Tỷ giá trung tâm giảm 2 đồng, chỉ số VN-Index đứng ở mức 1.275,14 điểm hay ước giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2024 mới đạt trên 77,55% kế hoạch… là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần từ 23-27/12.
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 25/12 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 26/12 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tổng quan
Ước giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2024 mới đạt trên 77,55% kế hoạch, mục tiêu đạt được tỷ lệ giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là khó.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 11/2024, cả nước giải ngân vốn đầu tư công đạt 52,72% kế hoạch và đạt 58,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước đến hết tháng 12/2024, cả nước giải ngân được trên 529.632 tỷ đồng, đạt 77,55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Như vậy, tỷ lệ giải ngân ước 12 tháng của cả nước thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (năm 2023, tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt 73,5% kế hoạch và đạt 81,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, ước giải ngân 12 tháng vốn ngân sách trung ương đạt trên 72%, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (đạt gần 70%), nhưng vốn ngân sách địa phương ước giải ngân 12 tháng đạt trên 69% kế hoạch và đạt trên 80% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (năm 2023 đạt tỷ lệ lần lượt 76% và 94%).
Về giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, lũy kế giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 11/2024 là 23.864,6 tỷ đồng, đạt 41,65% kế hoạch. Ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/12/2024 là 38.605,2 tỷ đồng, đạt 67,38% kế hoạch.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cũng cho biết, vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có tỷ lệ giải ngân 12 tháng đạt cao với tỷ lệ 91,75%. Trong đó, vốn Chương trình phục hồi của bộ, cơ quan trung ương quản lý đạt 99,8% (riêng Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đạt tỷ lệ 100%).
Như các số liệu trên cho thấy, để đạt được mục tiêu tỷ lệ giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là khá khó. Theo Bộ Tài chính, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc thời hạn đầu tư công 2024, vẫn còn 30 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đáng chú ý, TP. Hồ Chí Minh – một trong hai đầu tàu kinh tế lớn của cả nước được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 rất lớn với trên 79.263 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cho cả nước, nhưng đến nay mới giải ngân đạt trên 51% đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.
Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành một số Luật (như: Luật sửa đổi liên quan đến 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính ngân sách, Luật Đầu tư công sửa đổi; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu) để tạo cơ chế thông thoáng trong quản lý dự án đầu tư công. Tuy nhiên, các Luật này dự kiến có hiệu lực từ năm 2025.
Do đó, các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ngoài ra, thực tế hiện nay vẫn còn một số khó khăn cố hữu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA… cần được các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư tích cực chủ động giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tóm lược thị trường trong nước tuần từ 23-27/12
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 23-27/12, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng – giảm đan xen. Chốt ngày 27/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.322 VND/USD, chỉ giảm 2 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Sở giao dịch NHNN tiếp tục niêm yết giá mua – bán USD ở mức 23.400 VND/USD và tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.450 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần từ 23/12 – 27/12 biến động theo xu hướng giảm đầu tuần rồi tăng trở lại. Kết thúc phiên 27/12, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 25.455, không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 2 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại. Chốt phiên 27/12, tỷ giá tự do tăng nhẹ 10 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.660 VND/USD và 25.760 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 23-27/12, lãi suất VND liên ngân hàng tăng 4 phiên đầu tuần rồi giảm trở lại phiên cuối tuần. Chốt ngày 27/12, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch ở mức: qua đêm 4,10% (+0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 5,28% (+0,78 điểm phần trăm); 2 tuần 5,30% (+0,33 điểm phần trăm); 1 tháng 5,42% (+0,29 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng ít biến động trong tuần qua. Phiên 27/12, lãi suất USD liên ngân hàng, giao dịch tại: qua đêm 4,44% (+0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 4,50% (không thay đổi); 2 tuần 4,59% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 4,62% (không thay đổi).
Thị trường mở tuần từ 23/12 – 27/12, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày với khối lượng là 70.000 tỷ đồng, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Có 69.999,91 tỷ đồng trúng thầu và có 3.999,93 tỷ đồng đáo hạn trong tuần qua trên kênh cầm cố.
NHNN chào thầu tín phiếu NHNN đấu thầu lãi suất ở kỳ hạn 7 ngày. Có 20.810 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất ở mức 4,0%. Có 41.373 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua.
Như vậy, NHNN bơm ròng 86.562,98 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Có 79.999,91 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 64.890 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu ngày 25/12, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công 2.000 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 29%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm trúng 800 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10 năm huy động được 200 tỷ đồng/3.500 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30 năm huy động được toàn bộ 1.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 15 năm và 20 năm gọi thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn nhưng đều không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu ở kỳ hạn 5 năm là 2,06% (+0,15 điểm phần trăm so với phiên đấu thầu trước đó), 10 năm là 2,77% (+0,11 điểm phần trăm) và 30 năm là 3,22% (+0,12 điểm phần trăm).
Trong tuần này, ngày 2/1, Kho bạc Nhà nước dự kiến chào thầu 7.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm chào thầu 3.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 18.064 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 14.238 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua vẫn trong xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 27/12, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,97% (+0,03 điểm phần trăm so với phiên cuối tuần trước); 2 năm 1,98% (+0,03 điểm phần trăm); 3 năm 2,01% (+0,04 điểm phần trăm); 5 năm 2,29% (+0,01 điểm phần trăm); 7 năm 2,52% (+0,01 điểm phần trăm); 10 năm 2,97% (+0,01 điểm phần trăm); 15 năm 3,12% (+0,04 điểm phần trăm); 30 năm 3,27% (+0,02 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần từ 23/12 – 27/12 diễn biến khá tích cực. Kết thúc phiên 27/12, VN-Index đứng ở mức 1.275,14 điểm, tăng mạnh 17,64 điểm (+1,40%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index thêm 2,06 điểm (+0,91%) lên mức 229,13 điểm; UPCoM-Index tăng 1,09 điểm (+1,17%) đạt 94,48 điểm.
Thanh khoản thị trường trung bình đạt khoảng trên 18.300 tỷ đồng/phiên, tăng tích cực từ mức 14.500 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 433 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Nước Mỹ đón một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Đầu tiên, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tại Mỹ giảm 1,1% so với tháng trước trong tháng 11 sau khi tăng nhẹ 0,3% ở tháng 10, sâu hơn mức giảm 0,3% theo dự báo. Bên cạnh đó, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi trong tháng 11 cũng giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước sau khi tăng 0,2% ở tháng trước đó, trái với kỳ vọng tăng nhẹ 0,3%.
Tiếp theo, hãng Conference Board khảo sát cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ ở mức 104,7 điểm trong tháng 12, giảm mạnh từ 112,8 điểm của tháng trước, đồng thời thấp hơn mức 112,9 điểm theo dự báo. Tại thị trường bất động sản, doanh số bán nhà mới tại thángỹ đạt 664 nghìn căn trong tháng 11 đạt 664 nghìn căn, cao hơn so với 627 nghìn căn của tháng 10 và gần khớp với dự báo ở mức 666 nghìn căn.
Cuối cùng, tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 20/12 ở mức 219 nghìn đơn, giảm nhẹ từ mức 220 nghìn đơn của tuần trước đó, trái với dự báo tăng nhẹ lên 223 nghìn. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 226,5 nghìn đơn, tăng 1 nghìn so với trung bình 4 tuần liền trước.
Ngân hàng Thế giới (WB) nâng triển vọng kinh tế Trung Quốc, bên cạnh đó quốc gia này cũng có động thái kích thích kinh tế mới. Cụ thể, WB cho rằng nhờ hiệu quả của chính sách nới lỏng gần đây, GDP Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 4,9% trong năm nay, cao hơn một chút so với dự báo ở mức 4,8% hồi tháng 6. Sang năm 2025, WB dự báo GDP Trung Quốc chỉ tăng 4,5%, dù đã được điều chỉnh lên từ mức 4,1% ở dự báo trước.
Cũng trong tuần vừa qua, Trung Quốc đã công bố kế hoạch phát hành 3000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 411 tỷ USD) trái phiếu kho bạc đặc biệt vào năm 2025, mức cao kỷ lục, nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ các địa phương. Quy mô của gói này vượt xa mức 1000 tỷ mà Chính phủ đã phát hành trong năm 2024.
Bên cạnh đó, Quốc hội Trung Quốc cũng vừa quyết định gia hạn hiệu lực hoàn thuế giá trị gia tăng tới hết năm 2027 nhằm khuyến khích các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước mua thiết bị do Trung Quốc sản xuất. Năm 2019, Trung Quốc đã cắt giảm thuế VAT đối với các nhà sản xuất, từ 16% xuống còn 13% và từ 10% xuống còn 9% đối với các lĩnh vực vận tải và xây dựng. VAT chiếm khoảng 38% trong doanh thu thuế Trung Quốc năm 2023.
Trong năm 2024, doanh thu thuế VAT 11 tháng đã giảm 4,7% so với cùng kỳ, xuống còn 6,1 nghìn tỷ CNY (tương đương 840 tỷ USD). Mặc dù vậy, các tháng gần đây cho thấy doanh thu thuế hồi phục dần, riêng tháng 11 ghi nhận mức tăng 1,36% so với cùng kỳ.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-tuan-tu-23-2712-159426-159426.html