Kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2013, quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục đã không ngừng phát triển, đưa lĩnh vực này trở thành điểm sáng mới trong mối quan hệ giữa hai nước.
Một tiết học Chương trình Tiếng anh tăng cường tại trường THPT Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ảnh: TTXVN phát
Theo Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã tích cực triển khai một số chương trình hỗ trợ Việt Nam trong giảng dạy tiếng Anh và nâng cao chất lượng giáo dục.
Cụ thể, tháng 7/2020, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ đã ký kết Hiệp định thực thi về giảng dạy tiếng Anh của Chương trình Hoà Bình. Chương trình này đã chính thức triển khai từ tháng 10/2021, với mục tiêu giúp học sinh Việt Nam phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cần thiết để có thể tiếp cận các cơ hội học tập và việc làm.
Trong Chương trình Hoà Bình, các tình nguyện viên sẽ tới các trường học ở vùng nông thôn để nâng cao trình độ tiếng Anh cho giáo viên giảng dạy tiếng Anh, đồng thời tăng cường năng lực sử dụng tiếng Anh nói chung và nâng cao thành tích tiếng Anh của học sinh, đặc biệt là kỹ năng nói, nghe hiểu, đọc hiểu. Cho đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 9 tình nguyện viên giảng dạy tiếng Anh tại 9 trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội.
Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Văn phòng Peace Corps đang tiếp tục triển khai việc tiếp nhận tình nguyện viên cho năm học 2023–2024, dự kiến sẽ đến vào tháng 10/2023.
Sau Chương trình Hoà Bình, vào tháng 9/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) đã ký kết Bản ghi nhớ về chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh và năng lực công tác khảo thí cho hệ thống giáo dục Việt Nam.
Cùng với việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao trình độ tiếng Anh cho giáo viên và học sinh, thời gian qua, Hoa Kỳ cũng hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Chính phủ Hoa Kỳ đã dành cho Việt Nam hàng trăm suất học bổng đại học và sau đại học thông qua quỹ VEF, hỗ trợ nâng cao năng lực tiếng Anh thông qua các chương trình Fellowship và Fulbright, và hỗ trợ tăng cường năng lực giáo dục đại học thông qua các dự án BUILT-IT, FURTHER do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Đáng chú ý, tháng 9/2022, USAID đã ký bản ghi nhớ với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hỗ trợ phát triển nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, đây là minh chứng rõ ràng cho những cam kết nhằm phát triển giáo dục và trao đổi hợp tác giữa hai nước về phát triển giáo dục đại học, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác giữa các cơ sở giáo dục hai nước cũng phát triển hết sức mạnh mẽ, đặc biệt ở cấp độ đại học và sau đại học. Hiện có khoảng 50 trên tổng số hơn 400 chương trình liên kết đào tạo đang hoạt động giữa cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và của Hoa Kỳ, chủ yếu là chương trình đào tạo trình độ đại học (khoảng 655 người) và trình độ thạc sĩ (khoảng 70 người). Các ngành nghề đạo tạo chủ yếu là kỹ thuật công nghệ, máy tính và kinh tế.
Ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam chọn Hoa Kỳ làm điểm đến để du học. Ảnh minh họa: TTXVN
Mặt khác, số lượng các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Hiện tại, có 7 cơ sở như vậy ở Việt Nam, trong đó có 6 cơ sở giáo dục phổ thông và 1 cơ sở giáo dục đại học. Đáng chú ý, Đại học Fullbright Việt Nam (FUV), được thành lập tháng 5/2016, là cơ sở giáo dục đại học 100% vốn đầu tư Hoa Kỳ hoạt động không vì lợi nhuận. Trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững được phát hành sau cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Hà Nội hồi giữa tháng 9/2023, các nhà lãnh đạo hai nước “hoan nghênh hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) và việc FUV ngày càng phát huy được vai trò là một trung tâm của khu vực về đào tạo chính sách công”.
Ngoài ra, sự phát triển trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ còn thể hiện ở việc ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn Hoa Kỳ là điểm đến. Hiện có gần 30.000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Hoa Kỳ theo diện tự túc kinh phí và các chương trình học bổng. Ở chiều ngược lại, trong 5 năm gần đây, trung bình có từ 10 đến 20 sinh viên của Hoa Kỳ sang Việt Nam học tập về tiếng Việt và Việt Nam học./.
Thu Vân