Hai tổ hợp tác nghề truyền thống hiện nay đều đang hoạt động tại bon N’Jriêng và bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa.
Các tổ hợp tác được cấp giấy công nhận nghề truyền thống và được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước theo quy định tại Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và các hỗ trợ khác theo quy định hiện hành.
Nghề dệt thổ cẩm
Dệt thổ cẩm là nghề thủ công được truyền qua các thế hệ trong một gia đình đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ và Ê đê trên địa bàn Đắk Nông. Bao đời nay, các thế hệ cha ông, các nghệ nhân đã nỗ lực lưu giữ, bảo tồn và truyền dạy cho nhiều thế hệ con cháu.
Theo dòng chảy thời gian và sự phát triển của xã hội, cuộc sống, đồng bào dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê đã tạo nên những bộ trang phục truyền thống mang nét đặc trưng riêng. Đó là những tấm thổ cẩm được dệt thủ công bằng bàn tay khéo léo, chăm chỉ của phụ nữ. Thổ cẩm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội, được xem như thước đo công – dung – ngôn – hạnh của người phụ nữ đồng bào các dân tộc này.
Trước đây, nguyên liệu truyền thống trong dệt thổ cẩm của người bản địa là sợi vải được làm từ cây bông. Bông khô sẽ được đem quay tơ, tách sợi, cuộn thành các búi sợi và sẽ được nhuộm. Tuỳ theo màu sắc cần dệt mà họ sử dụng các loại cây rừng khác nhau để nhuộm. Sản phẩm dệt xong thường dùng để làm thành áo, khố, khăn, túi, váy hoặc chăn… Hiện nay, sợi để dệt thổ cẩm được mua sẵn với đủ màu sắc, kích cỡ, chủng loại.
Tổ hợp tác (THT) dệt thổ cẩm ở bon Ting Wel Đơm có 8 chị em tham gia, đều là những người có tay nghề cao và đã có thêm nguồn thu nhập từ dệt thổ cẩm. THT thổ cẩm được xã tạo điều kiện bố trí cơ sở tại Làng nghề truyền thống Đắk Nia.
Theo bà H’Bình, Tổ trưởng THT dệt thổ cẩm, các chị tham gia THT đều có hơn 10 năm dệt thổ cẩm, thậm chí có chị có tới 30 năm kinh nghiệm nên dệt rất thành thạo, sản phẩm đẹp mắt. Các chị không chỉ dệt nhanh mà có nhiều sáng tạo trong dệt các hoa văn. Mặc dù thành viên các THT là người dân tộc Mạ, nhưng các chị em vẫn dệt thành thạo các sản phẩm thổ cẩm của dân tộc M’nông. Bên cạnh giữ gìn những hoa văn truyền thống của các dân tộc thiểu số, các thành viên còn dệt những hoa văn mang tính hiện đại để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trước đây, đa số thổ cẩm được dệt để làm váy, áo, túi xách, chăn, gối… phục vụ cho sinh hoạt của đồng bào thì hiện nay có thêm những khách hàng đặt để làm sản phẩm thời trang, làm quà lưu niệm. Vì vậy, THT cũng có những đổi mới để phù hợp với thị trường.
Nghề làm rượu cần
THT rượu cần Đắk Nia có 7 hộ đến từ bon Ting Wel Đơm, bon Bu Sốp và bon N’Jriêng tham gia. Mỗi năm THT sản xuất khoảng 100 ché, trong đó ché nhỏ từ 4 lít, ché thường khoảng 10-25 lít, ché lớn từ 40-50 lít.
Bước đầu, THT tiến hành mua chung ché, gạo nguyên liệu, men cây rừng, sản xuất cùng một công thức. Các thành viên trong tổ đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm. THT đang đầu tư xây dựng nhà kho, ché, giá trưng bày và bán sản phẩm; đồng thời xúc tiến các hoạt động “chào hàng” ở cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm của HTX, THT của Liên minh HTX tỉnh, các sự kiện trong và ngoài tỉnh.
Bà H’Mai, Tổ trưởng THT rượu cần xã Đắk Nia chia sẻ, rượu cần được làm tại nhà nên vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Các thành viên trong tổ đã thống nhất sản xuất cùng một công thức để tạo ra một hương vị đặc trưng, riêng có. THT tập trung hướng đến mục tiêu tạo được nguồn thu nhập cho các thành viên trong tổ, tạo việc làm và bảo tồn sản phẩm truyền thống của dân tộc. Nghề nấu rượu cần đa số chị em được truyền lại từ các bà, các mẹ. Rượu cần muốn ngon thì phải phơi được nắng đẹp. Vì thế, chúng tôi thường làm rượu vào mùa nắng. Nguyên liệu truyền thống dùng để làm rượu cần của người Mạ là gạo lứt tẻ và gạo lứt nếp trộn men đặc trưng riêng. Để rượu có vị đậm đà và hương thơm khi uống thì phải nấu cơm để thật nguội rồi mới trộn men vào và ủ đúng thời gian từ nửa tháng trở lên. Giá bán cũng rất bình dân, ché loại nhỏ 4 lít chỉ 250.000 đồng.
Chính quyền quan tâm, hỗ trợ
Thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Nông, thành phố Gia Nghĩa, các ngành chức năng luôn quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào có thể giữ nghề và phát triển nghề truyền thống. Địa phương phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con. Tính từ năm 2019 đến nay, xã đã tổ chức dạy nghề cho hàng trăm người là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Các học viên sau khi học nghề đều biết dệt và cho ra đời những sản phẩm đẹp mắt.
Theo bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, các THT được thành lập vừa góp phần gìn giữ nghề truyền thống và bước đầu giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào. Hiện tại, thu nhập của những hộ dệt thổ cẩm đạt khoảng 3-5 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thêm cho một số lao động địa phương. Hiện nay, xã đang phối hợp với các cấp, các ngành giúp các THT quảng bá sản phẩm bằng cách giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Về lâu dài, xã mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ THT liên kết với các doanh nghiệp, các đơn vị du lịch để sản phẩm thổ cẩm và rượu cần có đầu ra ổn định, giúp bà con phát triển bền vững nghề truyền thống.