Từ bao đời nay, ông bà, cha mẹ luôn dành nhiều thời gian để dạy dỗ con cháu nên người. Vì họ luôn ý thức, con cháu là sự tiếp nối chính mình và là tương lai của xã hội. NCT không chỉ là chỗ dựa riêng cho người trẻ trong gia đình mà còn là tấm gương cho lớp trẻ ở xóm làng noi theo…
Theo thông kê, tỉnh Bến Tre hiện có 180.000 NCT, chiếm tỉ lệ 12,2% dân số trong tỉnh. Nhiều người trong tỉnh sau khi nghỉ hưu lại đảm nhận công việc mới, do chính quyền và bà con cơ sở tín nhiệm yêu cầu. Hiện có 60% NCT vẫn tham gia phát triển cộng đồng; gần 14.000 NCT làm công tác ấp, tổ Nhân dân tự quản; gần 4.000 NCT tham gia công tác hòa giải…
Trong gia đình, dòng họ, NCT luôn là “trụ cột” tinh thần, đạo đức nên có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, hướng dẫn con cháu xây dựng gia đình văn hóa, dòng họ văn hóa, thực hiện phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Đặc biệt, có khoảng 60% NCT ở tỉnh Bến Tre tham gia phong trào khuyến học, đa số Chủ tịch Hội Khuyến học cơ sở là NCT.
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng đô thị văn minh”, NCT trong tỉnh tự nguyện vận động gia đình, con cháu, xóm ấp đóng góp công sức, tiền bạc, đất đai, hoa màu, vật kiến trúc để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. Theo báo cáo của Hội NCT Bến Tre, NCT đã vận động gia đình con cháu hiến hơn 117.000m2 đất, đóng góp 21.000 công lao động và 11,5 tỉ đồng.
Người cao tuổi cần được chăm sóc để luôn sống vui, sống khỏe, sống có ích. |
“Nhiều NCT vẫn tiếp tục lao động sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho gia đình và đóng góp cho xã hội. Hiện toàn tỉnh có hơn 57.000 NCT còn trực tiếp lao động sản xuất, trong đó có 1.000 NCT là chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh; 979 NCT sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, với vốn đầu tư hơn nghìn tỉ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho gần 14.000 lao động, xóa nghèo 121 hộ có NCT”, ông Huỳnh Khắc Hiệp, Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh cho biết.
Điển hình như bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, 65 tuổi, ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, chủ cơ sở mua bán trái cây xuất khẩu, doanh thu vài trăm tỉ đồng mỗi năm. Cơ sở của bà Mai đã giải quyết việc làm cho 500 lao động. Không những thế, bà Mai còn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, đóng góp kinh phí hỗ trợ những người khó khăn, gia đình chính sách, với tổng số tiền gần 1 tỉ đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 65% NCT làm chủ hộ và giữ vai trò quyết định hoặc tham gia quyết định công việc trong gia đình. NCT làm chủ hộ thường ở độ tuổi 60 – 75 tuổi. Theo thống kê của Hội NCT tỉnh, có hơn 14.000 gia đình trong tỉnh lập Quỹ “Phụng dưỡng ông bà cha mẹ”, với tổng số tiền khoảng 81 tỉ đồng. Việc thành lập Quỹ “Phụng dưỡng ông bà, cha mẹ” có tác dụng giáo dục, động viên con cháu giữ gìn và phát huy đạo lí truyền thống dân tộc, quy tụ được tình cảm anh em, con cháu. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các thế hệ trong gia đình, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần NCT.
Theo ông Huỳnh Khắc Hiệp, Việt Nam có mức thu nhập bình quân theo đầu người không cao, nguồn tích lũy cho người già rất khiêm tốn. Ngoại trừ khoảng 20% người có lương hưu, người hưởng chính sách, hưởng trợ cấp và trên 20% người khá giả, số NCT còn lại phải tự lao động kiếm sống nên cuộc sống khó khăn. Về sức khỏe, chỉ có 5% NCT khỏe mạnh, 95% NCT mắc một vài bệnh nền. Đa số là bệnh mạn tính không lây nhiễm, khi đau ốm chi phí trị bệnh gấp nhiều lần người trẻ.
Để biến những thách thức do già hóa dân số mang lại thành cơ hội cho sự phát triển của đất nước, NCT cần được chăm sóc tốt về đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe. Qua đó, để NCT khỏe mạnh, đóng góp cho sự phát triển của xã hội. “Chúng ta cần cố gắng để NCT sống khỏe gia đình mới vui. Còn NCT mắc bệnh sẽ trở thành gánh nặng và gia đình không thể nào vui được”, ông Huỳnh Khắc Hiệp chia sẻ.
Đa số NCT ở tỉnh Bến Tre hiện đang sống cùng con cháu. Có gia đình sống chung đến 3, 4 thế hệ.
Nguồn: https://ngaymoionline.com.vn/diem-tua-vung-chac-xay-dung-gia-dinh-hanh-phuc-56884.html