Núi Chùa Ngọc Sơn (xã Bình Phục, Thăng Bình) là di tích lịch sử cấp tỉnh. Huyện Thăng Bình đang chú trọng tôn tạo và phát huy các giá trị của di tích này.
Núi Chùa nằm trong quần thể núi Ngọc Sơn. Gọi là núi Chùa vì xưa kia trên ngọn núi này có ngôi chùa thờ Phật. Qua thời gian và chiến tranh, đến nay ngôi chùa không còn nữa. Núi Chùa có vị trí chiến lược trong công tác quốc phòng. Đứng ở đỉnh núi có thể nhìn bao quát gần hết làng Ngọc Sơn và nhìn về các xã vùng đông của Thăng Bình như Bình Giang, Bình Dương, Bình Triều…
Trong ký ức và tâm tưởng của người dân Ngọc Sơn, núi Chùa là nơi linh thiêng, huyền bí. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nơi đây đã từng nuôi giấu cách mạng, là nơi để du kích, bộ đội tập luyện, mai phục và theo dõi địch từ xa.
Núi Chùa là địa điểm then chốt của cách mạng vùng đông. Nơi đây đã từng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt làm địch phải khiếp sợ, trong đó ác liệt nhất là trận đánh của Tiểu đoàn 72 bộ đội tỉnh vào tháng 8/1972.
Thời điểm đó, cuộc chiến đấu quyết liệt, giằng co, quân địch tiến lên núi Chùa Ngọc Sơn thì bị quân ta đánh lui xuống. Ta tiêu diệt được tên đại đội trưởng của địch nhưng do nơi ẩn nấp bị lộ, nhiều chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh.
Mặc dù chênh lệch rất lớn về lực lượng, nhưng các chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trận đánh thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất của quân ta, góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ông Trương Công Hùng – Trưởng phòng VH-TT huyện Thăng Bình cho biết, núi Chùa Ngọc Sơn là di tích lịch sử quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Bình Phục nói riêng, huyện Thăng Bình và Quảng Nam nói chung.
Đầu năm 2018, với sự hỗ trợ của Ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn 72 Tỉnh đội Quảng Nam, chính quyền xã Bình Phục, nhân dân thôn Ngọc Sơn Đông đã tổ chức xây dựng nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ Tiểu đoàn 72 hy sinh trong trận đánh tại núi Chùa năm 1972.
Công trình thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với công tác đền ơn đáp nghĩa, tưởng nhớ những người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời giúp thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ truyền thống yêu nước.
Bà Phan Thị Nhi – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, việc gìn giữ, tôn tạo di tích đang được địa phương chú trọng nhằm giúp thế hệ trẻ biết ơn công lao to lớn của những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và lưu giữ các giá trị to lớn của lịch sử.
Để phát huy giá trị di tích, hằng năm huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, nhất là các dịp lễ truyền thống nhằm lan tỏa truyền thống yêu nước trong thế hệ trẻ.