Bình Thuận vượt 10.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), nhưng chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Dự báo, tình hình SXH sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.
Ca nhập viện muộn
Thời điểm cuối năm 2022 gần như kết thúc mùa mưa, nhưng các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh vẫn tiếp nhận nhiều ca mắc SXH mỗi ngày. Chẳng hạn, Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận điều trị nội trú bình quân 45 ca/ngày. Khoa Nhi của Bệnh viện An Phước ghi nhận hơn 100 ca/ngày tại khoa khám, chưa kể số bệnh nhân nội trú. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện An Phước điều trị gần 2.000 ca mắc SXH (tăng 1.669 ca so năm 2021), thì có 1.322 ca từ 16 tuổi trở xuống và 674 ca người lớn.
Anh Nguyễn Thành Sang (Phan Rí Cửa, Tuy Phong) có con trai 3 tuổi mắc SXH đang điều trị tại Bệnh viện An Phước. Anh Sang chia sẻ: “Con trai anh nhập viện trong tình trạng giảm sốt, mặt tái, tay chân lạnh. Gia đình chủ quan, cứ nghĩ rằng giảm sốt thì tình trạng sức khỏe sẽ tốt hơn. Khi vào bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán con trai mắc bệnh SXH. Lần đầu bé mắc SXH, các nhà lân cận gia đình anh thì không có ai mắc bệnh này”.
Bác sĩ Hà Hữu Huy – Trưởng khoa Nhi của Bệnh viện An Phước cho biết: Năm 2022, số trẻ mắc SXH điều trị ngoại trú và nội trú khá nhiều. Theo chu kỳ 3 – 5 năm có 1 lần dịch SXH bùng phát và năm nay rơi vào chu kỳ bùng phát SXH. Số ca bệnh trong đợt dịch năm nay nhiều hơn so với các đợt dịch lần trước; đặc biệt có nhiều ca nặng, ca biến chứng suy hô hấp, tăng men gan, xuất huyết tiêu hóa. Bệnh trở nặng, có biến chứng dễ khiến cho bệnh nhân tử vong. Công tác điều trị, chăm sóc ít nhiều cũng gặp khó khăn.
Sốt của SXH giống như sốt của các bệnh thông thường khác ví dụ viêm phế quản, viêm đường hô hấp, cúm… Vì thế, các gia đình chủ quan, mua thuốc ở các tiệm thuốc tây cho trẻ uống khi bị sốt. Đến khi trẻ trở nặng thì gia đình mới đưa trẻ đến bệnh viện. Có nhiều ca nặng, khi vào viện, bác sĩ không bắt được mạch, huyết áp. Thêm vào đó, không ít cha mẹ đưa trẻ tới các phòng mạch tư để khám khi phát hiện con sốt. Tuy nhiên, có những phòng mạch tư không có chuyên khoa nhi nên chẩn đoán thành bệnh viêm hô hấp, không theo dõi SXH. Khi trẻ trở nặng, cha mẹ mới đưa trẻ đến bệnh viện.
Sẽ tăng thêm ca mắc
Từ đầu năm 2022 đến nay, Bình Thuận ghi nhận hơn 10.630 ca mắc sốt xuất huyết ở mọi lứa tuổi, tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, số ca mắc SXH ghi nhận tăng nhanh đột biến từ tháng 8 – 11/2022. Tuy nhiên, số ca mắc phân theo nhóm tuổi, thì nhóm trẻ từ 15 tuổi trở xuống chiếm tỷ lệ gần 57%. Giới tính nam mắc bệnh này chiếm hơn 53%, cao hơn so với giới tính nữ. Các huyện có số ca mắc SXH cao, gồm 2.392 ca ở Tánh Linh, 1.599 ca ở Hàm Thuận Nam, 1.439 ca ở Bắc Bình; chiếm 51,1% tổng số ca mắc toàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 323 ca SXH nặng, chiếm tỷ lệ 3% so với tổng số ca mắc SXH, 6 ca tử vong. Tại thời điểm này, tình hình dịch SXH chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Bộ Y tế nhận định: Những tháng gần đây, số ca mắc SXH vẫn tiếp tục gia tăng trên cả nước. Đặc biệt khu vực miền Bắc, miền Trung, trong đó các tỉnh ghi nhận số ca mắc liên tục tăng cao là Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Bình và Bình Thuận. Theo tính chất chu kỳ và điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi phát triển; cùng với đó là gia tăng sự giao lưu đi lại của người dân sau dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong chủ động phòng chống dịch Covid-19 chưa cao, vẫn còn phát hiện nhiều ổ lăng quăng trong các gia đình, khu dân cư thông qua kiểm tra giám sát. Dự báo, trong thời gian tới, tình hình SXH sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng cao.
Để sớm khống chế dịch SXH, ngành y tế tỉnh Bình Thuận tiếp tục theo dõi diễn tiến dịch bệnh, xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức phun hóa chất tại các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động. Sở Y tế Bình Thuận kêu gọi người dân dành 10 phút/tuần, tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Đó là chủ động thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi lăng quăng, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào hồ, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Khi sốt, người dân đến ngay cơ sở y tế, không chủ quan tự dùng thuốc gây ảnh hưởng đến việc phát hiện, giám sát và điều trị bệnh SXH.