Ẩn trong thân hình khiếm khuyết là sức mạnh của ý chí, của nghị lực và niềm tin về cuộc sống. Vượt nghịch cảnh, những người phụ nữ nơi huyện nghèo đã vươn lên làm chủ cuộc sống của mình.
Chỉ với một cánh tay trái, chị Pịt Thị Mơ (34 tuổi, trú bản Con Phen, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An) thoăn thoắt kiểm tra độ khô của chuối hột, mướp đắng rừng rồi thao tác trên máy tính để quảng bá, chốt đơn. Hiện chị là bà chủ của một cửa hàng tạp hóa ở xã, bán đồ dùng học tập cho trẻ em và bán nông sản khô.
Sinh ra, Mơ khỏe mạnh, lành lặn như bao đứa trẻ khác. Biến cố xảy ra khi cô bé Mơ được 10 tháng tuổi. Hôm đó, mẹ từ rẫy trở về, thấy con gái khóc ngằn ngặt, ngỡ con đói, mẹ lấy xôi cho Mơ ăn nhưng nắm xôi đặt vào tay cứ rơi ra. Mẹ đưa Mơ đi khám rồi đi chữa khắp các bệnh viện nhưng cánh tay của Mơ cứ thõng xuống. Căn bệnh quái ác khiến đôi chân của Mơ không thể đứng lên được.
“Tôi chỉ có thể ngồi xổm để di chuyển. Chạy chữa, luyện tập mãi, lên 10 tuổi, tôi mới có thể đứng lên, đi lại được nhưng người bị lệch, còn cánh tay phải thì bị liệt hẳn”, chị Mơ kể.
Trời lấy đi của Mơ cánh tay, nhưng bù lại, cho em sự thông minh và nghị lực vượt số phận. Hết trung học phổ thông, Mơ thi đậu vào trường đại học lâm nghiệp vì “sinh ra từ rừng, muốn gắn bó với rừng”.
Năm 2014, Mơ tốt nghiệp đại học. Một năm sau, chị được xã Hữu Khuông tuyển dụng làm cán bộ bán chuyên trách phụ trách lĩnh vực bảo vệ thực vật kiêm khuyến nông xã. Năm 2016, thực hiện Đề án Đưa 500 tri thức trẻ về nông thôn, miền núi, chị Mơ được UBND huyện Tương Dương tuyển dụng vào làm cán bộ tri thức trẻ về giúp xã Hữu Khuông.
Khi dự án kết thúc, không còn kinh phí chi trả lương, chị Mơ bị cắt hợp đồng nhưng chính quyền xã Hữu Khuông tạo điều kiện để chị phụ trách công tác khuyến học, thi đua khen thưởng hay cán bộ bảo vệ thực vật, chờ cơ chế từ các ngành liên quan. Trong thời gian này, chị Mơ thu mua chuối hột rừng của bà con trong bản, sấy khô bán kiếm thêm thu nhập.
Năm 2022, cảm thấy không thể tiếp tục chờ đợi nên sau khi lập gia đình, chị Mơ xin nghỉ hẳn để lập nghiệp. Về quyết định của mình, chị Mơ chia sẻ: “Tôi học lâm nghiệp ra, hơn nữa trong rừng nơi tôi ở có nhiều sản vật có giá trị như măng, mướp đắng, thổ phục linh… Sau thời gian bán chuối hột khô, tôi thấy các sản phẩm này khá có tiềm năng, được khách ưa chuộng. Nếu có cơ sở thu mua, chế biến, người dân trong bản cũng có thu nhập tốt hơn từ nghề thu hái lâm sản phụ”.
Khoảng 20 hộ dân trong bản là mối nhập hàng thường xuyên cho chị Mơ. Các lâm sản được chị Mơ rửa sạch, cắt, thái, phơi nắng đảm bảo thật khô, đóng túi ni lông bảo quản. Vào mùa mưa, chị Mơ phải sấy khô sản phẩm trên bếp. Thay vì cách sấy truyền thống, người phụ nữ này có sáng kiến sử dụng tấm tôn lạnh để vừa thu được nhiệt độ cao của bếp, vừa cho ra sản phẩm có màu sắc đẹp không kém các sản phẩm phơi được nắng, lại không bị ám mùi khói.
Chị Mơ thừa nhận bản thân là người khó tính trong việc chọn nguồn nguyên liệu, sơ chế và chế biến nhưng bù lại, các sản phẩm của chị được khách hàng ưa chuộng. Mùa măng năm nay, chị Mơ thu mua 6 tạ măng tươi, chế biến được 2 tạ măng khô nhưng hiện tại đã được bán hết, dù giá bán “nhỉnh” hơn các cơ sở khác.
“Nếu sản phẩm không tốt, sợ khách trả về, hơn nữa, sản phẩm phải xứng đáng với số tiền khách hàng bỏ ra. Hàng của tôi ban đầu chủ yếu bán cho các thầy cô giáo trên địa bàn, sau người nọ giới thiệu người kia, cùng với việc quảng bá, bán hàng qua kênh Facebook cá nhân nên được nhiều khách hàng các nơi biết đến nhiều hơn”, chị Mơ chia sẻ.
Trong câu chuyện của mình, chị Mơ nói nhiều đến sự hỗ trợ của bố mẹ, chồng, tổ chức hội phụ nữ của bản và xã. Chính sự động viên, khích lệ và hỗ trợ của mọi người đã giúp chị bớt mặc cảm tự tin, mạnh dạn hơn trong phát triển kinh tế.
Sau 8 năm bán nông sản và một năm chính thức khởi nghiệp từ sản vật địa phương, chị Mơ chưa nhận mình là thành công nhưng chị có thể tự chủ về kinh tế và giúp bà con trong bản có thêm nguồn thu nhập. Quan trọng hơn, chị đã bước ra khỏi “chiếc kén” mặc cảm về một cơ thể không hoàn thiện để vượt lên chính bản thân mình.
Chị Pịt Thị Mơ là một trong 9 tấm gương phụ nữ khuyết tật vượt khó vươn lên được Hội liên hiệp phụ nữ huyện Tương Dương tuyên dương, nhân Ngày phụ nữ Việt Nam (20/10) vừa qua.
“Tôi xúc động và vui lắm, vì những cố gắng, nỗ lực của tôi được ghi nhận. Chính sự ghi nhận của cộng đồng là động lực để những người khuyết tật như chúng tôi tiếp tục vươn lên”, chị Mơ tâm sự.
Bà Nông Thị Kim Tuyến – Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Tương Dương – cho biết, đây là lần đầu tiên Huyện hội tổ chức tuyên dương hội viên khuyết tật vượt khó, vươn lên.
“9 chị được tuyên dương là những hội viên đã không ngừng nỗ lực, vượt số phận, nghịch cảnh, vượt qua chính bản thân. Các chị dù có khiếm khuyết nhưng không trông chờ, ỉ lại mà đã tự chủ về kinh tế, chăm lo cho gia đình, có chị còn tạo được việc làm, thu nhập cho người khác và là nguồn cảm hứng, khích lệ những chị em cùng cảnh ngộ vươn lên”, bà Tuyến cho hay.
Theo thống kê, hiện toàn huyện Tương Dương có 192 hội viên Hội liên hiệp phụ nữ là người khuyết tật, nhiều chị em có hoàn cảnh hết sức khó khăn do bị hạn chế về khả năng lao động.
Trong những năm qua, tổ chức hội phụ nữ các cấp luôn quan tâm, tạo sự bình đẳng trong tất cả thành viên. Bên cạnh đó, các tổ chức hội vận động chị em trong chi hội đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên khuyết tật vơi bớt khó khăn.
Tại bản Sơn Hà, xã Tam Quang (Tương Dương), mỗi tháng, các hội viên Hội phụ nữ góp 50.000 đồng vào “Tổ tiết kiệm phụ nữ tự quản” để tạo nguồn vốn giúp nhau phát triển kinh tế. Cũng nhờ nguồn vốn vay không lãi suất này, chị Mai Thị Kính (50 tuổi) đã đầu tư mua một con lợn mạ và 3 con lợn thịt để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Dẫu chưa thể thoát nghèo nhưng người phụ nữ khuyết tật, đơn thân nuôi con nhỏ đã tự tin hơn trong cuộc sống, tham gia tích cực hơn trong các phong trào hội cũng như hoạt động của địa phương.
Đặc biệt, ngoài sự hỗ trợ, giúp đỡ của các hội viên, tổ chức Hội các cấp, các hội viên khó khăn, khuyết tật được tiếp cận nguồn vốn vay các nguồn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua Hội liên hiệp phụ nữ các xã.
Bị tật một chân sau trận sốt ác tính từ nhỏ, cuộc sống của chị Lương Thúy Kiều (34 tuổi, trú bản Cành Tong, xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương) hết sức khó khăn. Vì đi lại khó khăn nên nguồn thu nhập chính của hai mẹ con chị dựa vào quán tạp hóa nhỏ do mẹ chị Kiều để lại.
Năm 2020, chị Kiều được xét vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội thông qua Hội liên hiệp phụ nữ xã. Từ nguồn vốn vay phát triển kinh tế, chị Kiều dành 17,5 triệu đồng mua một cặp bò chăn nuôi, số còn lại sửa sang hàng quán, mở rộng quy mô, đa dạng các loại hàng hóa để bán.
Nguồn vốn phát huy hiệu quả, giúp người mẹ đơn thân này đủ trang trải cho cuộc sống, chăm lo cho cậu con trai 8 tuổi học hành. Với điều kiện của bản thân, chị Kiều khó có thể tích lũy được số tiền lớn để phát triển kinh tế. Bởi vậy, khi được vay 50 triệu đồng, chị rất mừng nhưng cũng rất lo. Chị mạnh dạn đề xuất trả góp theo tháng, cứ mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Đến thời điểm này, chị Kiều đã trả được 36 triệu đồng tiền gốc, số còn lại sẽ thanh toán hết trong năm nay.
Được ra huyện dự buổi lễ tuyên dương, chị Kiều rất phấn khởi. “Hôm đi gấp quá, tôi không kịp thông báo với ai. Khi về, tôi khoe với bố, bố xúc động quá mà khóc. Tôi hiểu bố khóc là vì rất vui, là vì đứa con gái vốn chịu nhiều thiệt thòi của mình đã trưởng thành, đủ sức lo cho bản thân và chăm sóc con. Bố vui vì những nỗ lực của con gái đã được cộng đồng ghi nhận”, chị Kiều xúc động.
Với chị Pịt Thị Mơ, chị Lương Thúy Kiều hay những người phụ nữ khuyết tật ở huyện biên giới Tương Dương, đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của bản thân, mà cao hơn nữa là họ đã có thêm điểm tựa về tinh thần để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Ảnh: Kim Tuyến
Thiết kế: Patrix Nguyễn