Dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, viêm não Nhật Bản đang gia tăng
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, viêm não Nhật Bản tăng so cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, tuần qua, Hà Nội ghi nhận 118 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong; tăng 34 ca so với tuần trước, bệnh nhân phân bố tại 21 quận, huyện; trong đó phần lớn bệnh nhân ghi nhận tại Đan Phượng.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 1.058 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Ảnh minh họa. |
CDC Hà Nội nhận định, hiện nay điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh. Số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần tăng 34 ca so với tuần trước, đây là tuần thứ 6 liên tiếp có số mắc tăng.
Đặc biệt, ổ dịch thôn Bãi Tháp và Đồng Vân thuộc xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng ghi nhận từ ngày 8/5/2024 vẫn tiếp tục kéo dài, phát sinh thêm các ổ dịch mới trên địa bàn phường Dương Nội, quận Hà Đông.
Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 34 ca mắc tay chân miệng, không có ca tử vong, tăng 4 ca so với tuần trước. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 1.627 ca mắc, không có ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Hà Nội cũng đa ghi nhận 11 ca mắc ho gà, tăng 3 ca so với tuần trước. Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 162 ca mắc tại 28 quận, huyện, thị xã; không có ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023. T
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản tại huyện Chương Mỹ. Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 2 ca mắc, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Theo CDC thành phố, đối với bệnh viêm não Nhật Bản, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền bệnh. Bệnh lưu hành quanh năm, gây dịch chủ yếu vào các tháng hè và thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi.
Hiện, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm não Nhật Bản. Việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, bao gồm giảm triệu chứng và chăm sóc bệnh nhân để ngăn ngừa các biến chứng.
Khi có dấu hiệu sốt cao cùng các triệu chứng: Nôn, buồn nôn, trẻ mất ngủ quấy khóc, vật vã mê sảng hoặc li bì, co giật, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Đối với bệnh sởi, những năm gần đây, tỷ lệ mắc trên toàn cầu cho thấy những xu hướng đáng lo ngại. Đặc biệt, mối đe dọa dịch sởi trên toàn cầu tiếp tục gia tăng khi rất nhiều trẻ bị bỏ lỡ tiêm chủng.
Trong khi, sởi là bệnh dễ lây lan. Nếu một người mắc bệnh thì 9/10 người xung quanh sẽ bị lây nhiễm nếu không được tiêm phòng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2022 có 136.000 ca tử vong vì các biến chứng của sởi, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi do không tiêm phòng sởi đầy đủ.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh;
Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh. Với các bệnh có vắc-xin, khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Cụ thể, người dân hãy đưa trẻ đi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi để tạo miễn dịch chủ động; trong đó mũi 1 khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và mũi 2 hoàn thành trước khi trẻ 24 tháng tuổi.
Ngoài ra, để phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản, người dân cần thực hiện tiêm chủng với 3 liều cơ bản, gồm: Mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
CDC Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình, tổ chức điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch. Tổ chức điều tra, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để ổ dịch bùng phát rộng.
Nguồn: https://baodautu.vn/dich-sot-xuat-huyet-tay-chan-mieng-ho-ga-viem-nao-nhat-ban-dang-gia-tang-d219549.html