Tỷ giá trung tâm tăng 6 đồng, chỉ số VN-Index tăng mạnh 16,34 điểm hay Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định đồng loạt tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu… là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 21/3.
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/3 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/3 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 21/3, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.005 VND/USD, tăng tiếp 06 đồng so với phiên trước đó.
Giá mua USD được Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.155 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.795 VND/USD, tăng tiếp 10 đồng so với phiên 20/03.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do tăng 31 đồng ở chiều mua vào và 11 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.511 VND/USD và 25.591 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 21/3, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,01 – 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,01 – 0,04 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng so với phiên trước đó, cụ thể: qua đêm 0,23%; 1 tuần 0,49%; 2 tuần 1,19% và 1 tháng 1,81%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD đi ngang ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm 0,02 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tuần; giao dịch tại: qua đêm 5,21%; 1 tuần 5,29%; 2 tuần 5,36%, 1 tháng 5,40%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,46%; 5 năm 1,68%; 7 năm 2,05%; 10 năm 2,53%; 15 năm 2,72%.
Nghiệp vụ thị trường mở trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 15.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất hạ xuống mức 1,32%.
Như vậy, NHNN hút ròng 15.000 tỷ đồng từ thị trường trong phiên hôm qua, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 129.998,8 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán hôm qua, các nhà đầu tư giữ tâm lý lạc quan giúp các chỉ số tăng điểm với khối lượng giao dịch cải thiện đáng kể. Chốt phiên, VN-Index tăng mạnh 16,34 điểm (+1,30%) đạt mức 1.276,42 điểm; HNX-Index thêm 3,12 điểm (+1,31%) lên 241,14 điểm; UPCoM-Index nhích 0,27 điểm (+0,31%) đạt 90,82 điểm. Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 33.600 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 105 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Liên Bộ Công Thương – Tài chính vừa quyết định đồng loạt tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu chủ yếu trên thị trường từ ngày 21/03. Theo đó, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 tăng với mức 729 đồng/lít, lên 23.219 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng 741đồng/lít lên 24.284 đồng/lít; giá dầu diesel tăng 465 đồng/lít lên 21.014 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 560 đồng/lít lên 21.266 đồng/lít; giá dầu mazut tăng 667 đồng/kg, lên 17.099 đồng/kg.
Tin quốc tế
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 16/03 ở mức 210 nghìn đơn, trái với dự báo đi ngang ở mức 212 nghìn đơn như kết quả thống kê của tuần trước đó. Tiếp theo, về lĩnh vực bất động sản, doanh số bán nhà cũ tại Mỹ đạt 4,38 triệu căn trong tháng Hai, tăng khá mạnh so với mức 4,0 triệu của tháng Một và đồng thời cao hơn so với mức 3,95 triệu căn theo dự báo. Đây là tháng có mức doanh số cao nhất kể từ tháng 03/2023.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) không thay đổi lãi suất chính sách trong cuộc họp tháng Ba. Trong phiên họp ngày hôm qua 21/03, Ủy ban chính sách tiền tệ của BoE (MPC) cho biết, lạm phát đã giảm tốc xuống còn 3,4% trong tháng Hai từ mức 4,0% của tháng Một. Trong đó, lạm phát tiêu dùng dịch vụ cũng giảm tốc nhưng vẫn ở mức cao 6,1%. MPC dự báo CPI toàn phần sẽ giảm xuống dưới mục tiêu 2,0% một chút trong quý II/2024 sau đo tăng nhẹ trở lại ở quý III và quý IV.
MPC quyết định duy trì lãi suất chính sách ở mức 5,25%, không thay đổi so với trước, đồng thời giữ quan điểm rằng chính sách tiền tệ thắt chặt cần được duy trì trong thời gian đủ dài cho đến khi hết nguy cơ lạm phát vượt qua mục tiêu 2,0%. MPC sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu về áp lực lạm phát và khả năng phục hồi của nền kinh tế để đưa ra những quyết định tiếp theo.
Liên quan đến kinh tế Anh, S&P Global cho biết PMI lĩnh vực sản xuất tại nước này ở mức 49,9 điểm trong tháng Ba, tăng lên từ 47,5 điểm của tháng trước và vượt qua mức 47,9 điểm theo kỳ vọng. PMI lĩnh vực dịch vụ tại Anh ghi nhận mức 53,4 điểm trong tháng này, trái với dự báo tiếp tục đi ngang ở mức 53,8 điểm của tháng Hai.
Theo khảo sát của S&P Global, PMI lĩnh vực sản xuất tại Eurozone chỉ đạt mức 45,7 điểm trong tháng Ba, giảm xuống từ 46,5 điểm của tháng trước, trái với dự báo tăng nhẹ lên 47,0 điểm. Đây cũng là tháng có mức PMI sản xuất thấp nhất kể từ đầu năm 2024. Về lĩnh vực dịch vụ, chỉ số PMI đạt 51,1 điểm trong tháng này, tăng lên từ 50,2 điểm của tháng 2 và đồng thời cao hơn mức 50,5 điểm theo dự báo.