LỜI TÒA SOẠN – DIỄN ĐÀN KỶ NGUYÊN MỚI
Sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 3/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có những phát biểu chỉ đạo quan trọng trên các lĩnh vực.
Cụ thể, qua ba bài viết gần đây như “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ngày 4/8; “Chuyển đổi số – Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” ngày 2/9 và “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” ngày 16/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xuyên nhắc đến các khái niệm “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đánh giá những thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức về tình hình trong nước, khu vực và thế giới, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”.
Đặc biệt, đây cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng.
Đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, Báo VietNamNet mở diễn đàn “Kỷ nguyên mới của dân tộc”, ngõ hầu mang đến các bài viết, những tiếng nói, góp ý của các nhân sĩ, trí thức, bạn đọc gần xa về con đường và cách thức vươn mình của dân tộc Việt Nam…
Ngày Quốc Khánh 2/9/2024 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết quan trọng “Chuyển đổi số – Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Bài viết này như là định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới và được trân trọng, hoan nghênh ở trong và ngoài nước.
Trong bài viết, Tổng Bí thư chỉ rõ:
“Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế – xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại – “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số.
Sự thay đổi trong quan hệ sản xuất sẽ tác động mạnh đến kiến trúc thượng tầng, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa nhà nước và công dân, giữa các tầng lớp xã hội.”.
Đây là tư duy ở tầm cao, sáng suốt, tầm nhìn tiên tiến, đúng với xu hướng phát triển của thế giới, đã được các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật, châu Âu, các học giả, các nhà sáng tạo ở Đại học Harvard, Đại học MIT (trong đó có Michael Dukakis, Shinzo Abe, Toomas Hendrik Ilves, Alex Pentland, Patrick Winston) khởi xướng qua sáng kiến Xã hội Trí Tuệ Nhân Tạo (AIWS) từ năm 2017. Tư tưởng mang tính cách mạng này sẽ đưa đất nước Việt Nam đứng cùng vạch xuất phát của các quốc gia văn minh tiên tiến trong công cuộc xây dựng thế giới mới hoà bình, nhân ái, thịnh vượng với công nghệ mới, với trí tuệ nhân tạo đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Điểm đột phá để tư tưởng, định hướng thành hiện thực
Đó chính là, tạo ra ngay cơ chế chọn lựa người có đủ năng lực để đảm trách vị trí lãnh đạo các cấp thực hiện “một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát lệnh.
Điều đó đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ trong bài viết: “Có cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.”.
Ngược dòng lịch sử, trở về những năm 1945-1946, chúng ta có thể học tập những kinh nghiệm quý báu từ Bác Hồ. Khi ấy, Bác đã tập hợp được những người con ưu tú của dân tộc từ trong và ngoài nước tham gia các vị trí lãnh đạo. Bác đã kết thân với những nhân vật tinh hoa thế giới, học hỏi từ họ.
Hôm nay, Việt Nam đã có nguồn nhân lực chất lượng cao, đã thể hiện rõ năng lực xuất sắc qua các kết quả đạt được ở trong nước và ở các nước văn minh, tiên tiến. Việt Nam cũng đã đủ năng lực để nêu ý tưởng, giải pháp đột phá và tổ chức triển khai thực hiện. Vị thế quốc tế của Việt Nam đang rất tốt đẹp, khi các nhà lãnh đạo nêu ra những bài toán lớn, đi tiên phong cùng thời đại, sẽ là hấp lực để thu hút các trí tuệ lớn của thế giới đồng hành với “cuộc cách mạng số” này của đất nước.
Như vậy, cơ chế mới có thể sẽ là: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì cùng với các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước chỉ ra những bài toán, những vấn đề lớn cần giải quyết. Từ đó, mời những ai có ý tưởng, có giải pháp và có khả năng tổ chức thực hiện ý tưởng, giải pháp đó vào đảm trách các vị trí lãnh đạo để trực tiếp chỉ đạo, triển khai từ trung ương đến địa phương. Cách thức như vậy mới giải quyết được các vấn đề lớn của “cuộc cách mạng số” này.
Người được mời đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo có quyền ra quyết định và chịu trách nhiệm về kết quả công việc. Quá trình triển khai cần được công khai, minh bạch để xã hội giám sát kết quả với những cam kết đã đặt ra khi nhận nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nêu ra một số bất cập trong tình hình hiện tại, như “cơ chế, chính sách, pháp luật chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như trong Nhân dân; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu” và “vẫn tồn tại những thủ tục hành chính rườm rà, lạc hậu, qua nhiều khâu, nhiều cửa, mất nhiều thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp”.
Vậy trong lúc chờ sửa đổi những bất cập đó, chúng ta có thể áp dụng những kinh nghiệm quý báu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt những năm 1991-1997. Đó là, đánh giá cán bộ lãnh đạo qua kết quả đã làm được và trân trọng những việc làm có tính sáng tạo. Trong quá trình làm, có thể có những thiếu sót về thủ tục nhưng đạt được những kết quả tốt thì không vì những sai sót đó mà quy kết, xử lý trách nhiệm. Có nghĩa là, đánh giá qua cả một quá trình phấn đấu của họ. Đồng thời, chỉ xử lý những người làm không có kết quả, hoặc những người không làm được nhưng “ăn tàn phá hại”.
Cách làm như vậy sẽ khơi lại hào khí, tinh thần Đổi mới mà đất nước đã có trong những năm đầu Đổi mới 1990 – 2000.
“Cuộc cách mạng số” này sẽ là công trình lớn được thảo luận, triển khai trong các dịp lễ trọng đại tới đây của đất nước. Bởi vì, cách tốt nhất để kỷ niệm những ngày lễ trọng đại là viết nên những trang sử phát triển mới cho đất nước bên cạnh việc ôn lại quá khứ hào hùng đã qua.
Dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm và sự thống nhất đồng lòng, sự ủng hộ của nhân dân, chúng tôi tin cuộc cách mạng này sẽ thành công, viết nên trang sử rực rỡ, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, sánh vai cùng các nước văn minh tiên tiến.
Nguồn: https://moha.gov.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-noi-bat.aspx?ItemID=56438