Theo đó, điểm chuẩn (tương đương với chất lượng giáo dục, nhu cầu người học, mật độ cư dân…) có sự chênh lệch rất lớn. Nhiều trường ở vùng ngoại thành có điểm chuẩn chưa bằng một nửa ở trung tâm và nhiều trường chỉ cần hơn 3 điểm/môn thi là trúng tuyển. Ngoài ra, một số trường THPT ở gần nhau (cùng ở TP Thủ Đức hay huyện Hóc Môn…) nhưng mức điểm chuẩn cũng chênh lệch khá nhiều. Trong khi đó, so sánh toàn cảnh thì điểm chuẩn nhìn chung giảm ở nhiều trường tốp đầu và tốp giữa so với 4 năm trở lại đây, kể từ khi Sở GDĐT TPHCM thay đổi cách tính tổng điểm (không nhân đôi điểm thi môn Ngữ văn và môn Toán).
Cũng như nhiều năm trước, điểm chuẩn của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) tiếp tục dẫn đầu ở TPHCM, bởi có đông thí sinh đăng ký với tỉ lệ “chọi” rất cao trước kỳ thi. Năm nay, thí sinh phải có trung bình hơn 8 điểm/môn thi mới có thể đậu vào trường này bởi điểm nguyện vọng 1 là 24,25 điểm. Đây cũng trường THPT duy nhất có điểm chuẩn trung bình hơn 8 điểm mỗi môn (tức tổng điểm lớn hơn 24). Cũng nằm ở tốp đầu các trường có điểm chuẩn cao chót vót là trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), THPT Trần Phú (quận Tân Phú) đều ở mức điểm 23,25. Tiếp đó là vài trường THPT khác có mức điểm chuẩn dao động từ 20 – 22,5. Trong đó có trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) là trường duy nhất nằm ở huyện có điểm chuẩn trên 20 (mức 22,5 điểm).
Nguyên nhân điểm chuẩn giảm ở nhiều trường là mức độ đề thi (đặc biệt là môn Toán) khó hơn những năm trước khiến phổ điểm của thí sinh giảm. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành giáo dục thành phố, điểm chuẩn hay phổ điểm không ảnh hưởng nhiều tới kết quả chung của kỳ thi tuyển sinh bởi đây là kỳ thi chọn lọc. Nghĩa là thí sinh được chọn lọc từ cao xuống thấp theo thang điểm.
Ngược lại, điểm chuẩn của hàng loạt trường “vùng trũng” chỉ từ 10,5 điểm/3 môn. Nghĩa là mỗi môn thi chỉ trung bình hơn 3 điểm là đủ để trúng tuyển. Đây là sự chênh lệch rất lớn vì có những thí sinh đạt mức điểm 20 – 22 có thể rớt nguyện vọng ở trường trung tâm nhưng thừa rất nhiều điểm nếu nộp hồ sơ vào trường ngoại thành.
Ngoài chất lượng giáo dục thì nhu cầu người học cũng ảnh hưởng nhiều tới điểm chuẩn khi mật độ cư dân ở nhiều vùng ngoại thành quá thấp so với vùng trung tâm, dẫn tới ít thí sinh lựa chọn. Hơn nữa, nhiều trường ngoại thành không tăng điểm ở các nguyện vọng 2 và 3 tiếp theo nhằm thu hút thí sinh nộp nguyện vọng. Cụ thể, 3 trường THPT có điểm chuẩn thấp nhất đều nằm ở huyện đảo Cần Giờ với mức 10,5 điểm. Tiếp đó là Trường THPT Nguyễn Văn Tăng với mức điểm chỉ là 11. Những trường có mức điểm chuẩn dưới 12 điểm còn có một số trường ở huyện Củ Chi.
Kỳ thi vừa qua ở TPHCM có hơn 98.000 thí sinh tham dự với tổng chỉ tiêu ở 114 trường THPT là hơn 77.300 thí sinh. Ngoài điểm chuẩn nguyện vọng 1, do mức điểm chuẩn chênh lệch giữa các trường khá lớn nên việc lựa chọn nguyện vọng 2 và 3 cũng ảnh hưởng nhiều tới tỉ lệ trúng tuyển của thí sinh. Được biết, các nguyện vọng này đều phải đăng ký trước khi dự thi và không thể thay đổi sau khi biết điểm thi, điểm chuẩn.
Theo kế hoạch tuyển sinh, sau khi biết điểm chuẩn, thí sinh sẽ có thời gian tới ngày 1/8 để nộp hồ sơ với danh sách trúng tuyển được thông báo tại các trường, bao gồm cả nguyện vọng đã được đăng ký trước. Nếu quá thời gian trên, thí sinh sẽ bị xoá hồ sơ ở danh sách trúng tuyển.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tp-ho-chi-minh-diem-chuan-lop-10-chenh-lech-lon-10284768.html