Nhiều bài viết cơ bản giống nhau
TPHCM đã hoàn tất chấm thi môn ngữ văn, môn thi tự luận duy nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Cùng với dự đoán của nhiều chuyên gia, điểm thi được đánh giá sẽ không cao như kỳ vọng của nhiều thí sinh.
Một giám khảo chấm thi cho biết đã ghi nhận mức điểm cao nhất là 9,25 điểm, thấp nhất là 1,5 điểm. Cùng với đó, rất ít thí sinh đạt điểm dưới trung bình, song mức điểm 8, 9 năm nay hiếm hơn năm ngoái. Mức điểm phổ biến học sinh thường đạt từ 6-7 điểm.
“So với năm ngoái, số điểm cao không nhiều dù thí sinh rất hớn hở vì “trúng tủ”. Kết quả bài làm không khả quan”, giám khảo này nhấn mạnh.
Phân tích về lý do thí sinh không đạt điểm cao, giám khảo này cho biết nhiều bạn mất điểm ở câu đọc hiểu – nội dung tưởng chừng dễ “ăn điểm” nhất. Lỗi xảy ra ở việc thí sinh trả lời thừa/thiếu quá nhiều, không đúng trong đoạn trích…
Với câu nghị luận xã hội bàn về vấn đề “ý nghĩa của tôn trọng cá tính”, giám khảo này cho hay, nhiều thí sinh hiểu sai đề, không bàn về ý nghĩa của việc “tôn trọng cá tính” mà bàn về “tôn trọng cá tính” một cách chung chung. Nhiều em còn lạc đề sang “tôn trọng giới tính”. Do vậy đây cũng là câu mà khá nhiều học sinh bị mất điểm.
Câu bị mất điểm nhiều nhất là nghị luận văn học với bài thơ “Đất nước” dù học sinh cho là “trúng tủ”. Điều này đến từ lý do đề dài, khổ thơ trong đề có 18 câu nhưng các em phân bố thời gian không hợp lý nên không hoàn thành được 9 câu sau và phần kết bài.
“Rất nhiều bạn không tạo dựng được luận điểm mà sa đà vào phân tích dàn trải. Đặc biệt là nhiều em chưa đọc hết đề nên không thực hiện được lệnh phụ của đề, không hoàn thành bố cục bài làm… Đề thi có 2 vế, từ phân tích đoạn thơ, đề yêu cầu nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của nhà thơ… song, nhiều em quên vế thứ 2”, vị này cho hay.
Một giám khảo khác cũng nhận định tương tự và cho rằng nhiều thí sinh mắc lỗi học văn mẫu, kỹ năng làm bài yếu.
“Có nhiều bài viết cơ bản giống nhau từ lý luận văn học đến liên hệ thực tế… vì các bạn học cùng một bài văn mẫu hoặc học chung tại một lò luyện thi. Vì thế, sự sáng tạo của thí sinh không cao, rơi vào lối mòn học vẹt, học thuộc lòng”, giám khảo này chia sẻ.
Các giám khảo cho biết với cách thức học, ra đề và chấm thi theo xu hướng mới, thí sinh cần có kỹ năng làm bài, tư duy riêng, phân bổ thời gian, đọc hết các yêu cầu của đề.
“Không có kỹ năng làm bài thì dù có trúng tủ” tác phẩm văn học nhưng chưa chắc đạt điểm cao. Thí sinh cần nắm vững hệ thống thể loại, đặc trưng của thể loại, có kỹ năng làm bài thay vì chỉ học thuộc”, giám khảo này chia sẻ.
Ghi nhận một bài thi 9,75 điểm
Một cán bộ chấm thi tại Thái Nguyên cho biết đã ghi nhận một bài thi môn ngữ văn đạt 9,75 ở hai lượt chấm đầu. Song, bài thi này sẽ được chấm kiểm tra, do đó, kết quả cuối cùng sẽ căn cứ vào lượt chấm kiểm tra.
Giám khảo này cho biết cũng có không ít thí sinh đạt từ 8 đến 9,25 điểm vì nhiều bạn có “chất”, viết bài rất tốt, có ý tưởng riêng. Song, cũng có những thí sinh đạt điểm thấp do viết được quá ít, chưa có phương pháp làm bài.
Vị này bật mí nhiều bạn chưa hiểu rõ đề, đặc biệt bị nhầm lẫn ở câu “ý nghĩa của tôn trọng cá tính” sang nói về giới sinh, sống theo phong cách riêng.
“Tinh thần chấm công khai, khách quan, không thiệt cho học sinh, trân trọng ý tưởng mới, không áp đặt tư tưởng hay hiểu biết chủ quan của giáo viên lên bài làm của học sinh. Thí sinh dù có trúng tủ nhưng không biết phương pháp làm bài vẫn có thể đạt điểm không cao”, giám khảo này cho hay.
Dự báo về điểm thi sẽ không cao như kỳ vọng của thí sinh cũng được nhiều chuyên gia đưa ra. Nhận định ngay sau khi kết thúc môn thi ngữ văn, cô giáo Dương Thị Thanh Thủy, tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp, Hà Nội dự báo học sinh giỏi mới đạt được từ 8 điểm trở lên bởi độ khó và tính phân loại của đề cao hơn so với năm 2023.
Các câu hỏi phần đọc hiểu trong đề thi yêu cầu học sinh không chỉ nhận diện, trích lọc thông tin mà còn phải chỉ rõ được tác dụng của việc liên tưởng, tìm ra bài học vận dụng vào đời sống cho bản thân. Việc này đặt ra thách thức đối với học sinh không chỉ về khả năng đọc hiểu mà còn về khả năng suy nghĩ logic, phân tích và tư duy sâu.
Phần nghị luận văn học bài thi “Đất Nước” đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm, thành thạo kỹ năng phân tích đoạn trích thơ, mà còn phải thực sự hiểu sâu nội dung tư tưởng của tác phẩm mà tác giả gửi gắm.
Cùng chung dự đoán, cô Nguyễn Thị Quỳnh Anh, giáo viên môn ngữ văn tại Tuyensinh247 nêu nhận xét học sinh trung bình có thể giải quyết được 5-6 điểm, học sinh khá có thể đạt được 7 điểm, mức 8,5 điểm trở lên có thể phân loại rõ ràng đối tượng học sinh giỏi.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/diem-thi-ngu-van-tot-nghiep-thpt-2024-trung-tu-nhung-diem-giam-20240709144750845.htm