Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa là một trong những dự án thành phần quan trọng thuộc công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).
Được đặt tại xã Thiệu Tiến và xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa nằm ở khoảng giữa của toàn tuyến công trình đường dây 500kV Quảng Trạch-Phố Nối và đóng vai trò là điểm nút kết nối với dự án lưới điện 500kV mạch 3 kéo dài từ Quảng Bình ra đến Hưng Yên.
Toàn cảnh Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa. |
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.444 tỷ đồng do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền trung (CPMB) được giao quản lý, điều hành dự án, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 thiết kế xây dựng, Công ty Truyền tải điện 1 tiếp nhận vận hành.
Cận cảnh các máy biến áp và thiết bị chính. |
Trạm biến áp được xây dựng với quy mô lớn và trang thiết bị hiện đại, với quy mô gồm 3 máy biến áp 500/220/35kV công suất mỗi máy biến áp là 600MVA, giai đoạn hiện tại lắp đặt 2 máy biến áp 600MVA.
Công trình này được thiết kế để xử lý lượng điện năng lớn, giúp cải thiện đáng kể hiệu suất và độ tin cậy của lưới điện. Việc hoàn thiện trạm biến áp đánh dấu bước quan trọng trong việc mở rộng và nâng cấp mạng lưới truyền tải điện năng quốc gia.
Công trình đã đóng điện vào ngày 28/6 vừa qua cùng các đường dây đấu nối và sẽ chính thức khánh thành vào ngày mai.
Thiết bị điện phía 500kV và 220kV đã được lắp đặt và đi vào vận hành. |
Trong đó, phía 500kV lắp đặt thiết kế 10 ngăn lộ bao gồm 7 ngăn lộ đường dây, 3 ngăn lộ máy biến áp và dự phòng vị trí cho ngăn phân đoạn thanh cái. Phía 220kV thiết kế theo sơ đồ 2 thanh cái có thanh cái đường vòng, quy mô đầy đủ gồm 21 ngăn. |
Phần đường dây đấu nối 220kV, xây dựng mới 1 tuyến đường dây 4 mạch dài khoảng 7,5km từ Trạm biến áp 500kV Thanh Hóa đến điểm đấu nối trên các đường dây 220kV Nông Cống-Thanh Hóa. |
Theo ông Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền trung, trong quá trình triển khai, dự án gặp một số thách thức khi bàn giao mặt bằng là đầm lầy lớn, vì vậy khối lượng san gạt gần 459 nghìn m3, thời gian thi công gấp, thời tiết mưa nắng thất thường.
Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa, mặt bằng đã sớm được bàn giao, những vướng mắc được giải quyết để các đơn vị tổ chức thi công.
Các kỹ sư và công nhân làm việc “3 ca, 4 kíp” trên công trường để bảo đảm mọi công đoạn cuối cùng được hoàn thiện đúng tiến độ và chất lượng. |
Với khối lượng lớn công việc mà vẫn bảo đảm tiến độ, đơn vị thi công phải triển khai đồng thời song song tất cả các hạng mục.
Đến thời điểm hiện nay, toàn bộ dự án đã hoàn thành và đóng điện cách đây 2 tháng.
Đối với phần không liên quan đến điện, đơn vị thi công vẫn đang hoàn thiện các khâu cuối cùng, bảo đảm cho công tác khánh thành tổ chức vào ngày mai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. |
Được thi công và hoàn thành trong chỉ 5 tháng 10 ngày (thi công từ ngày 18/1/2024), việc xây dựng Trạm biến áp 500kV Thanh Hoá đã cho thấy quyết tâm cao, nỗ lực lớn của EVN và EVNNPT trên công trường.
Để hoàn thành đúng tiến độ, trên công trường luôn có đông đảo cán bộ, kỹ sư và công nhân tham gia, với sự chuyên nghiệp và nỗ lực lớn để góp phần vào thành công của dự án.
Trạm biến áp không chỉ được xây dựng với các thiết bị hiện đại mà còn được thiết kế để hòa hợp với cảnh quan chung quanh. Cơ sở hạ tầng chung quanh trạm được chăm sóc để bảo đảm môi trường làm việc và sinh hoạt thuận lợi cho các cán bộ, công nhân vận hành. |
Việc hoàn thành dự án giúp tăng cường khả năng cung cấp điện cho phụ tải tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ, truyền tải công suất phát ra từ các nguồn điện trong khu vực vào hệ thống điện quốc gia thông qua lưới điện đồng bộ 220kV và 500kV, đồng thời nâng cao độ tin cậy hệ thống, tăng khả năng cung cấp nguồn điện 500kV, 220kV, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cho khu vực.
Nguồn: https://nhandan.vn/anh-can-canh-tram-bien-ap-500kv-hon-14-nghin-ty-dong-o-thanh-hoa-truoc-ngay-khanh-thanh-post827260.html