Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnhdo Bộ Y tế tổ chức ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm đã đạt được những kết quả nhất định; Việt Nam đã ngăn chặn và kiểm soát thành công nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SARS, MER-CoV, Ebola…;
Năm 2003, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát với quy mô toàn cầu, chưa từng có trong lịch sử;
Sau hơn 3 năm, dịch bệnh đã được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả; ngày 20/10/2023, góp phần quan trọng trong việc phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Bà Hương khẳng định, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm hết sức quý báu về chỉ đạo, điều hành kinh tế – xã hội, nhất là cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và công tác phòng, chống dịch nói riêng.
Tuy nhiên, theo bà Hương dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường; có xu hướng tăng dần tần suất và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới, các dịch bệnh mới nổi; các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi gia tăng đáng kể; số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 10 lần trong 10 năm qua với ước tính nửa dân số trên thế giới có nguy cơ ca mắc mỗi năm.
Năm 2023, thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tại nhiều quốc gia.
“Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều cùng với nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn”, bà Hương nói.
Để phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai, bà Hương cho biết, Bộ Y tế sẽ tập trung tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, triển khai thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Bí thư; Nghị quyết 99 của Quốc hội và Nghị quyết số 218; đồng thời tiếp tục chủ động đẩy mạnh tiếp cận an ninh y tế toàn cầu trong phòng, chống dịch để thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các cơ chế hợp tác song phương, đa phương trên cơ sở phối hợp liên ngành, đa lĩnh vực, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam, cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với dịch bệnh.
Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19, Bộ Y tế đưa ra chủ đề hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023 là “Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh” nhằm kêu gọi toàn dân và cộng đồng nâng cao ý thức phòng bệnh, tăng cường sức khỏe; thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo chính quyền các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh;
Xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của y tế dự phòng, y tế cơ sở; củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch các tuyến, đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số và huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch.
16 thông điệp truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 2023 với chủ đề “Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh”:
Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác;
Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở;phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng;
Thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch bệnh; ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh;thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nơi ở để ngăn ngừa mầm bệnh phát triển;
Tiêm vắc-xinlà biện pháp hiệu quả để chủ động phòng, chống dịch bệnh;quan hệ tình dục an toàn để phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục; thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng;
Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn;phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân: giữ ấm cơ thể; thể dục, thể thao; nâng cao thể trạng;khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám kịp thời;
Không tự ý mua, sử dụng kháng sinh để phòng và chữa bệnh; thực hiện 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn) để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm;đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người.