Những cơn mưa đầu tháng 10.2023 càng làm cho diện mạo đường Lã Xuân Oai, Lò Lu (TP.Thủ Đức) trở nên nhem nhuốc, lởm chởm bởi những “ổ gà”, “ổ voi” chi chít, ẩn khuất dưới những vũng nước đục ngầu.
Cầu, đường “ngóng” mặt bằng
Dù đã có kế hoạch mở rộng đường để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nhưng dự án đang đứng hình vì công tác bồi thường vẫn giậm chân tại chỗ. Cụ thể, dự án nâng cấp, mở rộng đường Lã Xuân Oai đoạn từ ngã ba đường Lò Lu đến đường Nguyễn Duy Trinh (thuộc P.Trường Thạnh và Long Trường) được giao vốn bồi thường 190 tỉ đồng, còn đoạn từ D2 khu công nghệ cao đến Lê Văn Việt có vốn bồi thường 282 tỉ đồng (thuộc P.Tăng Nhơn Phú A và Tăng Nhơn Phú B) đều chưa giải ngân đồng nào. Vướng mắc của dự án này liên quan việc phân bổ quỹ nhà đất tái định cư và phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường.
Trên đường Lã Xuân Oai còn có dự án cầu Tăng Long khởi công cuối năm 2017, dự kiến hoàn thành năm 2019 nhưng được hơn 30% khối lượng cũng “đứng hình” vì vướng mặt bằng. Suốt 4 năm qua, người dân vẫn ngóng chờ ngày dự án khởi động trở lại nhưng địa phương chưa chốt thời điểm bàn giao mặt bằng. Trong khi chờ dự án, lựa chọn duy nhất của người dân là cây cầu sắt tạm thời.
Cũng trên địa bàn TP.Thủ Đức, đường Lò Lu dài khoảng 2,5 km nối từ đường Lã Xuân Oai đến đường Nguyễn Xiển đang chung cảnh ngộ mưa ngập lầy lội, còn nắng thì bụi bay mù mịt. Dù chỉ rộng 6 – 10 m nhưng đây là trục đường chính, hằng ngày phải “cõng” lượng lớn ô tô, xe tải đi qua. Trên đường Lò Lu có 2 cây cầu: cầu Lấp và cầu Chùm Chụp cũng chỉ rộng chừng 3 – 4 m, ô tô ở hai đầu cầu phải nhường một xe đi qua rồi mới tới lượt. Dự án mở rộng đường Lò Lu được giao vốn bồi thường 105 tỉ đồng (đoạn qua P.Trường Thạnh) nhưng đến giữa tháng 9.2023 vẫn chưa giải ngân đồng nào dù đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất từ năm 2022.
Đường Lã Xuân Oai, Lò Lu và cầu Tăng Long là 3 trong số 32 dự án bồi thường trên địa bàn TP.Thủ Đức trong năm 2023 với tổng vốn 9.395 tỉ đồng. Đến giữa tháng 9.2023, Thủ Đức mới giải ngân vốn bồi thường 2.726 tỉ đồng, tương đương 29%. Thủ Đức cũng là địa phương có số dự án giải ngân 0 đồng dẫn đầu TP.HCM với 26 dự án (giá trị 2.386 tỉ đồng), 5 dự án khác chậm tiến độ và chỉ có một dự án đạt tiến độ (cầu Ông Bồn với số vốn 7,7 tỉ đồng).
Dự án đội vốn
Theo đánh giá của Sở TN-MT TP.HCM, TP.Thủ Đức có số dự án nhiều, số vốn được giao cũng lớn, trong đó có nhiều dự án dở dang, kéo dài. Để đạt tiến độ giải ngân cao, địa phương này cần tập trung xử lý dứt điểm các dự án dang dở và hai dự án vốn lớn là Vành đai 3 (6.539 tỉ đồng) và nút giao Mỹ Thủy (1.044 tỉ đồng). Sở TN-MT dự báo đến cuối năm, Thủ Đức không đạt tỷ lệ giải ngân 95%.
Chỉ đạo quyết liệt, chuyển biến chưa tương xứng
Từ đầu năm, các cơ quan từ Thành ủy, HĐND đến UBND TP.HCM đều quyết liệt chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là động lực để ngăn đà suy giảm, phục hồi kinh tế. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM lập 13 tổ công tác giám sát, đôn đốc 38 dự án trọng điểm, còn HĐND TP.HCM giám sát chuyên đề về đầu tư công. UBND TP.HCM cứ 1 – 2 tháng lại có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở, đôn đốc nhưng chuyển biến trên công trường và tỷ lệ giải ngân ở kho bạc chưa tương xứng.
Không riêng gì TP.Thủ Đức, danh sách các địa phương dự báo không đạt tỷ lệ giải ngân 95% vốn bồi thường năm 2023 còn có H.Củ Chi, H.Hóc Môn, Q.12, Q.5. Năm 2023, Q.5 chỉ có 3 dự án bồi thường gồm: xây dựng trường chuyên biệt Tương Lai, trung tâm y tế quận và xây dựng kênh Hàng Bàng với tổng vốn được giao hơn 587 tỉ đồng nhưng cũng chưa giải ngân đồng nào.
Trong đó, xây dựng kênh Hàng Bàng là dự án trọng điểm của TP.HCM, đi qua hai quận (Q.5 và Q.6), điểm đầu là đường Vạn Tượng, điểm cuối nối ra kênh Lò Gốm.
Trên địa bàn Q.6, dự án dài hơn 1,4 km chia thành 3 giai đoạn, trong đó đoạn từ đường Bình Tiên đến kênh Lò Gốm đã hoàn thành, hai bên trở thành công viên rợp bóng mát, thêm khu vui chơi cho trẻ em. Giai đoạn 2 dài 500 m, ảnh hưởng đến 344 hộ dân, thực hiện từ năm 2018 nhưng đến nay mới hoàn thành phía đường Bãi Sậy, phía đường Phan Văn Khỏe còn 88 trường hợp chưa bàn giao vì cho rằng đơn giá bồi thường thấp hơn thị trường.
Dự án này được phê duyệt giai đoạn 2016 – 2020 nhưng tiến độ chậm nên phải kéo dài sang giai đoạn 2021 – 2025. Tại kỳ họp giữa năm 2022, HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết tăng tổng mức đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện 16 dự án chậm triển khai, trong đó dự án kênh Hàng Bàng tăng từ 188 tỉ đồng lên 779 tỉ đồng. Tương tự, dự án cầu Tăng Long cũng tăng tổng mức đầu tư từ 238 tỉ đồng lên 688 tỉ đồng, phần lớn do đội vốn chi phí bồi thường.
Chậm phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất
Năm 2023, TP.HCM có 271 dự án bồi thường có vốn gần 27.000 tỉ đồng (chiếm 39% tổng vốn đầu tư công), bao gồm 116 dự án của năm 2022 chuyển qua và 155 dự án mới của năm nay. Tính đến ngày 13.9, TP.HCM giải ngân 11.625 tỉ đồng, tương đương hơn 43%. Trong số 155 dự án giao vốn bồi thường năm 2023, có 24 dự án chậm tiến độ và 101 dự án chưa giải ngân, tập trung ở TP.Thủ Đức, H.Củ Chi, H.Bình Chánh, H.Hóc Môn, Q.8 và Q.12.
Trong các nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn bồi thường, Sở TN-MT đặc biệt lưu ý đến công tác trình, thẩm định, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường. Theo Quyết định 05/2022 của UBND TP.HCM, từ khi có thông báo thu hồi đất đến khi UBND TP.HCM phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất khoảng 240 ngày (8 tháng). Trong chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các địa phương chuẩn bị thật kỹ đơn giá bồi thường để UBND TP.HCM phê duyệt tất cả dự án trước ngày 30.7. Thời gian còn lại, địa phương tập trung chi trả bồi thường, vận động thuyết phục người dân.
Dù đã lường trước điểm nghẽn và chỉ đạo quyết liệt từ đầu năm nhưng những chuyển biến từ thực tế chưa tương xứng. Đến tháng 9.2023, trong 155 dự án giao vốn bồi thường năm 2023 vẫn còn 65 dự án chưa được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất. Sở TN-MT dự báo những dự án này không thể giải ngân hoặc giải ngân khối lượng rất ít trong năm nay.
Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng một quận vùng ven TP.HCM cho biết để thực hiện bồi thường thì dự án phải đảm bảo 3 điều kiện: phù hợp quy hoạch, được cấp thẩm quyền phê duyệt và được thông qua kế hoạch sử dụng đất. Theo quy định, kế hoạch sử dụng đất hằng năm phải được phê duyệt trước ngày 31.12 của năm trước nhưng tại TP.HCM, nhiều địa phương phải đến quý 2, quý 3 mới được phê duyệt. Đơn cử năm 2023, phải đến ngày 31.8, UBND TP.HCM mới phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của Q.8, Q.Tân Bình và Q.Tân Phú…