Tỷ giá trung tâm không đổi, chỉ số VN-Index tăng mạnh 18,28 điểm hay PMI ngành sản xuất của Việt Nam không thay đổi khi đạt 50,3 điểm trong tháng Năm… là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 3/6.
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 27-31/5 [Infographic] Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 5 năm 2024 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 3/6, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.261 VND/USD, không thay đổi so với phiên cuối tuần trước.
Giá mua – bán USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 25.440 VND/USD, giảm 14 đồng so với phiên 31/5.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do giảm 25 đồng ở chiều mua vào và 35 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.750 VND/USD và 25.820 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 3/6, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,08 – 0,97 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,18 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng so với phiên cuối tuần trước; cụ thể: qua đêm 3,90%; 1 tuần 4,25%; 2 tuần 4,53% và 1 tháng 4,82%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,01 – 0,02 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ đi ngang ở kỳ hạn 1 tháng, giao dịch tại: qua đêm 5,27%; 1 tuần 5,33%; 2 tuần 5,39%, 1 tháng 5,41%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giữ nguyên ở kỳ hạn 3 năm trong khi tăng ở kỳ hạn 15 năm và giảm ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,90%; 5 năm 2,03%; 7 năm 2,30%; 10 năm 2,82%; 15 năm 3,02%.
Nghiệp vụ thị trường mở, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Có 473,1 tỷ đồng trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 8.450 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 4,25%, có 11.990 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 4.013,1 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 69.250 tỷ đồng, khối lượng trên kênh cầm cố tăng lên mức 82.239,92 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán hôm qua tăng tích cực nhờ các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán. Kết phiên, VN-Index tăng mạnh 18,28 điểm (+1,45%) lên mức 1.280,0 điểm; HNX-Index thêm 1,63 điểm (+0,67%) đạt 244,72 điểm; UPCoM-Index tăng 1,05 điểm (+1,10%) lên 96,93 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức khá cao với giá trị giao dịch trên 28.700 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 287 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) mới nhất của S&P Global, PMI ngành sản xuất của Việt Nam không thay đổi khi đạt 50,3 điểm trong tháng Năm, cho thấy các điều kiện kinh doanh của ngành cải thiện nhẹ tháng thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, Giám đốc Kinh tế S&P Global cho hay, dữ liệu chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam không đồng nhất.
Ở khía cạnh tích cực, số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5. Ngược lại, việc làm tiếp tục giảm mạnh, khiến năng lực sản xuất của các công ty bị hạn chế. Đồng thời, tốc độ tăng chi phí ở mức nhanh nhất trong gần hai năm, khiến giá cả đầu ra tăng, có thể tác động hạn chế nhu cầu trong những tháng tới.
Tin quốc tế
Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM khảo sát chỉ số (PMI) lĩnh vực sản xuất tại nước này ở mức 48,7% trong tháng Năm, giảm nhẹ từ mức 49,2% của tháng trước đó và trái với dự báo tăng lên mức 49,8%. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp PMI sản xuất giảm kể từ lần đầu vượt lên 50% trong tháng Ba. Trước đó PMI sản xuất luôn ghi nhận sự thu hẹp kể từ tháng 11/2022.
Kết quả trên cũng ảnh hưởng tới kỳ vọng của thị trường về thời điểm Fed cắt giảm lãi suất chính sách. Theo kịch bản dự báo chiếm ưu thế từ CME, Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất chính sách lần đầu tiên vào tháng 9/2024 (trước đó dự báo rơi vào tháng 11), và sẽ có 2 lần cắt giảm trong năm nay (trước đó dự báo chỉ cắt giảm 1 lần), đưa lãi suất chính sách cuối năm về mức 4,75% – 5,0%.
Chỉ số USD-Index cũng giảm trong phiên hôm qua, hiện ở quanh mức 104 điểm, được cho là vi phạm xu hướng đi lên trung hạn hình thành từ cuối năm 2023.
Caixin và S&P Global khảo sát cho biết chỉ số (PMI) lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc ở mức 51,7 điểm trong tháng Năm, tăng lên từ 51,4 điểm của tháng trước đó và đồng thời cao hơn một chút so với mức 51,6 điểm theo dự báo. Đây là PMI sản xuất cao nhất mà Trung Quốc đạt được kể từ tháng 6/2022.
Theo Caixin, lĩnh vực sản xuất được củng cố khi nhu cầu trong nước và quốc tế cùng cải thiện, tuy nhiên giá trị đơn hàng xuất khẩu trong tháng Năm giảm tốc so với tháng Tư, cho thấy tình hình kinh tế toàn cầu vẫn tương đối ảm đạm.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-ngay-36-152298-152298.html