“Điểm chuẩn vào các ngành, nếu có tăng giảm, cũng trong khoảng 0,5 – 1 điểm so với năm 2023”, TS Nguyễn Tiến Dũng nhận định.
Dự đoán trên được đưa ra dựa trên phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Bộ GD-ĐT công bố và số thí sinh dự thi năm nay.
Cụ thể, dựa trên phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Bộ GD-ĐT công bố, có thể thấy kết quả của kỳ thi năm 2024 khá ổn định so với những năm trước. Điểm môn Ngữ văn được đánh giá có mặt bằng chung cao hơn năm 2024, nhưng điểm môn Toán có xu hướng thấp hơn.
Do đó, nhìn chung, điểm trung bình của tổ hợp khối D (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) – khối xét tuyển vào tất cả các ngành đào tạo của Trường Đại học Hà Nội tương đối ổn định. Ngoài ra, theo thống kê của Bộ GD-ĐT số thí sinh dự thi năm nay chỉ tăng nhẹ (khoảng 4,5%) so với năm 2023.
“Từ những yếu tố này, có thể dự đoán điểm chuẩn vào các ngành của trường không biến động nhiều so với năm trước”, TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, các ngành đào tạo của Trường Đại học Hà Nội có nhu cầu xã hội cao và thuộc nhóm có điểm chuẩn đầu vào cao nên thí sinh phải có mức điểm trung bình mỗi môn thi tốt nghiệp THPT từ 7,5 điểm trở lên mới có cơ hội trúng tuyển vào trường. Năm 2023, điểm chuẩn của đa số các ngành của trường đã từ 30,95 điểm (trên thang điểm 40, môn Ngoại ngữ nhân đôi) trở lên.
Với một số ngành hot như Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Marketing, Công nghệ thông tin, Truyền thông Đa phương tiện…, thí sinh phải có điểm trung bình mỗi môn từ 8,5 – 9 trở lên mới đảm bảo khả năng trúng tuyển.
“Điểm chuẩn đầu vào của các ngành này dự đoán vẫn ổn định ở mức cao, trong khoảng 34 – 36 điểm theo thang điểm 40 hoặc 24-26 điểm theo thang điểm 30 với ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông đa phương tiện. Đặc biệt, ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc (ngành có điểm chuẩn cao nhất Trường Đại học Hà Nội năm 2023) có thể sẽ tăng”, TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay.
17h ngày 30.7, thí sinh sẽ kết thúc việc đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2024. Để tăng tối đa cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Hà Nội, TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý thí sinh không nên chờ tới sát thời hạn chót mới thực hiện việc đăng ký nguyện vọng để đề phòng các vấn đề kỹ thuật có thể xảy ra.
Trước khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần nghiên cứu kỹ thông tin về ngành mà mình mong muốn theo học: trường đào tạo, điểm chuẩn 3 năm trở lại đây, chỉ tiêu tuyển sinh theo các phương thức, cơ hội việc làm, mục tiêu đào tạo của từng trường… để có được sự lựa chọn hợp lý nhất.
“Khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống, thí sinh nên ghi sẵn các dự định ra giấy để tránh nhầm lẫn hoặc sai sót không đáng có. Và sau khi đã đăng ký nguyện vọng, các em nhớ thời hạn thực hiện việc thanh toán lệ phí xét tuyển theo quy định, thường xuyên kiểm tra email để đảm bảo không bị thất lạc thông tin cần thiết”, TS Nguyễn Tiến Dũng đưa ra lời khuyên tới thí sinh.
Năm 2024, Trường Đại học Hà Nội giữ ổn định phương thức tuyển sinh như các năm trước. Cụ thể, nhà trường áp dụng 3 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT (5% tổng chỉ tiêu), Xét tuyển kết hợp theo quy định của trường (45% tổng chỉ tiêu) và Xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (50% tổng chỉ tiêu).
Năm nay, Trường Đại học Hà Nội không tuyển sinh các chương trình chất lượng cao như những năm trước. Nhà trường mở mới ngành Công nghệ tài chính và có thêm 5 chương trình đào tạo tiên tiến của các ngành: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Italia, Công nghệ thông tin, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Trường Đại học Hà Nội duy trì ổn định 2 tổ hợp xét tuyển. Thứ nhất là tổ hợp các môn khối A1 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) để xét tuyển một số ngành như Công nghệ thông tin, Truyền thông đa phương tiện. Thứ hai – cũng là khối xét tuyển phổ biến nhất của nhà trường là khối D (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ). Môn Ngoại ngữ bao gồm tất cả ngoại ngữ phổ biến hiện nay, được Bộ GD-ĐT cho phép thực hiện trong công tác tuyển sinh như: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Đức,…
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, với đặc thù là trường đại học có truyền thống về đào tạo ngoại ngữ và toàn bộ các ngành đào tạo chuyên ngành đều được thực hiện bằng ngoại ngữ trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, do đó một trong các yêu cầu đầu vào đối với thí sinh là phải có trình độ ngoại ngữ tốt. Điểm Ngoại ngữ có thể được thể hiện qua các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế mà thí sinh có được.
Trường Đại học Hà Nội hiện chấp nhận 21 loại chứng chỉ năng lực ngoại ngữ khác nhau cho tất cả thứ tiếng được giảng dạy tại nhà trường, từ những thứ tiếng phổ biến như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật cho đến tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Italia, tiếng Đức đều có các chứng chỉ tương ứng. Nhà trường cũng chấp nhận chứng chỉ của kỳ thi năng lực ngoại ngữ trên máy tính theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Ngoài ra, thí sinh nếu xét đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có thể minh chứng cho năng lực ngoại ngữ của mình bằng điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/giao-duc–y-te1/diem-chuan-truong-dai-hoc-ha-noi-nam-2024-se-dao-dong-tu-0-5-1-diem-so-voi-nam-truoc-i382385/