Trong bối cảnh mặt bằng chung các ngành kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, lĩnh vực du lịch-dịch vụ vẫn đạt kết quả vượt bậc, lượng khách lưu trú tăng 24%, doanh thu lưu trú tăng 15,87%.
Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội quý I/2023 tại hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sáng 10/4, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh vẫn phát triển ổn định.
|
|
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy báo cáo tỉnh hình kinh tế-xã hội quý I/2023. |
Tổng lượt khách lưu trú tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, khách quốc tế tăng 42,24%. Doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 15,87%; doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 98,76%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,03%; ngư nghiệp tăng 3,22% so với cùng kỳ. Các dự án trọng điểm tiếp tục được quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy, nhất là dự án giao thông kết nối hạ tầng.
Công tác cải cách hành chính triển khai có hiệu quả, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Văn hóa – xã hội chuyển biến tiến bộ, giáo dục đạt kết quả khá, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đời sống của Nhân dân ổn định. Quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng thực hiện.
Một đoàn khách du lịch đến từ Bình Dương chơi teambuilding tại Seava Hồ Tràm. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội quý I/2023 vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, có 19/45 chỉ tiêu đạt thấp. Các ngành kinh tế của tỉnh có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Khu vực công nghiệp xây dựng giảm 7,28%.
Nguyên nhân là do sản lượng khai thác dầu khí giảm 9,96%, dịch vụ thăm dò dầu khí giảm mạnh 95,87%, thép và các sản phẩm từ thép giảm 5%, sản xuất và phân phối điện giảm 6,73% so với cùng kỳ năm 2022, thị trường bất động sản trầm lắng, xuất – nhập khẩu khó khăn, công tác triển khai các dự án và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm… Những yếu tố này đã tác động đến tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I giảm 4,75% so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo hoạt động kinh tế thời gian tới tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, lạm phát thế giới vẫn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, giá thành nguyên vật liệu vẫn ở mức cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết năm 2023 đề ra, hội nghị cũng đề ra các giải pháp trọng tâm: Tập trung tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai các giải pháp khuyến khích thị trường trong tỉnh phát triển hơn nữa, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo sinh kế cho người dân; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển…
Tin, ảnh: ĐĂNG KHOA