‘Địa chỉ số’ là địa chỉ của mỗi căn nhà được ghi trong cơ sở dữ liệu địa chỉ số quốc gia. Khi muốn tìm số nhà này, trong app sẽ chỉ đường chính xác đến tận cửa căn nhà.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, mục tiêu đến năm 2025, 100% hộ gia đình trong cả nước có “địa chỉ số”.
Tuy nhiên hiện nay nhiều người dân chưa nắm rõ địa chỉ số là gì.
Nhằm góp thêm góc nhìn về vấn đề mới đang được quan tâm, Tuổi Trẻ Online gửi đến bạn đọc ý kiến của chuyên gia Lê Hồng Bội và Võ Anh Tuấn để làm rõ thêm vấn đề này.
Địa chỉ số là gì?
“Địa chỉ số” là một dãy số biểu trưng cho một địa chỉ vật lý, là địa chỉ của mỗi căn nhà được ghi trong cơ sở dữ liệu địa chỉ số quốc gia.
Trong đó, mỗi địa chỉ là một dãy gồm mười chữ số. Năm chữ số đầu tiên (từ trái sang) là mã bưu chính của phường/xã nơi căn nhà tọa lạc, năm chữ số tiếp theo là số để phân biệt từng căn nhà trong phạm vi mã bưu chính.
Ưu điểm của địa chỉ số là dùng chữ số và tọa độ địa lý của căn nhà để thay những con số dài ngoằng, khó tìm như hiện tại.
Ví dụ: Căn nhà đang có địa chỉ thực tế là 275/3/18/… Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM nhưng địa chỉ số sẽ là một dãy số khác.
Khi muốn tìm số nhà này, trong mobile app Diachiso sẽ chỉ đường chính xác đến tận cửa căn nhà.
Ngoài ra, trong trường hợp nhập phường xã cũng không ảnh hưởng. Địa chỉ số không thay đổi và có tính pháp lý.
Địa chỉ số giải quyết được tình trạng biết số nhà nhưng không thể đến nơi được ở nhiều khu dân cư, và tình trạng nhà không số ở các nơi hẻo lánh. Đó là các vấn đề rất khó giải quyết được với cách cấp địa chỉ truyền thống.
Nhờ có tọa độ địa lý nên có thể dùng bản đồ số trong smartphone tìm đường đến đúng căn nhà. Việc này có lợi cho người dân trong việc xác định vị trí cần đến.
Từng căn nhà trong cả nước được cấp địa chỉ số khi nhân viên bưu điện đến trước cửa căn nhà, ghi nhận tọa độ địa lý của lối ra vào và các chi tiết khác.
Cách làm này tốn rất nhiều công sức và thời gian, trong khi chỉ còn một năm nữa là đến hạn của mục tiêu 100% hộ gia đình trong cả nước có địa chỉ số.
Cấp địa chỉ số cho những khu đất trống
Để đẩy nhanh việc cấp địa chỉ số, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để truy cập dữ liệu tất cả hồ sơ chứng nhận quyền sử dụng đất trong cả nước.
Trên mỗi hồ sơ chứng nhận quyền sử dụng đất đã có tọa độ thửa đất trong hệ tọa độ VN2000, chỉ cần làm một phần mềm đọc lần lượt từng hồ sơ chứng nhận quyền sử dụng đất.
Làm như vậy chỉ tốn công làm phần mềm một lần mà đỡ công của hàng vạn nhân viên bưu điện.
Địa chỉ số được cấp bằng phần mềm này có thông tin tối thiểu là tọa độ địa lý, pluscode, what3words, có thể có thêm địa chỉ truyền thống, số thửa đất.
Những thông tin khác sẽ được người dùng bổ sung và cập nhật dần: tên giao dịch, số điện thoại, địa chỉ email…
Để tiện cho việc đọc bảng số nhà, các địa chỉ số của những nhà liền nhau nên là những con số liên tiếp. Để làm được vậy thì nên chia mỗi khu vực mã bưu chính ra thành từng vùng.
Ví dụ chia một phường ra thành 50 – 100 vùng, mỗi vùng là một con đường hoặc một đường hẻm có nhiều nhà, mỗi vùng có 1.000 – 2.000 số liên tiếp để cấp cho nhà trong vùng.
Các khu đất trống cũng được cấp địa chỉ số. Khu đất lớn thì chừa sẵn vài địa chỉ số không cấp để phòng khi khu đất bị tách thửa. Số địa chỉ chừa sẵn bằng tổng diện tích khu đất chia cho diện tích tối thiểu được tách thửa.
Những khu đất tiếp giáp với nhiều đường giao thông được cấp nhiều địa chỉ số tương ứng.
Địa chỉ số được cấp bằng phần mềm có thể hơi lệch với lối ra vào thực tế của những khu đất lớn, khi đó người sử dụng có thể gửi yêu cầu điều chỉnh qua app và web để admin cập nhật.
Khi đã đạt mục tiêu 100% nhà có địa chỉ số, mỗi người biết được địa chỉ số của nơi đang đứng bằng cách mở app Diachiso.
Việc phối hợp giữa hai bộ liên quan cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc trong tương lai dùng địa chỉ số trong các hồ sơ có tính pháp lý.
Nền tảng “địa chỉ số” quốc gia đang được triển khai như thế nào?
Đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho biết VNPost là đơn vị được giao chủ trì xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và vận hành cơ sở dữ liệu địa chỉ số quốc gia.
Đây là một trong 35 nền tảng số quốc gia được ưu tiên tập trung phát triển nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Đến thời điểm hiện tại, VNPost đã hoàn tất việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng website, ứng dụng di dộng (app) địa chỉ số để người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thể tham gia đề xuất, chỉnh sửa và tra cứu cơ sở dữ liệu địa chỉ số.
Cùng với việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, VNPost đã triển khai thu thập, tạo lập, cập nhật, bổ sung dữ liệu các trường thông tin cơ bản, hình thành cơ sở dữ liệu địa chỉ số với hơn 23 triệu địa chỉ.
Một số số liệu về nền tảng địa chỉ số tính đến 31-10-2024
– Tổng số lượng tài khoản người dùng đăng ký trên nền tảng địa chỉ số: 30.524 tài khoản.
– Tổng số thiết bị đang cài ứng dụng địa chỉ số: 9.972 (9.922 Android và 50 IOS).
– Tổng số lượt truy cập website “diachiso.gov.vn” lũy kế từ 1-1-2024 – 31-10-2024: 1.889.383 lượt.
– Tổng số lượt truy vấn vào nền tảng địa chỉ số từ 1-1-2024 – 31-10-2024: 354.460.623 truy vấn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dia-chi-so-la-gi-viec-cap-dia-chi-so-khac-dia-chi-hien-nay-ra-sao-20241121142248329.htm