Tỷ giá trung tâm tăng 4 đồng, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,44 điểm hay lũy kế giải ngân vốn nước ngoài của các địa phương tính đến 15/5/2024 mới chỉ đạt 5,7% kế hoạch vốn được giao… là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 21/5.
Điểm lại thông tin kinh tế tuần 13-17/5 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/5 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 21/5, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.251 VND/USD, tăng tiếp 4 đồng so với phiên đầu tuần.
Giá mua – bán USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 25.463 VND/USD, tiếp tục tăng 9 đồng so với phiên 20/05.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do không thay đổi ở chiều mua vào trong khi tăng 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.650 VND/USD và 25.740 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 21/5, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,05 – 0,13 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần; cụ thể: qua đêm 4,16%; 1 tuần 4,32%; 2 tuần 4,50% và 1 tháng 4,68%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD đi ngang ở kỳ hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 điểm phần trăm ở kỳ hạn 2 tuần, giao dịch tại: qua đêm 5,27%; 1 tuần 5,32%; 2 tuần 5,39%, 1 tháng 5,41%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giữ nguyên ở kỳ hạn 3 năm trong khi giảm nhẹ ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,86%; 5 năm 2,01%; 7 năm 2,27%; 10 năm 2,75%; 15 năm 2,97%.
Nghiệp vụ thị trường mở trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,25%. Có 2.737,46 tỷ đồng trúng thầu, có 2.996,21 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 500 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 3,90%, có 2.150 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, NHNN bơm ròng 1.391,25 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 57.090 tỷ đồng, khối lượng trên kênh cầm cố giảm xuống mức 5.838,49 tỷ đồng.
Sáng ngày 21/5, NHNN tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng SJC với tổng khối lượng chào thầu là 16.800 lượng. Giá sàn do NHNN công bố là 88,6 triệu đồng/lượng. Có 9 đơn vị trúng thầu với 7.900 lượng vàng. Giá trúng thầu là 88,42 triệu đồng/lượng, cao hơn 0,82 triệu đồng so với giá tham chiếu.
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua biến động trái chiều. Chốt phiên, VN-Index giảm nhẹ 0,44 điểm (-0,03%) về mức 1.277,14 điểm; HNX-Index thêm 0,72 điểm (+0,30%) lên 243,29 điểm; UPCoM-Index tăng 0,92 điểm (+0,98%) lên mức 94,45 điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ với giá trị giao dịch trên 28.100 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 665 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, năm 2024, lũy kế giải ngân vốn nước ngoài của các địa phương tính đến 15/5/2024 mới chỉ đạt 5,7% kế hoạch vốn được giao (tính cho cả kế hoạch vốn cấp phát và vay lại) cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 4,9%; của các Bộ ngành đạt 8,58% kế hoạch vốn được giao, trong đó 2 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân trên 10%, 8 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024.
Tin quốc tế
Kim ngạch xuất khẩu của Eurozone trong tháng Ba đạt 245 tỷ EUR, giảm khoảng 9,2% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu trong tháng Ba của khu vực này ở mức 221 tỷ EUR, cũng giảm mạnh khoảng 12% so với cùng kỳ.
Theo đó cán cân thương mại của Eurozone ghi nhận thặng dư 24 tỷ EUR trong tháng Ba, cao hơn so với mức 19 tỷ EUR cùng kỳ 2023. Cán cân thanh toán của Eurozone trong tháng Ba cũng thặng dư 35,8 tỷ EUR, cao hơn mức 28,9 tỷ của tháng 2 và đồng thời cao hơn mức 30,2 tỷ theo dự báo.
Tiếp theo, tại nước Đức, chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần tại quốc gia này tăng nhẹ 0,2% so với tháng trước trong tháng Tư, bằng với mức tăng của tháng trước đó và gần khớp với dự báo tăng 0,3%. So với cùng kỳ, PPI tại Đức giảm tương đối mạnh 3,3%.
Trong văn biên bản cuộc họp tháng Năm, Ngân hàng trung ương Úc (RBA) nhận định kinh tế thế giới còn yếu ngoại trừ nước Mỹ. Tỷ lệ lạm phát nói chung vẫn còn tương đối cao trên mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương lớn, sau một nhịp suy giảm đáng kể trước đó. Trong nước, mức tiêu dùng của người dân đã bắt đầu yếu đi hơn dự kiến trong quý I.
Ngược lại, đầu tư kinh doanh và chi tiêu chính phủ đều tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Thị trường lao động có phần nới lỏng, nhưng chậm hơn dự báo. Lạm phát tiếp tục giảm trong quý đầu năm nhưng tốc độ giảm đã chậm lại và vẫn ở mức cao. RBA dự báo cung cầu sẽ cân bằng hơn vào cuối 2024, thị trường lao động sẽ tiếp tục nới lỏng với tốc độ chậm và lạm phát quay về mức mục tiêu 2% – 3% vào cuối năm 2025. RBA cho rằng giữ nguyên lãi suất chính sách đang ở mức 4,35% là hợp lý tại cuộc họp này để đưa lạm phát về mức mục tiêu trong thời gian hợp lý.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-ngay-215-151894-151894.html