Chương trình “Đổi sách lấy cây” năm 2024 được phát động giữa tháng 5, đánh dấu lần thứ 6 nhóm từ thiện Fly To Sky (thuộc Trung tâm Tình nguyện quốc gia – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) triển khai hoạt động này.
Sôi nổi gieo mầm xanh
Có thể nói, “Đổi sách lấy cây” đã trở thành sự kiện thường niên thân quen với giới trẻ. Chương trình thiết thực truyền tải thông điệp sống xanh qua việc kêu gọi mọi người đem sách, giấy, quần áo, đồ dùng học tập, đồ chơi, thú bông đến các điểm quy đổi để nhận sen đá, cây cảnh, hạt giống các loại và các sản phẩm, quà tặng thân thiện với môi trường. Ban tổ chức phân loại các hiện vật thu được, tiến hành trao tặng người cần là thanh thiếu nhi, các học sinh khó khăn, người có hoàn cảnh yếu thế, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… hoặc tái chế theo quy trình.
Anh Lê Văn Phúc, Tổng Chủ nhiệm nhóm từ thiện Fly To Sky, cho biết năm 2023, chương trình đã tiếp nhận hơn 16 tấn sách, giấy các loại, hơn 25.000 sản phẩm quần áo và thú bông; thu hút 2.552 tình nguyện viên. Nét mới năm nay là bên cạnh sách, giấy các loại, chương trình mở rộng tiếp nhận quy đổi thêm các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, vỏ hộp sữa, vỏ lon, pin cũ. Nhiều nội dung như: vẽ chậu cây, trang trí túi vải, tái chế chai nhựa, gieo mầm trồng cây… đều được các bạn trẻ hưởng ứng nhiệt tình.
Tống Bảo Ngọc, học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (tỉnh Gia Lai), hăng hái tham gia làm tình nguyện viên với mong muốn đóng góp những điều ý nghĩa cho cuộc sống. Ngọc kể: “Việc vận chuyển, quản lý lượng lớn hiện vật cũng là một thách thức đáng kể nhưng nhờ nhóm luôn phối hợp tốt với nhau cộng với sự hỗ trợ của nhiều bên giúp cho những ngày thực hiện chương trình đong đầy niềm vui”.
Vũ Ngọc Mỹ Vy, học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM), thì biết đến chương trình qua sự giới thiệu của bạn bè. Với cá tính tự tin, tràn đầy nhiệt huyết và chủ động trong công việc, Mỹ Vy hy vọng có thể dành thời gian và năng lượng của mình để góp sức làm nên thành công của mùa “Đổi sách lấy cây” lần thứ 6.
Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn
Khi làm tình nguyện viên, Mỹ Vy có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Vì đã được thực hiện qua nhiều năm nên các khâu tổ chức của “Đổi sách lấy cây” đều bài bản, khoa học. Đây là cơ hội để nữ sinh này làm giàu trải nghiệm thực tế, học hỏi bao điều mới và càng trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Là một bạn trẻ nhanh nhạy, hoạt bát, dễ thích nghi, hòa nhập với môi trường xung quanh nên Tống Bảo Ngọc không gặp nhiều khó khăn khi kết nối cùng mọi người. Bài học kỹ năng sống mà Ngọc tâm đắc là khi các thành viên trong tập thể có sự thấu hiểu, lắng nghe, hòa đồng và hợp tác với nhau thì mọi vấn đề đều có thể tìm được lời giải. Ngọc rất thích những giờ quây quần ăn trưa cùng nhóm ngay tại điểm trực và khi được gặp gỡ, trò chuyện với người đến đổi cây. Ngoài đối tượng thanh niên chiếm đa số thì chương trình “Đổi sách lấy cây” còn thu hút sự quan tâm của nhiều người độ tuổi trung niên và cao niên. Sự khích lệ của mọi người đã tạo động lực tinh thần lớn cho các tình nguyện viên trẻ tuổi.
Trần Văn Hùng, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP HCM, là một trong những người có mặt sớm nhất ở điểm quy đổi. Hùng đã ủng hộ chương trình 2 năm qua, anh háo hức chuẩn bị sách và đổi 3 cây sen đá bé xinh mang về. “Đối với tôi, những chậu cây này tuy giá trị vật chất không cao nhưng là kết quả của cả quá trình tôi ý thức để dành, tập hợp các ấn phẩm. Tôi hy vọng số sách này sẽ đến tay những bạn nhỏ cần chúng và tiếp tục phát huy giá trị” – Hùng tâm sự.
Nhiều đôi bạn, nhóm bạn cũng rủ rê nhau đi “Đổi sách lấy cây”. Đó là hành động giúp họ nâng cao nhận thức và thúc đẩy thói quen tốt trong việc bảo vệ môi trường, thêm yêu thiên nhiên. Mặt khác, bạn trẻ được tích lũy cảm xúc tích cực khi biết lan tỏa yêu thương, sẻ chia, quan tâm đến cộng đồng.
Chương trình “Đổi sách lấy cây” diễn ra vào thứ tư, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, kéo dài đến hết ngày 28-7 với hơn 30 điểm quy đổi tại 7 tỉnh, thành phố (Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Thuận, TP HCM, TP Hà Nội, TP Cần Thơ, TP Đà Nẵng).
Tại TP HCM, mọi người có thể tham gia “Đổi sách lấy cây” tại Nhà Thiếu nhi quận 10, quận 1 và quận Bình Tân; Nhà Văn hóa khu phố 3, quận 1; Nhà Văn hóa Sinh viên TP HCM; khu sinh hoạt Thanh thiếu nhi Bình Chánh; quán 3.3 Café (quận 3); Không gian Khởi nghiệp Phú Nhuận và trụ sở Quận Đoàn 3.
Nguồn: https://nld.com.vn/diem-hen-than-quen-cua-gioi-tre-196240518200103457.htm