Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em là những nội dung trọng tâm của dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Mô hình Tổ hợp tác Chè xanh Đá Trắng, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ là một mô hình kinh tế cho thấy phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Chuyển hướng kinh doanh cá thể sang Tổ hợp tác
Chị Đặng Thị Bình, người “thuyền trưởng” của Tổ hợp tác Chè xanh Đá Trắng, xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ là người dân tộc Mường, chia sẻ, trước đây, do kinh tế gia đình rất khó khăn nên bản thân không thể tiếp tục theo học đại học. Năm 1991 chị kết hôn và làm dâu “Đá Trắng”, hai vợ chồng sống bằng nghề nông nghiệp.
Khi thấy người dân trồng chè chủ yếu bán chè tươi, thâm canh theo mô hình cá thể, mạnh ai nhà nấy bán. Ít ai quan tâm đến việc làm chè thành phẩm hay quảng bá sản phẩm để được giá cao hơn, đẩy mạnh thương hiệu chè bản địa. Điều đó khiến cho điều kiện kinh tế của chị em địa phương bấp bênh.
Từ trăn trở, suy nghĩ phải làm sao để chính kinh tế của gia đình phát triển và giúp đỡ được chị em trên địa bàn có thu nhập ổn định hơn, chị Bình đã cùng với chồng và gia đình lên kế hoạch đầu tư cho việc làm kinh tế từ chè. “Vì chè là cây có nguồn gốc lâu năm, nổi tiếng của mảnh đất Phú Thọ, nhất định phải làm giàu từ chè và đưa tên tuổi chè Phú Thọ nổi tiếng hơn nữa ” – Chị Bình bộc bạch.
Sau nhiều thử thách, thăng trầm, mô hình Tổ hợp tác Chè xanh Đá Trắng ra đời với 11 hội viên, do chị Bình làm Tổ trưởng. Mọi người làm việc đều mỗi ngày, có thu nhập trung bình từ 4-5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt hơn, các thành viên trong tổ đều là người dân tộc thiểu số, ngoài làm chè còn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Từ mô hình Tổ hợp tác, chị em thấy được giá trị của làm việc tập thể và có cái nhìn xa hơn về chiến lược kinh doanh, phát triển sản phẩm của quê hương, các hội viên nhận ra bản thân mình có thể làm được nhiều hơn so với lối đi truyền thống. Các chị em đều rất chủ động trong sản xuất và kinh doanh, quảng bá sản phẩm. Đa số đều có thể dùng mạng xã hội để chia sẻ sản phẩm đến người tiêu dùng.
Tổ hợp tác hoạt động theo mô hình thu mua chè của các hộ dân trong khu và các khu lân cận về chế biến thành sản phẩm chè khô, đăng ký nhãn mác, thương hiệu. Thay vì dùng túi bóng rồi bán theo lạng, theo cân như chị em vẫn thường làm thì sản phẩm được đóng gói hút chân không.
Hiện nay sản phẩm chè xanh Lương Sơn đã được cấp giấy chứng nhận đạt sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023.
Cùng chị em phát triển đưa danh tiếng đặc sản địa phương vươn xa
Thời gian qua, chị Bình cùng nhiều hội viên phụ nữ được Hội LHPN xã Lương Sơn cho tham gia các lớp tập huấn kỹ năng làm kinh tế, tuyên truyền về Dự án 8 và hướng dẫn thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả. Lúc đó chị và Tổ hợp tác đã có thêm nhiều thông tin, kiến thức làm kinh tế chủ động hơn chứ không chỉ dựa vào những thứ sẵn có.
Cùng với đó, chị mơ ước có thể tạo ra thương hiệu sản phẩm chất lượng cao hơn nữa cho địa phương và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thật nhiều hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn.
Chị Bình chia sẻ: “Ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Hội LHPN xã, Tổ hợp tác còn được Hội LHPN huyện Yên Lập hỗ trợ đăng ký mã vạch, bao bì, nhãn mác, tập huấn về chăm sóc cây chè, nâng cao năng lực cho 3 thành viên Ban quản lý Tổ hợp tác”.
Có thể thấy, mô hình Tổ hợp tác Chè xanh Đá Trắng đã giúp cho hội viên và người dân phát triển kinh tế, đi lên từ cây chè, tạo việc làm và thu nhập ổn định, nhằm xóa đói giảm nghèo, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền xã Lương Sơn xây dựng nông thôn mới.
Đi qua giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”, với sự phối hợp chặt chẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực thi Dự án 8 từ huyện đến xã, Hội LHPN xã Lương Sơn đã nỗ lực, quyết tâm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em, trong đó có những mô hình mang lại thu nhập bền vững cho chị em phụ nữ.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/diem-sang-tu-mo-hinh-to-hop-tac-che-xanh-20240523102712561.htm