Dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạo và gây thiệt hại lớn cho người nuôi heo tại địa phương.
Cụ thể, tại huyện Cầu Kè, dịch tả heo châu Phi đã ảnh hưởng đến 86 con heo của 2 hộ chăn nuôi. Trước tình hình trên, ngành chuyên môn đã tập trung xử lý các giải pháp trong phòng, chống dịch bệnh như thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, nhằm tiêu diệt mầm bệnh.
Trong khi đó, tại xã Xuân Đông (Chợ Gạo, Tiền Giang) từ nửa cuối tháng 10 đến nay, đã xuất hiện 15 ổ dịch. Hơn 300 con heo bị tiêu hủy, với tổng trọng lượng 16 tấn trên tổng đàn heo của toàn xã với khoảng 6.500 con.
Địa phương này đã lập chốt kiểm dịch ở đầu các tuyến đường vào xã nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua các nơi khác và tuyên truyền người dân không vận chuyển heo bệnh ra khỏi địa bàn.
Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng thực hiện tốt công tác tiêu độc, khử trùng các chuồng trại còn lại, cố giữ cho đàn heo còn khỏe mạnh không nhiễm bệnh.
Không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Trà Vinh, Tiền Giang, thời gian qua, nhiều địa phương và các trang trại chăn nuôi của một số doanh nghiệp khác cũng đang bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi.
Trả lời VTC News sáng 19/11, ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, dịch tả heo Châu Phi thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Tây, mà đã ảnh hưởng đến cả khu vực Đông Nam Bộ và cả nước.
“Trước năm 2022, nhiều người chủ quan cho rằng dịch tả heo châu Phi chỉ xảy ra với các trang trại của các cá nhân phòng chống dịch bệnh không tốt.
Thế nhưng bước sang năm 2023, dù các trang trại lớn của các doanh nghiệp, tập đoàn đảm bảo an toàn sinh học cũng bị dịch tả heo châu Phi xâm nhập, ảnh hưởng đến một số trang trại, nhất là trong tháng 9 – 10 khi dịch diễn biến phức tạp”, ông Đoán nói.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện hơn 530 ổ dịch tả heo châu Phi; buộc tiêu hủy trên 20.000 con tại 44 tỉnh, thành phố.
Đáng kể nhất là tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình, Đắk Lắk… Từ tháng 8 đến nay, dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi heo và nguồn cung thực phẩm.
Trước tình hình trên, ngày 16/11, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Công điện hỏa tốc số 1097/CĐ-TTg gửi các bộ ngành và địa phương yêu cầu tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch hiện tại, không để phát sinh ổ dịch tả heo châu Phi mới. Quyết liệt phòng chống, kiểm soát dịch bệnh nêu trên cũng như bảo đảm nguồn cung thịt heo trong thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Có thiếu thịt heo cuối năm?
Chỉ còn vài tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhu cầu thịt heo dự kiến tăng mạnh. Vì vậy, không ít người lo lắng và đặt câu hỏi, liệu có thiếu thịt heo? Giá heo có “sốt sình sịch” trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hay không?
Về nội dung này, ông Nguyễn Kim Đoán cho biết, hiện nay giá heo hơi chỉ 51.000 – 52.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành chăn nuôi khoảng 2.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi đang thua lỗ. Năm nay, dù giá thức ăn chăn nuôi liên tục giảm nhưng xảy ra dịch bệnh khiến chi phí thuốc thú y, phòng dịch tăng, nên cơ bản giá thành chăn nuôi vẫn ở mức cao.
“Dịch bệnh gia tăng, giá heo tiếp tục giảm thì người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ hạn chế tái đàn, thậm chí nghỉ nuôi. Tuy nhiên, khu vực trang trại và doanh nghiệp vẫn giữ ổn định quy mô chăn nuôi vì những ưu thế do quy trình sản xuất khép kín, chí phí chăn nuôi thấp hơn, cơ chế phòng chống dịch bệnh tốt”, ông Đoán nói.
Theo ông Đoán, năm 2019 – 2020, lợi nhuận trong chăn nuôi rất lớn, bởi thời điểm đó dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, lượng heo thiếu hụt rất nghiêm trọng. Sau những năm 2020, các công ty, tập đoàn đã tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi với quy mô rất lớn để phục vụ nhu cầu thị trường. Do đó thời gian qua lượng heo hơi được chăn nuôi rất nhiều.
“Hiện nay tổng đàn của chúng ta có khoảng 28 – 29 triệu con. Nếu dịch bệnh không tàn phá trong những tháng vừa qua thì chúng ta dư thừa sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước và chúng ta phải tìm thị trường xuất khẩu. Do vậy, dù dịch bệnh xảy ra thì lượng thịt heo của chúng ta cũng không thể thiếu.
Tuy nhiên, về giá thì vào thời điểm cuối năm, nhu cầu của xã hội tăng nên giá thịt heo có thể tăng nhưng không đáng kể. Nguyên nhân là do nhu cầu của người tiêu dùng năm nay sẽ ít đi vì thu nhập của người dân không cao. Cùng với đó, các công ty dẫn dắt thị trường cũng phải cân đối để đảm bảo cung – cầu phù hợp, tránh hiện tượng giá cao, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu hoặc thay bằng thực phẩm khác”, ông Đoán nói.
Ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, giá cả chăn nuôi là câu chuyện điều tiết của thị trường, từ giá cả đầu vào, nguồn cung, khả năng tiêu thụ.
“Việc nhập khẩu thịt heo hay thực phẩm khác khi chúng ta tham gia vào các Hiệp định thương mại là việc hết sức bình thường. Vấn đề là chúng ta phải giám sát chất lượng, đồng thời phát huy thế mạnh trong nước để xuất khẩu và nhập những mặt hàng chúng ta cần, chúng ta thiếu”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, có thời điểm giá heo lên đến 65.000 – 70.000 đồng/kg, nhưng cũng có lúc xuống đến hơn 40.000 đồng/kg là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý Nhà nước, Cục chỉ kiểm soát về tổng đàn, tăng cường chất lượng, giám sát đầu vào, nguyên liệu.
“Với giá quanh mốc 54.000 đồng/kg trở xuống, người chăn nuôi không có lãi. Nếu xuống dưới mốc 50.000 đồng/kg thì chắc chắn là người chăn nuôi thua lỗ. Tuy vậy, chúng ta phải chấp nhận khi thị trường lên thì chúng ta thắng lợi, khi thị trường xuống thì chúng ta cũng phải chấp nhận rủi ro”, ông Thắng nói.
Về góc độ quản lý ngành, ông Thắng cho biết, sẽ không có câu chuyện thiếu hụt thực phẩm, thịt heo cuối năm và dịp Tết 2024, bởi khi chúng ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do với các nước trên thế giới và khu vực sẽ có sự trao đổi hàng hoá.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt heo và các loại thực phẩm trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, đều giảm.
PHẠM DUY