Một số trường như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Trường ĐH Dầu khí Việt Nam (Bà Rịa – Vũng Tàu), Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, Trường ĐH Tài chính – Kế toán (Quảng Ngãi)… có nhiều ngành dù lấy điểm sàn xét tuyển là 15, song bao gồm điểm ưu tiên khu vực, đối tượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên với điểm thi chưa đầy 5 điểm mỗi môn, thí sinh vẫn đủ điều kiện nộp hồ sơ.
Trên thực tế, điểm sàn này không gây sốc với nhiều người, vì trước đó nhiều trường ĐH đã công bố điểm chuẩn học bạ THPT năm 2024 chỉ từ 15 điểm/tổ hợp. Đơn cử, Trường ĐH Hòa Bình lấy điểm chuẩn xét học bạ từ 15 – 17 điểm cho các ngành, trừ khối ngành Sức khỏe. Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin theo phương thức xét học bạ THPT năm 2024 của Trường ĐH Quảng Bình chỉ ở mức 16 điểm.
Trường ĐH Gia Định có điểm chuẩn 16,5 cho tất cả các ngành theo phương thức xét học bạ THPT. Trường ĐH Kinh tế – Kỹ thuật Bình Dương chỉ từ 15 – 22 điểm, ngoại trừ khối ngành Sức khỏe. Trong đó, điểm xét tuyển này đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng nếu có. Với thí sinh có điểm ưu tiên, điểm học bạ thấp hơn 5 điểm/môn cũng có thể trúng tuyển ĐH.
Nhìn lại, năm 2023, hàng loạt trường ĐH công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 ở mức 15 điểm/tổ hợp cho một số ngành như ĐH Kỹ thuật công nghiệp, ĐH Nông lâm, ĐH Khoa học, Khoa Quốc tế (ĐH Thái Nguyên), ĐH Kiến trúc TPHCM, ĐH Y Dược Thái Bình, ĐH Hạ Long, ĐH Đồng Nai, Học viện Phụ nữ Việt Nam…
Đáng chú ý, mức điểm chuẩn thấp nhất năm 2023 theo điểm thi tốt nghiệp THPT là 14 điểm, được Trường ĐH Thành Đông áp dụng với 19/25 ngành. Ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện Quốc tế lấy 14,01 điểm, áp dụng với thí sinh nam, đây cũng là mức điểm chuẩn thấp nhất năm 2023 trong các ngành thuộc khối trường Công an.
Nhìn từ sự chênh lệch giữa điểm chuẩn của các trường và các ngành trong cùng một trường cho thấy mức độ quan tâm của thí sinh đối với các chương trình đào tạo cũng như độ hot của từng ngành, từng trường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo lắng đào tạo bậc ĐH có những yêu cầu cơ bản. Sinh viên trình độ ĐH nhưng đầu vào thấp quá như vậy thì rất khó để đạt chuẩn đầu ra. Cụ thể, khung trình độ bậc 6 (bậc ĐH) đòi hỏi cá nhân có năng lực học tập tốt, đặc biệt là khả năng tự học, tự nghiên cứu khác với bậc phổ thông nhưng với chất lượng đầu vào chỉ chưa đến 5 điểm/môn, dù là xét tuyển theo điểm học bạ hay điểm thi tốt nghiệp THPT thì cũng khó để đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Hiện nay các trường ĐH đều tự chủ tuyển sinh, bên cạnh đó số lượng chỉ tiêu tuyển sinh rất nhiều nên mới có tình trạng 15 điểm/3 môn đã đỗ ĐH. Vấn đề ở đây là các thí sinh có chọn học ngành đó, trường đó hay không? Mặc dù sau khi tốt nghiệp đại học, tham gia vào thị trường lao động, xã hội sẽ tự đào thải những người không đủ năng lực dù có bằng cấp cao đến đâu. Tuy nhiên, nếu chờ đến lúc ấy đã là quá muộn vì người học đã bỏ thời gian, chi phí đào tạo để hoàn thành tấm bằng đó, trong khi học phí ĐH hiện nay khá cao so với đời sống thu nhập của nhiều gia đình.
Vì vậy, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, các cơ quan quản lý phải phải có trách nhiệm đưa ra ngưỡng điểm để các trường chọn được người học có chất lượng, đồng thời phải đào tạo ra những cử nhân, kỹ sư chất lượng. Không thể vì để đủ chỉ tiêu mà tuyển sinh bất chấp chất lượng. Đây cũng đồng thời là trách nhiệm xã hội của các trường ĐH. Việc đào tạo tốn chi phí, người học ra trường không có khả năng hành nghề là không thể hiện trách nhiệm xã hội của một cơ sở đào tạo ĐH.
Từ phía nhà trường phổ thông, công tác hướng nghiệp cho học sinh cũng cần được chú trọng để người học có nhận thức đúng và lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân và gia đình. Chẳng hạn, với mức điểm 14 – 15, các em có thể học hệ cao đẳng với chi phí hợp lý, cơ hội việc làm rộng mở và cơ hội liên thông cũng nhiều dành cho những sinh viên muốn tiếp tục trau dồi ở bậc học cao hơn.
Nguồn: https://daidoanket.vn/diem-san-thap-diem-chuan-kho-cao-10286915.html