1. Lĩnh vực Văn hóa
– TTXVN, VTV, báo Đảng Cộng sản Việt Nam, Lao Động, Tổ Quốc, Văn Hóa, Tiền Phong, Pháp luật TP. HCM và nhiều báo khác ngày 30/9 và 1/10 đưa tin: Chiều 30/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh đã cùng tham dự Lễ khai mạc Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ nhân kỷ niệm 70 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày Văn hóa Việt Nam được tổ chức tại Mông Cổ là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần tăng cường tình hữu nghị và phát triển quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
– Báo Tổ Quốc ngày 30/9 đưa tin: Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa cho ý kiến tại Phiên toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Cơ quan soạn thảo hiện nay đang tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, địa phương và nhân dân nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật này.
– TTXVN, báo Văn Hóa, Tổ Quốc và nhiều báo khác đưa tin: Ngày 30/9, tại TP. Thái Bình (tỉnh Thái Bình), Viện VHNT quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) và UBND tỉnh Thái Bình đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn: Cuộc đời và sự nghiệp”. Hội thảo là hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (1726 – 2026), góp phần hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO ghi danh ông là Danh nhân Văn hóa Thế giới. Gần 90 tham luận của các nhà khoa học trong nước và quốc tế từ nhiều góc cạnh đã làm sáng rõ thêm vai trò của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn trong sự nghiệp khai sáng.
– Tiếp tục những hoạt động chia sẻ sau bão lũ, báo Văn Hóa, Tổ Quốc, Đà Nẵng đưa tin: Tối 29.9, tại quảng trường 29.3 (TP Đà Nẵng), chương trình nghệ thuật Đà Nẵng tình người đã được diễn ra. Chương trình do Hội Sự kiện TP Đà Nẵng cùng các đơn vị làm sự kiện và nghệ sĩ, diễn viên tổ chức gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua. Hàng ngàn người dân đã tham dự chương trình.
Về các hoạt động trở lại sau bão lũ, báo tiền Phong đưa tin: Mặc dù bị tàn phá nặng nề sau bão số 3 nhưng bảo tàng Quảng Ninh đã nhanh chóng khôi phục và bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại (30/9). Dự kiến hơn 1.000 khách thăm bảo tàng hôm nay, đa số là khách quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu…
– Nhiều chương trình trọng điểm kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, báo Tổ Quốc, Tin Tức đưa tin: Hai chương trình nghệ thuật đặc biệt được truyền hình trực tiếp, trình chiếu phim tài liệu “Bác sĩ Trần Duy Hưng – Một phẩm cách Hà Nội”, phim truyện điện ảnh “Đào, Phở và Piano” là một phần trong loạt sự kiện, chương trình trọng điểm được Đài truyền hình Việt Nam chuẩn bị ra mắt trên các kênh sóng VTV nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).
2. Lĩnh vực Thể thao
-VFF, VTV, báo Giao Thông, Văn Hóa ngày 30/9 đưa tin: Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết, đội tuyển U17 Việt Nam đã lên đường sang Nhật Bản tập huấn để chuẩn bị cho Vòng loại U17 châu Á 2025, diễn ra vào cuối tháng 10 tại Phú Thọ. Trước chuyến tập huấn tại Nhật Bản, đội tuyển U17 Việt Nam với 28 cầu thủ được triệu tập đã hội quân tập luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Hà Nội) từ ngày 16/9 vừa qua.
– TTXVN, báo Lao Động, Quảng Nam và nhiều báo khác đưa tin: Tối 30/9, tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cục Thể dục thể thao và Liên đoàn Vovinam Việt Nam tổ chức khai mạc Giải Vô địch Vovinam toàn quốc lần thứ 30, năm 2024.
– Một số tin tức thể thao khác trên báo SGGP: Việt Nam giành 29 HCV, đứng đầu giải vô địch vật Đông Nam Á 2024; Tuyển thủ thể dục aerobic Việt Nam giành HCB giải vô địch thế giới 2024; Taekwondo Việt Nam cử 9 võ sỹ triển vọng góp mặt giải vô địch trẻ thế giới 2024 để tìm kết quả cao nhất; 14 đội bóng của vòng chung kết giải hạng A toàn quốc 2024 đang có sự chuẩn bị gắt gao sẵn sàng vào tranh tài ngay đầu tháng 10 tới đây.
3. Lĩnh vực Du lịch
– Báo Chính phủ, Lao Động, Tổ Quốc, Văn Hóa và nhiều báo khác ngày 1/10 đưa tin: Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mông Cổ, chiều ngày 30/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Thanh niên Mông Cổ. Nội dung chính của Bản ghi nhớ gồm trao đổi thông tin, nghiên cứu, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác giữa các tổ chức du lịch cũng như các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực du lịch của hai nước, tổ chức hội thảo du lịch, hỗ trợ tham gia các sự kiện du lịch, hội chợ du lịch… được tổ chức tại mỗi nước.
– “Du lịch miền Bắc tìm cách phục hồi sau bão lũ” là thông tin trên TTXVN, báo này cho biết thêm: Đến nay, cơ bản các điểm du lịch ở phía Bắc đã đón khách trở lại, nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn cân nhắc tổ chức các đoàn du lịch đến các tỉnh miền núi phía Bắc do yếu tố an toàn.
– Báo Tin Tức, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Dân Trí ngày 30/9 đưa tin: Lực lượng cứu hộ cứu nạn huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã tổ chức tìm kiếm hai du khách lạc trong rừng trên đỉnh Langbiang và giải cứu thành công. Cơ quan chức năng cho biết khu vực rừng già ở Langbiang thỉnh thoảng xảy ra các vụ việc tương tự. Nguyên nhân do du khách bất chấp thời tiết đi vào rừng tham quan, và khi đi không thông báo với trực gác tại cổng khu du lịch Langbiang.
– Một số tin tức định hướng cho du lịch địa phương trên báo Nhân Dân, Tiền Phong:
La Vuông, được nhiều người ví von như Đà Lạt thu nhỏ, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Do vậy, ngoài du lịch biển và các địa điểm tâm linh, tỉnh Bình Định đang tập trung đầu tư hạ tầng, thực hiện quy hoạch để thu hút đầu tư, phát triển thêm nhiều loại hình du lịch mới trên vùng cao nguyên này.
Thành phố Cần Thơ xác định thế mạnh đặc thù là du lịch sông nước miệt vườn và du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, khen thưởng, sự kiện, triển lãm). Vì vậy, Cần Thơ chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch này để thu hút, hấp dẫn du khách, phấn đấu đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn vào năm 2025.
Với bề dày lịch sử hơn 300 năm, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) là nghề truyền thống lâu đời nhất nơi đây còn tồn tại. Tỉnh Bình Dương đang thực hiện đề án bảo tồn, biến nơi đây trở thành khu du lịch phố cổ.
Đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ hình thành 11 chợ điểm phục vụ du lịch tập trung ở khu vực ven sông Hàn và bờ Đông với kỳ vọng xây dựng chợ truyền thống thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách.
4. Lĩnh vực Gia đình
– Báo Phụ nữ Việt Nam ngày 30/9 đưa tin: Hội LHPN tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức trao học bổng từ Chương trình Mottainai “Trao yêu thương – Nhận hạnh phúc” năm 2024 cho 10 trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: https://toquoc.vn/diem-bao-hoat-dong-nganh-van-hoa-the-thao-va-du-lich-ngay-1-10-2024-20241001104644943.htm