Theo kết quả phổ điểm các khối thi truyền thống do Bộ GD&ĐT công bố, ở tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), điểm trung bình năm nay là 20,9 (năm 2023 là 20,77). Tổ hợp A01 (Toán, Ngoại ngữ, Vật lý), điểm trung bình là 20,47 (năm 2023 là 20,27). Tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), điểm trung bình là 20,53 (năm 2023 là 20,06). Tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) điểm trung bình là 20,95 (năm 2023 là 18,97). Tổ hợp D01 (Toán, Ngoại ngữ, Văn), điểm trung bình là 19,49 (năm 2023 là 18,89). Nhìn vào phổ điểm các tổ hợp xét tuyển cho thấy, điểm chuẩn năm nay dự kiến sẽ tăng so với năm 2023.
Chia sẻ với PV Báo CAND, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán ở Hà Nội cho biết: Điểm chuẩn đại học ở hầu hết các tổ hợp xét tuyển dự kiến sẽ tăng so với năm 2023, dao động trong quãng từ 0,2 đến 1,5 điểm. Theo thầy Tùng, hầu hết dải điểm trên 5 điểm trở lên ở tất cả các môn đều tăng; chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng điểm tốt nghiệp THPT năm nay ở nhiều trường cũng giảm so với các năm trước.
Trong đó, tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), điểm chuẩn dự kiến có thể tăng từ 0,5-1 điểm; tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh), điểm chuẩn có thể tăng từ 0,2-0,5 điểm; tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), điểm chuẩn có thể tăng từ 0,2- 0,5 điểm; tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), điểm chuẩn có thể tăng mạnh từ 0,5-1,5 điểm; tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh), điểm chuẩn cũng sẽ tăng mạnh từ 0,5-1 điểm.
Cũng liên quan đến điểm chuẩn xét tuyển đại học năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội vừa công bố dự báo điểm chuẩn tuyển sinh theo phương thức xét điểm thi Đánh giá tư duy (TSA) và điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 cho 64 chương trình đào tạo tuyển sinh. Theo đó, 3 ngành dự kiến có điểm chuẩn cao nhất và đều trên 28 điểm gồm: Khoa học máy tính (IT1), Kỹ thuật máy tính (IT2) và Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (IT-E10). Đây cũng là nhóm ngành luôn có điểm chuẩn cao nhất của ĐH Bách khoa Hà Nội trong những năm gần đây. Cũng theo bảng dự báo, điểm chuẩn thấp nhất dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT trong khoảng 20 – 22,75 điểm. Các ngành trong nhóm này là Kỹ thuật Môi trường (EV1), Quản lý Tài nguyên và Môi trường (EV2), CTTT Khoa học và kỹ thuật vật liệu (MS-E3), Công nghệ Dệt May (TX1). Mức dự báo năm 2024 của các ngành này có sự tăng nhẹ so với mức dự báo năm 2023 là 0,75 điểm.
Lưu ý thêm về cách đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học hiệu quả, thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng, thí sinh nên chọn ngành trước rồi chọn trường. Thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn của các ngành trong 3, 4 năm gần đây và đăng ký theo 3 nhóm: Nhóm 1 dành cho nguyện vọng rất thích, có thể hơn điểm của mình 1-3 điểm; nhóm 2, đúng nguyện vọng và tương đương với điểm của mình; nhóm ba là để dự phòng rủi ro, đúng nguyện vọng của mình nhưng có điểm chuẩn thấp hơn điểm của mình.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục FPT cũng dự đoán điểm chuẩn đại học xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng ở một số tổ hợp. Do đó, để tối ưu khả năng đỗ, thí sinh cần lên danh sách các trường đào tạo ngành học mình chọn, sắp xếp theo điểm chuẩn từ cao xuống thấp.
Về quy định, thí sinh hoàn toàn có thể đặt nguyện vọng 1 là trường có điểm chuẩn năm 2023 cao hơn 4-5 điểm hoặc cao hơn nữa so với điểm thi của mình nhưng thực tế không để làm gì. Hãy quan tâm đến trường có điểm chuẩn năm 2023 bằng điểm thi hoặc nhỉnh hơn 0,5-1điểm, và đặt nó là nguyện vọng 1. Các nguyện vọng nên có bước nhảy 0,25-1 điểm và nguyện vọng cuối cùng nên cách điểm thi từ 4-5 điểm để đảm bảo an toàn.
Với các thí sinh có điểm không được tốt, khó có thể đỗ ngành mình yêu thích nhất, thầy Hiền lưu ý các em hãy chuẩn bị cho mình các phương án dự phòng là các ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn. Nhưng lưu ý nguyện vọng đưa ra không phải để cho vui, cũng không phải để đỗ bừa vào một trường nào đó, hãy tìm hiểu kĩ và có trách nhiệm với lựa chọn của mình.
Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/diem-chuan-dai-hoc-du-kien-tang-thi-sinh-can-luu-y-gi-de-tang-co-hoi-trung-tuyen–i737905/