Điểm mặt những chiêu trò lừa đảo khiến nhiều người dùng sập bẫy trong năm 2024

0
0

Những chiêu trò lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi và khó lường đã khiến người dùng Việt Nam thiệt hại đến 18.900 tỉ đồng trong năm 2024.

Điểm mặt những chiêu trò lừa đảo khiến nhiều người dùng sập bẫy trong năm 2024 - Ảnh 1.

Lừa đảo trực tuyến hoành hành không gian mạng Việt Nam trong năm 2024 – Ảnh: WHITEHAT

Năm 2024 cũng chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của các chiêu trò lừa đảo, từ những phương thức truyền thống, nay được “nâng cấp” lên thành kịch bản mới tinh vi hơn.

Diễn đàn Cộng đồng an ninh mạng Việt Nam Whitehat vừa điểm lại những chiêu trò lừa đảo trực tuyến phổ biến khiến đông đảo người dùng sập bẫy trong năm 2024.

Lừa đảo ngân hàng, giả mạo shipper

Thứ nhất là chiêu trò giả mạo shipper và giao dịch trực tuyến. Đây là chiêu lừa đảo khiến các tín đồ mua sắm khi shipper fake thông báo đã giao hàng thành công. Sau đó, khách hàng được yêu cầu chuyển khoản thanh toán nhưng thực chất là để đánh cắp tiền, kèm theo đó là nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân.

Thứ hai là lừa đảo ngân hàng. Các website giả mạo ngân hàng lớn tại Việt Nam đã trở thành công cụ để lừa nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản. Không chỉ vậy, kẻ xấu còn sử dụng chiêu “chuyển nhầm tiền” để dẫn dụ nạn nhân sa vào các kịch bản tinh vi hơn, từ đó rút sạch tiền trong tài khoản.

Thứ ba là cơn ác mộng “trại hè kỹ năng” cho con. Nắm bắt nhu cầu phát triển kỹ năng cho trẻ, những kẻ lừa đảo tạo ra các website/fanpage “trại hè” giả để dụ phụ huynh chuyển tiền hoặc thực hiện các nhiệm vụ ảo. Kết quả, phụ huynh mất tiền oan mà con trẻ thì không hề nhận được lợi ích gì.

Lừa đảo đầu tư tài chính, vé ảo, visa ảo

Thứ tư là vé giả tại các concert và sự kiện lớn. Năm 2024 là năm bùng nổ các chương trình âm nhạc lớn và chất lượng, đồng thời cũng kéo theo tình trạng lừa đảo vé giả. Kẻ gian không chỉ bán vé trên các website fake mà còn lợi dụng mạng xã hội để thực hiện giao dịch “săn hộ vé” với giá cao bất hợp lý, khiến nhiều người sập bẫy.

Thứ năm là lừa đảo xuất khẩu lao động và visa “ảo”. Với chiêu trò hứa hẹn “cấp visa nhanh chóng” hay “xuất khẩu lao động không cần kiểm tra hồ sơ”, các tài khoản mạng xã hội giả mạo dụ dỗ nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân và chuyển khoản trước. Hậu quả là thông tin cá nhân người dùng bị đánh cắp, tiền mất mà visa hay cơ hội làm việc đều không thấy đâu.

Thứ sáu là tấn công tâm lý từ đầu tư tài chính đến hẹn hò online. Lợi dụng lòng tham hoặc sự thiếu thốn tình cảm, kẻ lừa đảo tung ra các chiêu trò như mời gọi đầu tư tài chính, tiền ảo với lợi nhuận “khủng” hay hẹn hò trực tuyến với những lời hứa ngọt ngào. Sau khi “rót mật vào tai” và dụ nạn nhân chuyển tiền, chúng biến mất không dấu vết, để lại sự ngỡ ngàng cho nạn nhân mà không biết kêu ai.



Nguồn: https://tuoitre.vn/diem-mat-nhung-chieu-tro-lua-dao-khien-nhieu-nguoi-dung-sap-bay-trong-nam-2024-20250101220211663.htm