Khác biệt về hình dạng, kích thước
Điểm khác biệt đầu tiên là hình dạng. Vô-lăng của xe đua F1 sẽ có hình chữ nhật và bo tròn ở các góc, trong khi đó vô-lăng xe phổ thông thường sẽ có hình tròn và kích thước lớn hơn.
Vô-lăng xe đua F1 có kích thước và hình dạng đặc biệt là do thiết kế của buồng lái. Để đảm bảo tính khí động học, kiểu dáng thiết kế của xe phải hạn chế sức cản của không khí. Tư thế lái xe của các tay đua gần như là nằm, do khoang lái có kích thước rất nhỏ, chiều dài khoang lái khoảng 82 cm và rộng 52 cm.
Với kích thước nhỏ như vậy, việc đặt một chiếc vô-lăng của ô tô phổ thông vào khoang lái F1 là chuyện không thể làm được. Vì thế các kỹ sư phải tạo ra một loại vô-lăng có kích thước đủ nhỏ để đặt vừa vào khoang lái, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo sự linh hoạt và thoải mái khi sử dụng.
Các vô-lăng xe đua F1 còn được thiết kế và chế tạo tùy theo từng tay đua sẽ sử dụng nó. Tất cả các yếu tố như: kích thước vô-lăng, kích thước tay cầm, tiết diện mặt bám của các ngón tay, vị trí các nút điều khiển… đều sẽ được đo đạc và chế tạo theo đôi tay của người lái nhằm đem lại cảm giác cầm nắm thoải mái nhất.
Với thiết kế chật hẹp, phần khoang lái của xe đua sẽ không còn khoảng trống để lắp nhiều thiết bị vào buồng lái. Vô-lăng là nơi thích hợp nhất để lắp các nút điều chỉnh, đây cũng là vị trí cho phép các tay đua dễ dàng thao tác với các nút bấm này.
Ở chiều ngược lại, ô tô phổ thông có không gian bên trong xe tối ưu về tiện nghi và thoải mái cho người sử dụng, vô-lăng cũng vì thế có thể được thiết kế to hơn. Việc vô-lăng to không chỉ là vấn đề kích thước, mà nó còn khiến người điều khiển xe dễ thao tác hơn.
Các chức năng phổ biến trên vô-lăng xe đua F1
Không chỉ dùng để điều hướng như các xe phổ thông, vô-lăng xe đua còn được tích hợp rất nhiều chức năng, với công năng điều khiển các hệ thống phức tạp giúp tay đua tối ưu hóa hiệu năng của chiếc xe.
Các vô-lăng xe phổ thông ngày nay thường được trang bị lẫy lên xuống, nhưng đối với xe đua công nghệ này đã có từ lâu. Ngoài ra sau vô-lăng còn được trang bị thêm 2 lẫy điều khiển ly hợp của xe, giúp tay đua dễ dàng làm chủ quá trình sang số.
Trên vô-lăng có tích hợp hai nút bấm hai bên cho phép người lái tương tác với hơn 100 cảm biến đặt trên xe, và dữ liệu sẽ được hiển thị trên màn hình OLED. Nhờ đó tay đua có thể thực hiện nhanh những thao tác chiến thuật theo ý muốn của bản thân cũng như theo chỉ đạo của đội đua.
Việc về nhầm số N (số mo) sẽ khiến tay đua bị chậm lại, để xe không vô tình về mo các nhà thiết kế đã tích hợp một phím bấm sau vô-lăng, giúp người lái không thể tự ý cài số N, mà thay vào đó nếu muốn về mo, sẽ phải bấm nút này khi xe đang ở số 1 hoặc số 2.
Theo luật của FIA bắt buộc mọi chiếc xe khi vào đường pit để kiểm tra, thay lốp hay làm bất kỳ điều gì cũng phải tuân thủ tốc độ tối đa 80 km/h để đảm bảo an toàn. Trên vô-lăng sẽ có tích hợp nút bấm này cho phép các tay đua tự động chỉnh tốc độ của xe nằm trong khoảng 80km/h mà không phải giữ ga, điều mà khó thực hiện trên một chiếc xe vốn chỉ nhấn nhẹ ga cũng vọt lên hơn trăm km/h.
Thay vì phím ấn đàm thoại rảnh tay, trên vô-lăng của xe F1 sẽ có một nút bấm Pit confirm. Ấn nút này, xe sẽ gửi một tín hiệu radio về pit stop để thợ máy và kỹ sư biết xe sắp vào đường pit, thay vì bật radio và trao đổi mất thời gian.
Nguồn: https://xe.baogiaothong.vn/diem-khac-biet-giua-vo-lang-xe-dua-va-xe-pho-thong-192240111225731959.htm