duy trì lợi thế công nghệ đáng kể trong khu vực”.
Tuy nhiên, ngay cả mối quan hệ đó cũng đang trở nên không chắc chắn hơn khi cuộc chiến ở Gaza leo thang, ông Rzayev cho biết, vì “Azerbaijan cũng coi trọng đáng kể đến sự đoàn kết của mình với các quốc gia Hồi giáo”.
Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh thân cận nhất của Azerbaijan, đã đi đầu trong việc ủng hộ người Palestine kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, với việc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan áp đặt lệnh cấm vận thương mại chưa từng có đối với Israel.
“Câu hỏi lớn là người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm gì”, ông Freilich, cựu quan chức an ninh quốc gia Israel, cho biết. “Hầu hết dầu của Israel đều đi qua đường ống dẫn đến Thổ Nhĩ Kỳ và nếu muốn, họ có thể cắt đứt nguồn cung”.
Biển Đỏ
Israel đang cân bằng giữa mối đe dọa tấn công trực tiếp vào cơ sở hạ tầng và áp lực ngày càng tăng đối với các đối tác của mình, đồng thời ngày càng chứng kiến các tuyến cung ứng của mình bị nhắm mục tiêu – đáng chú ý nhất là lực lượng dân quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Biển Đỏ.
Houthi đã quấy rối hoạt động vận chuyển kể từ năm ngoái, bất chấp việc các cường quốc phương Tây triển khai liên minh hải quân để bảo vệ các tuyến thương mại qua vùng biển này, khiến giá hàng hóa và nhiên liệu tăng cao.
Mặc dù hiệu ứng lan tỏa cho đến nay vẫn còn hạn chế, nhưng thị trường khí đốt khu vực bị ảnh hưởng nhiều hơn và có thể khiến việc vận chuyển khí đốt qua đường biển trở nên tốn kém và phức tạp hơn, ông Dan Marks, chuyên gia an ninh năng lượng tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết.
“Vì thị trường LNG toàn cầu đã thắt chặt kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine và có khả năng sẽ tiếp tục như vậy cho đến năm 2025, điều này có thể có tác động đến giá cả”, ông Marks nói. “Việc Ai Cập định vị mình là trung tâm khí đốt khu vực và áp lực chính trị trong nước xung quanh giá năng lượng, kết hợp với tác động đến doanh thu của Kênh đào Suez, có nghĩa là Cairo có một số lý do để tiếp tục hợp tác với Israel và thúc đẩy lệnh ngừng bắn”.
Cùng lúc đó, một cuộc xung đột trực tiếp hơn với Iran vẫn đang rình rập sau khi Tehran tuyên bố trả đũa cho vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh mà Iran đổ lỗi cho Israel.
Washington sẽ tìm cách ngăn chặn tình trạng Iran né tránh lệnh trừng phạt để bán dầu, từ đó khiến nguồn cung cho thị trường toàn cầu bị giảm, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Politico hồi đầu tháng này.
Tuy nhiên, đối với Israel, viễn cảnh kết hợp giữa việc bị mất điện và bế tắc kéo dài khi dấu mốc kỷ niệm 1 năm ngày xung đột với Hamas tái bùng phát ở Dải Gaza, có thể làm giảm tinh thần của người dân, các chuyên gia cho biết.
Trong trường hợp không có điện, người dân Israel sẽ phải vật lộn để nhận được hướng dẫn quan trọng từ Bộ Tư lệnh Mặt trận Nội địa và các cơ quan khác trong tình huống khẩn cấp. Hệ thống còi báo động của Bộ Tư lệnh Mặt trận Nội địa đòi hỏi phải kết nối liên tục với lưới điện.
Trong những năm gần đây, các ứng dụng trên điện thoại thông minh đã trở thành công cụ chính để đưa ra cảnh báo ngay lập tức về các vụ phóng rocket, tên lửa và máy bay của đối phương vào các khu vực ở Israel.
Trong tình huống mất điện, người dân sẽ phải đối mặt với thực tế là hàng trăm tên lửa được phóng về phía các mục tiêu trong khu dân cư của họ mà không nhận được bất kỳ hướng dẫn cơ bản nào.
“Người Israel không quen với tình trạng mất điện”, ông Rettig, Giáo sư tại Đại học Bar-Ilan ở Tel Aviv, cho biết. “Trung bình, chúng tôi thường mất điện khoảng 3 giờ mỗi năm, nên chỉ cần nghĩ đến việc mất điện 2 ngày là người Israel đã hoảng sợ và đi mua máy phát điện”.
Trong khi điều đó gây ra sự bàng hoàng ở những nơi như Tel Aviv, Petah Tikva và Beersheba vào đầu năm nay, thì đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan mà người dân Gaza đã quen thuộc – 10 tháng giao tranh đã gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng năng lượng ở dải đất này, và ngay cả ở những nơi có điện, điện năng cũng chỉ được cung cấp một cách hạn chế.
Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Israel ngừng chặn nguồn cung nhiên liệu cho máy phát điện – nguồn chính cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ bệnh viện đến tiệm bánh. Nhưng với các cuộc đàm phán không đạt được thỏa thuận ở cả 2 bên chiến tuyến, hy vọng về hòa bình ngày càng mong manh.
Minh Đức (Theo Politico EU, CTech News)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/diem-yeu-cua-israel-20424082820250746.htm