Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nông Cống theo hướng phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa khai thác các tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phát triển vùng. Phát triển kinh tế – xã hội của huyện Nông Cống phù hợp với các kế hoạch, chương trình, quy hoạch kinh tế – xã hội của tỉnh; đồng thời, gắn với nâng cao chất lượng văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, nâng cao đời sống của Nhân dân trong huyện.
Công nhân Công ty CP May xuất nhập khẩu Vạn Lợi (Nông Cống) trong ca sản xuất.
Theo quy hoạch, dự báo đến năm 2030, huyện Nông Cống sẽ hình thành 5 đô thị, gồm thị trấn Nông Cống, đô thị Cầu Quan, đô thị Trường Sơn (mở rộng), đô thị Yên Mỹ, đô thị Cầu Trầu. Sau năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt tối thiểu 43% và huyện Nông Cống đạt tiêu chí cấp thị xã. Đối với các vùng nông thôn, động lực chủ yếu để phát triển các khu dân cư nông thôn là phát triển tiểu thủ công nghiệp và nông – lâm nghiệp, xây dựng các trung tâm cụm xã, các điểm dân cư nông thôn để vừa khai thác các tiềm năng sẵn có, vừa tạo động lực mới, làm điểm tựa phát triển kinh tế, trung tâm thương mại – dịch vụ, giáo dục, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội cho khu vực nông thôn.
Định hướng phân vùng phát triển không gian công nghiệp, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ cả trong và ngoài các cụm công nghiệp (CCN) hiện có. Phát triển mới 2 khu công nghiệp, đó là Khu Công nghiệp Công Chính, diện tích khoảng 300 ha; Khu Công nghiệp Nông Cống, diện tích khoảng 450 ha. Mở rộng quy mô 3 CCN hiện có, quy hoạch bổ sung thêm 7 CCN mới (đến năm 2030), bổ sung thêm 2 CCN giai đoạn 2030-2045, nâng tổng số CCN trên địa bàn huyện lên 12 cụm. Các CCN hiện có trong quy hoạch, CCN thị trấn Nông Cống, nâng quy mô từ 40 ha lên 60 ha, ngành nghề hoạt động chế biến nông, lâm sản, cơ khí, điện tử, viễn thông, may mặc, giày da… CCN Hoàng Sơn, quy mô 40 ha, ngành nghề hoạt động các dự án điện, điện tử, viễn thông, điện lạnh; công nghiệp dệt và may mặc, giày da, chế biến thực phẩm, nước giải khát; chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, các sản phẩm kim loại, linh phụ kiện… CCN Tượng Lĩnh, quy mô 50 ha, ngành nghề hoạt động cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, sản xuất cơ khí, chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng, thuốc tân dược, sản xuất phân bón, may mặc, giày da, các dự án điện, điện tử, viễn thông, điện lạnh và các ngành nghề khác có liên quan. Quy hoạch 9 CCN mới, đó là CCN Thăng Long, quy mô khoảng 30 ha; CCN Vạn Thiện, quy mô 50 ha; CCN Cầu Quan, quy mô giai đoạn đầu khoảng 60 ha, dự kiến đến năm 2045 là 75 ha; CCN Tế Nông, quy mô 40 ha; CCN Công Liêm, quy mô 50 ha; CCN Vạn Thắng, quy mô 50 ha; CCN Tân Thọ, quy mô 50 ha; CCN Tân Khang, quy mô 75 ha; CCN Tân Phúc, quy mô 75 ha. Đồng thời, phát triển cụm làng nghề truyền thống miến gạo Thăng Long, mở rộng từ 5 ha lên 10 ha; cụm làng nghề truyền thống Nón lá Trường Giang, quy mô khoảng 10 ha; cụm làng nghề truyền thống Hương Bài, quy mô khoảng 10 ha; cụm làng nghề truyền thống Mộc Thăng Thọ, quy mô khoảng 10 ha.
Định hướng phân vùng phát triển không gian du lịch và bảo vệ cảnh quan môi trường, tận dụng ưu thế lớn là vùng địa linh nhân kiệt, truyền thống văn hóa, có nhiều di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, danh lam thắng cảnh đặc trưng, đặc biệt là văn hóa tâm linh, thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch và xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các loại hình như du lịch tâm linh, tham quan thắng cảnh, nghỉ dưỡng tại các vùng có cảnh quan đẹp như vùng Ngàn Nưa, hồ Yên Mỹ. Đưa du lịch trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế. Tập trung huy động các nguồn lực, làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo, phục dựng các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, khuyến khích phát triển mạnh các loại hình dịch vụ du lịch, xây dựng các điểm du lịch trên địa bàn huyện gắn với hệ thống các tuyến du lịch của tỉnh và khu vực. Đầu tư phát huy giá trị các công trình di tích lịch sử, văn hóa tín ngưỡng để khai thác phục vụ phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Phát huy và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Khôi phục các tích trò cổ, đặc sắc trước đây, như cướp hệch, kéo ngựa, khảo rể… Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tập trung khu vực phía Nam, như Khu du lịch sinh thái hồ Yên Mỹ kết hợp với du lịch biển Nghi Sơn, hình thành các tour du lịch biển – hồ.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nông Cống cũng định hướng việc hình thành các cụm thương mại – dịch vụ tại khu vực có vị trí giao lưu thuận lợi, có thể kết nối với các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung hoặc gắn với các CCN, các khu du lịch, nghỉ dưỡng… Đối với trung tâm thương mại đầu mối chính của vùng, xây dựng tại thị trấn Nông Cống và đô thị Cầu Quan, có chức năng là trung tâm phát luồng hàng hóa và đầu mối các hoạt động thương mại – dịch vụ chính cho huyện; đồng thời, xây dựng trung tâm thương mại – dịch vụ cấp khu vực. Tiếp tục nâng cấp các chợ xã, xây dựng mới các chợ theo quy hoạch mạng lưới chợ đã được UBND tỉnh phê duyệt và hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống chợ trước năm 2025. Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống lên quy mô 500 giường. Dự kiến xây dựng 3 phòng khám đa khoa tại đô thị Cầu Quan, đô thị Trường Sơn và đô thị Yên Mỹ. Ổn định vị trí các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên như hiện nay và mở rộng, nâng cấp trường THPT đảm bảo tiêu chuẩn 40 học sinh/1.000 dân, 10m2/học sinh, quy mô trung bình tối thiểu đạt 3 ha/trường. Hệ thống giáo dục các cấp (THCS, trường tiểu học và trường mầm non), đối với các công trình hiện trạng được duy trì, nâng cấp, cải tạo; đồng thời, xây mới thêm ở các khu dân cư tập trung, khu đô thị mới bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn đô thị loại IV. Xây dựng mới trung tâm văn hóa của huyện tại thị trấn Nông Cống, với quy mô khoảng 1,5 ha, gồm công trình nhà bảo tàng, nhà truyền thống, nhà văn hóa thanh thiếu nhi. Trung tâm thể dục – thể thao cấp huyện, gồm 1 trung tâm tại thị trấn Nông Cống, bao gồm 1 sân vận động có đầy đủ các công trình phụ trợ theo quy định, tổng diện tích khoảng 10 ha.
Về định hướng phân vùng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, tiếp tục đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn, an toàn, ứng dụng hiện đại hóa trong nông nghiệp để phục vụ cho các thị trường lớn, như TP Thanh Hóa, Khu Kinh tế Nghi Sơn. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng cây, con có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật, hiện đại hóa trong nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng và thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng nông nghiệp (công trình thủy lợi, điện khu sản xuất, giao thông nội đồng…). Tập trung hình thành và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản tập trung gắn với chế biến, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm tiêu chuẩn của các sản phẩm, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, xây dựng một số thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp. Kết hợp phát triển nông nghiệp, các nông trại, các làng nghề với loại hình du lịch cộng đồng, dã ngoại. Định hướng đến năm 2030 hình thành các vùng sản xuất lớn, quy mô tập trung, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, bao gồm, vùng trồng lúa gạo, tại các xã Tân Phúc, Tế Thắng, Tế Lợi, Minh Nghĩa, Minh Khôi, Trường Sơn, Trường Trung, Trường Minh, Tượng Văn, Tượng Lĩnh, Thăng Bình. Vùng sản xuất lúa gạo gắn với làng nghề chế biến truyền thống, như miến gạo, sản xuất rượu, làm bánh, với diện tích 500 ha đến 600 ha, tại các xã Thăng Long, Công Liêm, Minh Khôi, Trường Sơn, Tượng Văn, Tế Thắng. Vùng chuyên sản xuất lúa giống tại chỗ, diện tích 250 ha đến 300 ha, tại các xã Thăng Long, Tượng Văn, Trường Sơn, Minh Nghĩa, Công Liêm, Trung Thành, Trường Giang. Vùng trồng rau an toàn, phát triển các xã Minh Khôi, Minh Nghĩa, Vạn Thắng, Thăng Long, Thăng Bình, Công Chính, Tượng Sơn, Tượng Lĩnh, quy mô khoảng 80 ha. Phát triển 5 khu chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo hình thức trang trại. Vùng nuôi tôm sú, tôm he chân trắng, diện tích 400 ha, tại các xã Trường Giang, Trường Trung, Tượng Văn, Tượng Lĩnh. Hình thành và phát triển vùng kinh doanh, trồng cây lâm nghiệp gỗ lớn khoảng 200 ha. tại các xã Tượng Sơn, Tượng Lĩnh.
Quy hoạch cũng định hướng đến năm 2045, hình thành được khung giao thông chiến lược trên địa bàn huyện Nông Cống. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn. Từng bước ứng dụng các công nghệ giao thông thông minh (ITS) theo các công nghệ mới, hiện đại trong việc quản lý, vận hành hệ thống giao thông. Định hướng đến năm 2045, cơ bản hoàn thành hệ thống mạng giao thông theo quy hoạch.
Bài và ảnh: Xuân Hùng