Tỷ giá trung tâm giảm 5 đồng, chỉ số VN-Index tăng 9,0 điểm hay WB dự báo kiều hối về Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 14,4 tỷ USD… là một số thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 16/1.
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 8-12/1 Điểm lại thông tin kinh tế ngày 15/1 |
Điểm lại thông tin kinh tế |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 16/1, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.987 VND/USD, giảm nhẹ 5 đồng so với phiên đầu tuần.
Sở giao dịch NHNN giữ nguyên niêm yết giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán USD được niêm yết ở mức 25.136 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đô-đồng chốt phiên với mức 24.545 VND/USD, tăng mạnh 73 đồng so với phiên 15/1.
Tỷ giá đô-đồng trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.870 VND/USD và 24.970 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng ngày 16/1, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND đi ngang ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,01 – 0,02 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng so với phiên đầu tuần, cụ thể: qua đêm 0,20%; 1 tuần 0,30%; 2 tuần 0,55% và 1 tháng 1,27%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD giảm 0,02 – 0,03 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: qua đêm 5,07%; 1 tuần 5,19%; 2 tuần 5,28%, 1 tháng 5,38%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn ngắn trong khi giữ nguyên ở kỳ hạn 15 năm, chốt phiên ở mức: 3 năm 1,24%; 5 năm 1,41%; 7 năm 1,80%; 10 năm 2,22%; 15 năm 2,43%.
Nghiệp vụ thị trường mở hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN và cũng không có khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Trái với phiên trước đó, phiên hôm qua, sắc màu ảm đạm của phiên sáng được thay thế bằng sắc xanh vào cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,0 điểm (+0,78%) đạt 1.163,12 điểm; HNX-Index thêm 1,95 điểm (+0,86%) lên mức 229,50 điểm; UPCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,47%) đạt 87,02 điểm. Thanh khoản thị trường tương tự phiên trước đó với giá trị giao dịch gần 14.400 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 141 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối về Việt Nam năm 2023 ở mức 14 tỷ USD. WB dự báo kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, năm 2024 sẽ đạt 14,4 tỷ USD. Trong 10 năm trở lại đây, mặc dù chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế toàn cầu, dòng kiều hối về Việt Nam có năm cũng bị sụt giảm theo xu hướng chung của các nước, nhưng vẫn duy trì vị trí trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong top 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tin quốc tế
Thị trường lao động nước Anh ghi nhận một số chỉ báo đáng chú ý. Đầu tiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Anh tăng 11,3 nghìn đơn trong tháng 12 sau khi chỉ tăng nhẹ 0,6 nghìn tháng trước đó, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức tăng 18,1 nghìn theo dự báo. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này trong tháng vừa qua đi ngang ở mức 4,2%, không thay đổi so với kết quả của tháng 11.
Cuối cùng, thu nhập bình quân của người lao động Anh tăng 6,5% so với 3 tháng cùng kỳ trong 3 tháng 10-12/2023, giảm tốc từ mức tăng 7,2% của 3 tháng 9-11/2023 và cũng thấp hơn mức tăng 6,8% theo dự báo.
Tổ chức ZEW khảo sát cho biết chỉ số niềm tin kinh tế tại Eurozone ở mức 22,7 điểm trong tháng Một, giảm nhẹ so với mức 23,0 điểm của tháng trước đó, song vẫn cao hơn mức 20,2 điểm theo dự báo. Tại nước Đức nói riêng, chỉ số niềm tin kinh tế tháng Một đạt mức 15,2 điểm, tăng lên từ mức 12,8 điểm từ tháng trước đó, trái với dự báo giảm xuống còn 11,6 điểm.
Tổ chức Westpac công bố chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Úc giảm 1,3% so với tháng trước trong tháng Một sau khi tăng 2,7% ở tháng trước đó, xuống còn 81,0 điểm. Đây là mức điểm rất thấp, chỉ tương đồng với mức đáy từ năm 2008 hoặc năm 2020.