Động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Vui mừng, phấn khởi khi Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ ủng hộ cao, PGS.TS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội đánh giá, Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức được thông qua thực sự là tin vui lớn với người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Bởi dự án Luật lần này có nhiều điểm mở, mang tính đột phá quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội, cũng như sự phát triển chung của cả nước. Trong đó, điểm sáng chính là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.
Theo đó, UBND TP Hà Nội cho phép thử nghiệm có kiểm soát dưới hình thức cấp phép có thời hạn đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện; hoặc cấp phép có thời hạn và miễn trừ áp dụng một số quy định của pháp luật trong phạm vi giới hạn thử nghiệm đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh đã có quy định của pháp luật, nhưng không đủ cụ thể, hoặc không còn phù hợp trong phạm vi giới hạn được xác định phù hợp với đánh giá về mức độ rủi ro và khả năng kiểm soát của UBND TP.
PGS.TS Bùi Thị An cho biết, việc cho phép thử nghiệm có kiểm soát là một chính sách vô cùng quan trọng. Bởi, thực tế, đổi mới sáng tạo luôn đi kèm theo rủi ro. Trong nghiên cứu khoa học, ranh giới giữa thành công và thất bại rất mong manh. Chính vì thế, nhiều cá nhân, tổ chức, nhà khoa học… chưa thực sự có động lực dấn thân vào thử nghiệm nghiên cứu sản phẩm, giải pháp mới. Vô hình chung, sự an toàn đã triệt tiêu tính sáng tạo trong xã hội. Nếu xã hội không cho thử nghiệm thì không thể nào có cái mới, đột phá được. Vì thế, nếu chấp nhận có sáng tạo, có đổi mới, phải chấp nhận rủi ro thì nhà khoa học mới mạnh dạn vào cuộc.
“Luật Thủ đô được thông qua, đã tháo gỡ được điểm nghẽn trong nghiên cứu khoa học, cho phép thử nghiệm có giám sát của cơ quan Nhà nước. Luật đã tạo động lực, điểm tựa cho nhà khoa học, để nhà khoa học dấn thân nghiên cứu, kích thích sự sáng tạo. Đây sẽ là bước tiến dài cho Thủ đô có điều kiện phát triển đột phá, tăng trưởng” – PGS.TS Bùi Thị An đánh giá.
Phát huy vai trò người đứng đầu
Theo quy định trong Luật, điều kiện cấp phép thử nghiệm có kiểm soát bao gồm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh có tính đổi mới sáng tạo có phạm vi ứng dụng, triển khai trên địa bàn TP Hà Nội, ưu tiên đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh triển khai trong phạm vi khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo của TP. Công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh có triển vọng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế – xã hội, ưu tiên trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của TP; không xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn và lợi ích xã hội.
Tổ chức, DN đề xuất thử nghiệm có phương án thử nghiệm, trong đó có đánh giá về các lợi ích và rủi ro đối với bên tham gia thử nghiệm, người dùng, các bên liên quan khác, đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính cạnh tranh của thị trường; cam kết trách nhiệm về sự an toàn của người dùng và bên có liên quan; các biện pháp kiểm soát rủi ro; cơ chế giải quyết khiếu nại của người dùng; phạm vi và các biện pháp bồi thường thiệt hạn; đồng thời cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh năng lực phù hợp với phương án thử nghiệm đã đề xuất;
Việc cấp phép và thực hiện thử nghiệm có kiểm soát phải tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng giữa các tổ chức, DN trong việc tham gia và thực hiện các quyền, nghĩa vụ trong quá trình thử nghiệm. Bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình thử nghiệm; người dùng phải được thông tin đầy đủ về tình trạng thử nghiệm, các rủi ro có thể phát sinh và các biện pháp bồi thường thiệt hại nếu có; có cơ chế tiếp nhận, đánh giá và xử lý công khai, kịp thời ý kiến phản hồi của tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm và người dùng trong quá trình thử nghiệm. Bảo đảm các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền lợi của người dùng, lợi ích của xã hội trong quá trình thử nghiệm.
Đặc biệt, tổ chức, DN thử nghiệm được miễn trách nhiệm pháp lý khi đã thực hiện đầy đủ nội dung quy định trong quy chế thử nghiệm có kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan Nhà nước, trừ trường hợp trong quá trình thử nghiệm đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro nhưng không kịp thời thông tin, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không tiến hành các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.
Đối với nhiệm vụ kiểm soát, cần chia thành từng giai đoạn. Từ khâu định hướng, lựa chọn đề tài, đến khâu chuẩn bị nhân lực, vật lực. Trong quá trình thử nghiệm có thể điều chỉnh lại cho đúng quỹ đạo – PGS.TS Bùi Thị An góp ý.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, để cơ chế này đạt hiệu quả cao nhất cho xã hội, cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Nếu thử nghiệm ồ ạt mà buông lỏng giám sát sẽ dẫn tới hậu quả lãng phí ngân sách. Và yếu tố quyết định sự thành công phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu cơ quan, tổ chức định hướng. Phải có người định hướng đúng thì thử nghiệm mới thành công. Nếu định hướng sai sẽ chọn thử nghiệm sai.
Căn cứ vào điều hướng, định hướng chung của đất nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cần căn cứ vào yêu cầu thực tế của đơn vị mình để chọn các sản phẩm nghiên cứu thử nghiệm cho phù hợp. Sàng lọc các đề tài kỹ trước khi thử nghiệm, giảm thiểu tối đa rủi ro. Đề tài nghiên cứu đi theo xu hướng của thế giới, nhưng phải phù hợp với thực tế Việt Nam, bởi khoa học vừa có lý thuyết, vừa có thực tiễn rất cao.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/diem-tua-cho-nha-khoa-hoc-dan-than-nghien-cuu-sang-tao.html